Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ góp phần tạo vị thế mới của Việt Nam
22/10/2018 20:02:31
Chính sách tiền tệ góp phần rất quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế tạo ra vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

10 tháng đầu năm tình hình kinh tế trong nước nhất là thế giới trải qua nhiều biến động. Dù đã được dự báo trước nhưng những thay đổi này vẫn có tác động nhất định đối với điều hành của Chính phủ nói chung, điều hành CSTT nói riêng. Vậy, trong những tháng qua, CSTT được điều hành ra sao, đóng góp thế nào đối với nền kinh tế? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Tiến sĩ Lê Trọng Nghĩa

Ông đánh giá thế nào về điều hành CSTT trong 10 tháng đầu năm trước những biến động của nền kinh tế?

Năm 2018 CSTT đứng trước những áp lực lớn, từ bên trong lẫn bên ngoài. Bên ngoài Fed và hàng loạt các NHTW áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ và kiểm soát dòng di chuyển vốn chặt chẽ hơn. Lãi suất của các NHTW bắt đầu được điều chỉnh tăng và điều này đã tác động mạnh mẽ đối với tỷ giá hối đoái của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước mới nổi như là khu vực Đông Nam Á, châu Mỹ latinh.

Bên cạnh đó, xu thế bảo hộ mậu dịch xuất hiện, và đe doạ nghiêm trọng các hiệp định thương mại đa phương và xu thế toàn cầu hoá. Chiến tranh thương mại bùng nổ khiến cho thương mại và đầu tư toàn cầu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Điều đó càng tạo thêm áp lực đối với đồng tiền của các thị trường mới nổi. Nhiều đồng tiền ở Đông Nam Á mất giá mạnh so với đồng USD từ 7-11% trong 10 tháng qua.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại cũng có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ khiến cho nhiều nhà đầu tư (NĐT) quốc tế tỏ ra thận trọng trong việc đầu tư vào các khu vực nền kinh tế mới nổi.

Tất cả những yếu tố đó đều tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam dưới ba khía cạnh: một là, giá cả hàng hoá, nhập khẩu có xu hướng tăng như xăng dầu, lương thực thực phẩm. Hai là, đầu tư gián tiếp có xu hướng giảm khi xu thế bán ròng của các NĐT nước ngoài khá phổ biến mặc dù chưa có hiện tượng rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường Việt Nam. Ba là tỷ giá hối đoái đứng trước sức ép lớn và nhiều chiều. Nhất là tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và CNY là hai đồng tiền mà Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn.

Trong nước, CSTT cũng chịu nhiều sức ép khá lớn từ biến động giá thực phẩm, giá một số loại dịch vụ công như y tế, giáo dục, điện, nước… đều có xu hướng tăng dần. Cả hai yếu tố bên trong, bên ngoài tạo ra áp lực khá rõ ràng lên chỉ số lạm phát và tỷ giá hối đoái, chỉ số chứng khoán.

Tuy nhiên, với việc điều hành thận trọng và linh hoạt của Chính phủ cũng như việc thực thi CSTT theo nguyên tắc lạm phát mục tiêu, lấy ổn định làm nền tảng của NHNN đã có những kết quả rất tích cực. Chỉ số lạm phát dự kiến đến cuối năm vẫn duy trì như mục tiêu đề ra, lãi suất tiếp tục được ổn định. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá vững chắc. Thậm chí, NHNN tiếp tục duy trì số dư tín phiếu NHNN rất lớn từ đầu năm.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, NHNN vẫn liên tục thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi có điều kiện, đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để điều tiết lượng tiền cung ứng… Điều đó một mặt đã giữ ổn định tỷ giá hối đoái điều mà thị trường và các NĐT trong nước và quốc tế quan tâm hàng đầu. Mặt khác, NHTW vẫn tiếp tục duy trì dự trữ ngoại hối đảm bảo 14 tuần nhập khẩu trong một thời gian dài. Điều này có tác dụng tăng cường khả năng can thiệp của NHTW vào thị trường ngoại hối nhưng đồng thời cũng là một khoản bảo lãnh quốc tế tin cậy cho đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam của người nước ngoài. Có thể nói, CSTT góp phần rất quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế tạo ra vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này đã được các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá rất cao và ghi nhận thông qua việc Việt Nam đã cải thiện được đáng kể chỉ số xếp hạng của mình, đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Dòng tín dụng được tập trung vào SXKD nên phát huy hiệu quả tích cực với nền kinh tế

Những biến động của thị trường tài chính quốc tế sẽ tiếp tục có tác động thế nào đối với kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, thưa ông?

Thị trường tài chính quốc tế và hệ thống tài chính quốc tế trong thời gian vừa qua đã phát triển một cách vũ bão dựa trên nền tảng toàn cầu hoá đặc biệt thương mại tự do và tự do hoá đầu tư tài chính. Tuy nhiên, nền tảng này của thị trường tài chính đang bị lung lay do tác động của Brexit, xu thế bảo hộ chống lại toàn cầu hoá. Đặc biệt là Mỹ đã từ bỏ vai trò dẫn dắt toàn cầu hoá, dẫn dắt thương mại và đầu tư tự do, đồng thời từ bỏ vai trò người giám sát thị trường tài chính toàn cầu mà tổng thống tiền nhiệm của Mỹ đã gây dựng. Đây có thể coi là nguy cơ lớn nhất về tính ổn định bền vững của thị trường toàn cầu. Nguy cơ này đang được gia tăng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và nếu nguy cơ này dẫn đến cuộc chiến tranh toàn cầu thì thị trường tài chính toàn cầu trong đó có Việt Nam có thể gặp bất ổn lớn. Đây là điều đã được nhiều nhà kinh tế lớn và một số tập đoàn tài chính lớn dự báo.

Theo ông điều hành CSTT như thế nào để hạn chế được những cú sốc từ bên ngoài?

Trước những bất định của kinh tế toàn cầu, chính sách kinh tế vĩ mô đặc biệt là chính sách tài khóa, CSTT cần phải tính đến những yếu tố này và cần phải có những đệm giảm sốc để hạn chế đến mức tối thiểu những tác động tiêu cực trong trường hợp thị trường tài chính có biến động. Cụ thể, NHNN xem xét cách thức vận hành của các công cụ CSTT phải đảm bảo linh hoạt ngắn hạn và tính ổn định dài hạn.

Bên cạnh đó, NHNN cần phải có biện pháp khôn khéo và hiệu quả trong việc kiểm soát tín dụng đối với BĐS. Trên thực tế, thị trường BĐS có quy mô lớn hơn nhiều lần so với cách đây 10 năm. Hiện nay thị trường BĐS chưa có dấu hiệu bong bóng nhưng cũng là thị trường đang sử dụng vốn kém hiệu quả đặc biệt là các dự án đắp chiếu kéo dài. Vì vậy, việc kiểm soát tín dụng với BĐS cần có lựa chọn, tăng cường nguồn vốn cho các dự án hoàn thành nhanh và phát huy hiệu quả; hạn chế cấp vốn đối với các dự án đắp chiếu kéo dài…

Tỷ giá hối đoái có thể coi là một thách thức khá lớn, đặc biệt trong trường hợp có những biến động tài chính quốc tế trong các giải pháp đệm của biến động tỷ giá hối đoái quan trọng nhất là tính linh hoạt của nó. Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á Thái Lan năm 1997, khủng hoảng Mexico năm 1994… cho thấy thực tế này. Ở Việt Nam, để ổn định tỷ giá hối đoái còn phụ thuộc vào kiểm soát lạm phát và điều hành lãi suất cũng phải trên nền tảng ổn định đồng thời rất chú trọng tới yếu tố tâm lý trong điều hành tỷ giá hối đoái. Và cuối cùng mới là biện pháp can thiệp của NHTW bằng dự trữ ngoại tệ. Ngoài các chính sách như đã nêu trên, việc kiểm soát trạng thái ngoại hối của các NHTM cũng rất quan trọng. Và để nhanh chóng kịp thời cho việc điều hành tỷ giá hối đoái, NHNN nên áp dụng công nghệ đặc biệt là số hoá thu thập thông tin dữ liệu để quản lý thị trường này kể cả trên thị trường chính thức và thị trường tự do.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến