Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ không bị tác động nhiều khi FED tăng lãi suất cao kỷ lục
31/07/2023 15:07:17
Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên biên độ 5,25% tới 5,5%, cao nhất trong 22 năm qua, vẫn nằm trong dự báo mà Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị.


FED vừa tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa chi phí đi vay chuẩn lên mức cao nhất trong hơn 22 năm; đồng thời cho biết các quyết định tiếp theo trong thời gian tới sẽ dựa trên dữ liệu và trên cơ sở “từng cuộc họp”. Ảnh: AFP/TTXVN

Mức tăng nhẹ này đã được tính toán và có chuẩn bị trước, do đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam không bị tác động nhiều. Thậm chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú từng chia sẻ: Thời gian tới, NHNN có thể giảm tiếp lãi suất. Suốt thời gian qua, những đợt tăng lãi của FED đã không tạo ra biến động gì đáng kể đến Việt Nam. Thậm chí, trong thời gian FED tăng lãi suất, Việt Nam lại giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ đầu năm 2023 đến nay. Trong bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng: Việc giảm lãi suất là điều cần thiết và trong thời gian tới có thể giảm tiếp đợt lãi suất nữa.

Không nằm ngoài dự đoán, FED đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên biên độ 5,25% tới 5,5%, mức cao nhất trong vòng 22 năm qua. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 kể từ khi FED đẩy nhanh nỗ lực chống lạm phát kể từ tháng 3 năm ngoái và động thái này diễn ra 1 tháng sau khi FED tạm dừng nâng lãi suất nhằm đánh giá tình trạng nền kinh tế Mỹ sau khi 3 ngân hàng lớn ở nước này sụp đổ mùa Xuân năm nay. Cùng với quyết định nâng lãi suất, FED thậm chí còn để ngỏ khả năng tiếp tục tăng thêm một lần nữa trong năm nay.

Về lý thuyết, khi FED tăng lãi suất, đồng USD sẽ lên giá so với các đồng tiền khác. Tuy nhiên thực tế, giá USD đã đứng lại, thậm chí giảm trong khoảng tháng 4 - 5/2023, nên đang ổn định và mất giá. Do vậy, dù FED tăng 25 hay 50 điểm cơ bản cũng không gây ra tác động đáng kể.

Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trực tiếp tại thị trường Mỹ hoặc các thị trường sử dụng đồng USD, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem xét biến động giá cả tác động lên mặt hàng của họ ra sao? Các tác động này sẽ rất khác nhau, có những mặt hàng sẽ có tác động tích cực, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào sức mua của khách hàng ở Mỹ, ở châu Âu, thậm chí ở Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp cần phải xem xét, đánh giá cụ thể từng mặt hàng để có quyết định ứng phó phù hợp.

Với lãi suất cao hơn, khó kỳ vọng sức cầu tiêu dùng ở Mỹ cũng như đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ phục hồi sớm và mạnh. Đây là những yếu tố có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến Việt Nam. Một số ý kiến lo ngại: Lãi suất tăng, tâm lý của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ có thể lại chờ đợi, ít nhất từ nay tới cuối năm sẽ là yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ra bên ngoài, trong đó có vào Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính cho biết: Việc FED nâng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào dịp cuối tháng 7/2023 đã được dự báo từ trước đó. Các nhà kinh tế trên thế giới, cũng như Việt Nam, đã có dự báo và theo dõi khá sát và động thái của FED tăng lãi suất có thể không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. 

“Sau khi FED tăng lãi suất, chỉ số USD-Index dự báo có thể tăng một chút, nhưng sau đó sẽ ổn định và thậm chí lại giảm xuống. Do vậy, chính sách của Chính phủ và NHNN vẫn ổn định, đó là ổn định tỷ giá đồng VND so với đồng USD. Rõ ràng tỷ giá VND/USD sẽ ổn định và mức tỷ giá như thế có nghĩa là chính sách lãi suất nếu tiếp tục giảm, chính sách điều hành tỷ giá hối đoái cũng như chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của nền kinh tế vẫn sẽ ổn”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

“Bản chất lạm phát của Mỹ đang cao, trong khi lạm phát Việt Nam chỉ khoảng 2 - 3%, rõ ràng chính sách tiền tệ của Việt Nam phải phù hợp với lạm phát thấp của Việt Nam nên hạ lãi suất VND là đương nhiên”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết. Chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ kỳ vọng: Đến cuối năm 2023, tỷ giá và lãi suất sẽ đưa về mức trước COVID-19, thì mới có thể thúc đẩy được quá trình hồi phục nền kinh tế. Đương nhiên, NHNN điều hành thực tiễn cần phải cân nhắc nhiều thông tin khác nhau cả trong và ngoài nước, để có điều chỉnh hợp lý.

Đồng tình quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, FED tăng lãi suất vừa qua cơ bản không ảnh hưởng gì nhiều đến chính sách nới lỏng tín dụng của Việt Nam bởi đã được dự báo trước đó và phản ánh trên thị trường tài chính. "Lãi suất điều hành trong nước sẽ tiếp tục giảm từ 4,5% xuống 4% vào quý IV/2023 và có thể giảm về 3,5% trong năm 2024 đầu 2025. Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến trên thị trường quốc tế và tiếp tục duy trì chính sách như hiện nay, chú trọng thêm phần thực thi và phối hợp giữa các chính sách", ông Cấn Văn Lực cho biết.

"Lãi suất cho vay VND tăng cao đã gây khó khăn hơn cho khối doanh nghiệp, tác động đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy từ đầu năm đến nay, NHNN đã cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần, hoàn toàn trái ngược với đà đi lên của lãi suất trên thị trường quốc tế. Chính phủ cũng như phía NHNN đều mong muốn lãi suất cho vay VND sẽ tiếp tục giảm xuống nhưng với đà tăng lãi suất gần đây của Mỹ, điều này sẽ gặp khó khăn. Việt Nam cũng cần thận trọng hơn trong kiểm soát tỷ giá", TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng khuyến cáo.  

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất USD trên thị trường Mỹ tăng cao nhất trong vòng 22 năm sẽ khiến các dòng vốn trên thị trường quốc tế hiện không còn rẻ như trước. Chính phủ, doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng muốn vay vốn từ nước ngoài sẽ phải bỏ ra chi phí cao hơn cũng như sẽ khó khăn hơn trong tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, lãi suất ở Mỹ, các nước châu Âu tăng đồng nghĩa chính sách tiền tệ thắt chặt, người tiêu dùng ở các nước này cắt giảm chi tiêu. Trong khi đó, các đơn hàng xuất khẩu của VN thời gian qua gặp không ít khó khăn, có thể sẽ còn tiếp tục khó trong thời gian tới. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước vì thế không có nhu cầu vay. Chính sách nới lỏng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng không hề dễ dàng.

Theo Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, ông Đinh Đức Quang, một số yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VND trong nửa cuối năm 2023, bao gồm lãi suất điều hành của FED có thể duy trì ở vùng đỉnh đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN định hướng tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Dù vậy, giá mua ngoại tệ của NHNN sẽ là chỉ dẫn chính cho xu hướng tỷ giá USD/VND.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và có nhiều kịch bản cho xu hướng chính sách tiếp theo của FED, đại diện một số công ty chứng khoán tại Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm thận trọng đối với xu hướng nói chung của đồng USD so với các ngoại tệ khác trên thị trường quốc tế, từ đó cũng có thể ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá trong nước trong thời gian sắp tới.

Sáng 31/7, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD tăng 14 đồng, giá mua - bán USD tại một số ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng 10 - 30 đồng so với phiên trước. Theo đó, có thời điểm, giá mua USD thấp nhất ở 23.437 VND/USD (cao hơn 7 đồng), giá mua cao nhất là 23.540 VND/USD (cao hơn 10 đồng). Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất là 23.830 VND/USD (cao hơn 20 đồng), giá bán cao nhất là 23.900 VND/USD.


Tác giả: Minh Phương

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến