Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ của Fed chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Trung Quốc?
08/02/2019 08:03:51
Nhiều người đang hoài nghi liệu có phải chính Trung Quốc đang định hình chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Ảnh: Nikkei

Ai cũng biết rằng Trung Quốc đã khiến cho kinh tế mạnh hơn bằng việc trở thành công xưởng của toàn cầu. Thế nhưng giờ đây, nhiều người đang hoài nghi liệu có phải chính Trung Quốc đang định hình chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed)?

Theo báo Nikkei, sẽ thật khó để kết luận đến mức như vậy, xét đến việc Fed đã thay đổi quan điểm về chính sách lãi suất tại Mỹ. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, đã chuyển sang quan điểm mềm mỏng vào đầu tháng 1/2019, một phần do cảnh báo lợi nhuận từ Apple. Thế nhưng động lực cho sự thay đổi xuất phát từ yếu tố mạnh mẽ hơn thế. 

Vào ngày 10/1/2019 tại Washington, chủ tịch Fed Powell nói: “Kinh tế Trung Quốc đang chững lại, và thực tế này cũng khiến cho tiêu dùng người dân sụt giảm mạnh hơn. Chi tiêu tiêu dùng yếu đi, ai cũng nhìn thấy điều đó từ tin tức về lợi nhuận của Apple”.

Tuyên bố của ông Powell được đưa ra nhằm mục đích lý giải điều gì đang khiến ông lo lắng trong năm 2019. Tuyên bố của ông tập trung vào vấn đề Trung Quốc đã nói lên vấn đề. 

Trong cuộc họp báo vào ngày 30/1/2019, thêm một lần nữa ông Powell nhắc đến Trung Quốc. 

Trên thực tế, rõ ràng Fed sẽ điên rồ nếu lờ đi sự thật rằng Trung Quốc có quy mô lớn và tăng trưởng cao. Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại đang khiến cho rủi ro lạm phát toàn cầu giảm đi, nói cách khác đã giảm bớt áp lực cho ông Powell. Cùng lúc đó, cũng chẳng quan chức nào muốn bị đổ lỗi vì những sự đổ vỡ trong nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới.

Trong nhóm 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chắc chắn sẽ chẳng có gì tốt đẹp nếu một trong hai rơi vào khủng hoảng. Bước vào năm 2019, nền kinh tế thiếu cân bằng của Trung Quốc sẽ được coi như một “hàng rào điện” cho Fed, theo công bố của sáng lập viên tổ chức nghiên cứu MacroLends, ông Brian McCarthy.

Rõ ràng, các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump là yếu tố cực kỳ quan trọng khiến cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất từ năm 1990. GDP năm 2018 tăng trưởng chỉ 6,6%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất từ năm 1990, xuất khẩu, sản xuất và đầu tư đồng loạt đi xuống.

Việc lãi suất hãm đà tăng có thể coi như tín hiệu đáng mừng. Xét đến báo cáo việc làm tháng 1/2019 đầy ấn tượng, nước Mỹ có thêm 304 nghìn việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Fed có đủ lý do để thắt chặt chính sách trong năm ngoái. Thế nhưng việc nâng lãi suất cơ bản đồng USD đến 75 điểm cơ bản trong năm ngoái đã gây ra “cơn bão tài chính” tại châu Á.

Đồng nội tệ của Ấn Độ, Indonesia và Philippines sụt giảm nghiêm trọng. Sau đó, Ngân hàng Trung ương nhiều nước bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ. New Delhi, Jakarta và Manila đều đang trong năm bầu cử. Việc Fed trở nên kiên nhẫn sẽ giúp cho áp lực lên các nền kinh tế mới nổi cũng như chính trị gia hàng đầu nước này giảm bớt.

Lợi ích chưa rõ ràng. Trong khi Nhật và Hàn Quốc muốn thị trường bớt biến động đi, đồng yên và đồng won có thể tăng giá nhảy vọt và tác động tiêu cực đến xuất khẩu của những nước này. 

Tổng thống Trump không hề giấu giếm tham vọng muốn có đồng USD yếu. Tổng thống với chính sách bảo hộ coi tỷ giá như công cụ khôi phục ngành sản xuất Mỹ. Tổng thống Trump cũng muốn trừng phạt các quốc gia châu Á mà theo ông đã lấy đi việc làm của người châu Á. 

Đồng yên tăng giá mạnh sẽ hủy hoại tác động từ chính sách của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Khi mà chương trình kích thích kinh tế Abenomics đã sang năm thứ 4, Thủ tướng Nhật tuyệt vọng cần các nhà điều hành doanh nghiệp chia sẻ lợi nhuận với người lao động. Sự chuyển giao tài sản này sẽ không thể xảy ra nếu đồng yên tăng giá lên mức 95 yên/USD, từ mức 109 yên/USD hiện nay. 

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến