Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ ngày càng chủ động, hội nhập
05/07/2019 11:00:48
6 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Điều hành CSTT đóng vai trò không nhỏ trong thành quả đó. Song nhiều khó khăn cũng đang chờ phía trước.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị đáng chú ý

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội - TS. Nguyễn Đức Kiên:

Cần có thêm chính sách mang tính chất dài hơi

TS. Nguyễn Đức Kiên

Điểm sáng nhất của CSTT trong quý II/2019, đó là Việt Nam đã chứng minh được với Hoa Kỳ là chúng ta có một CSTT phù hợp với thực trạng của nền kinh tế. CSTT của Việt Nam không nhằm mục đích để hỗ trợ cho xuất khẩu và tạo ra mất cân bằng cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Những động thái điều hành CSTT đều phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngay cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra rất khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì NHNN đã có những động thái điều chỉnh cho phù hợp. Điều này giúp cho Việt Nam không vào danh sách những nước cần phải áp thuế quan ngay lập tức, mà dừng ở mức bị Hoa Kỳ giám sát. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một áp lực mới trong điều hành CSTT những tháng cuối năm. Nhưng đây cũng là vấn đề bình thường trong nền kinh tế mở. Ngay cả như Đức, Hàn Quốc cũng bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách giám sát mới. Qua đó chúng ta thấy khi kinh tế mở cửa có những luật chơi rất khác, nhưng NHNN cũng kịp thời chủ động tham mưu cho Chính phủ để có chính sách điều hành hài hoà. Theo đánh giá của cá nhân tôi đó là thành công lớn nhất trong điều hành CSTT và thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm.

Có hai vấn đề lớn đặt ra đối với nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm. Đó là kiềm chế lạm phát và cán cân thanh toán đang phụ thuộc nhiều vào FDI và nguồn kiều hối. Hiện các DNNN và DN khối tư nhân đóng góp rất ít, làm cho cán cân thương mại bị âm. Vì thế nếu Việt Nam không tập trung điều chỉnh lại cơ cấu nền kinh tế thì sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt các mục tiêu. Điều này tạo ra áp lực đối với điều hành CSTT; buộc NHNN phải cân bằng giữa việc để các DN Việt Nam phát triển với chính sách tín dụng mở rộng hơn hay thắt chặt. Nếu tín dụng mở rộng thì NHNN phải tính toán đưa lượng tiền ra nền kinh tế ở mức độ như thế nào để vừa hài hoà mục tiêu tăng trưởng, vừa không gây ra lạm phát.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng còn một số việc trọng tâm cần phải làm trong 6 tháng cuối năm 2019. Trước hết là quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn II cần phải làm quyết liệt hơn. Đặc biệt là việc thực hiện chuẩn Basel II đối với các ngân hàng, trong đó đối với 4 NHTM quốc doanh cần phải có những bước đi hết sức phù hợp. Nhất là lộ trình tăng vốn cho 4 ngân hàng trên, NHNN nên lập ra kế hoạch đầu tư hoặc có thể gọi một dự án đầu tư rất bài bản để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt như Chính phủ, hoặc trình Quốc hội để tăng vốn cho các ngân hàng.

Đi cùng với lộ trình tăng vốn, xử lý TSBĐ gắn liền với  xử lý nợ xấu cần tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phát triển. Nhiệm vụ nữa là phải có kế hoạch triển khai kinh tế số vào lĩnh vực ngân hàng. Đặc biệt phải có các nghiên cứu để có công cụ quản lý các hình thức mới liên quan đến ngân hàng như các tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử, hay các hình thức mobile pay để tạo ra hành lang pháp lý cho các tổ chức này hoạt động phục vụ việc số hoá nền kinh tế.

Theo tôi, trong 6 tháng cuối năm NHNN cần có thêm chính sách mang tính chất dài hơi. Như vậy sẽ giúp cho thị trường tiền tệ trong các tháng cuối năm, cũng như sang năm 2020 được ổn định và hỗ trợ cho nền kinh tế nhiều hơn.

Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - TS. Võ Trí Thành:

CSTT đạt nhiều kết quả tích cực trước những biến động

TS. Võ Trí Thành

Đến thời điểm này, bất chấp biến động phức tạp từ thị trường thế giới, điều hành CSTT phù hợp với diễn biến của thị trường và đáp ứng được đa mục tiêu mà NHNN đặt ra là ổn định lãi suất, tỷ giá, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với cách điều hành khá uyển chuyển linh hoạt. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ cho hoạt động tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng.

Điểm tích cực nữa, cách ứng xử khá chủ động về mặt chính sách kết hợp với giải trình minh bạch của NHNN giúp cho Việt Nam không bị rơi vào danh sách thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ. Qua đó, đã tạo niềm tin tốt hơn của Hoa Kỳ đối với Việt Nam nói chung, CSTT nói riêng. Cũng nhờ sự chủ động trong điều hành của NHNN cũng giúp cho việc duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn chảy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi do ảnh hưởng từ kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…

Thời gian tới, theo tôi, NHNN vẫn tiếp tục duy trì cách điều hành CSTT như hiện nay. Chỉ có lưu ý, do tính bất định của địa chính trị, kinh tế thế giới, đặc biệt là chiến tranh thương mại, thì rủi ro đối với nền kinh tế là rất lớn. Vì vậy, trong điều hành CSTT cần tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tăng sự chủ động, kết hợp với sự khéo léo trong sử dụng các công cụ tiền tệ, nhưng vẫn đảm bảo quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt để tăng cường sức đề kháng cho hệ thống ứng phó trước các cú sốc.

Chuyên gia ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu:

Linh hoạt, uyển chuyển hơn trong điều hành chính sách

Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều biến động trên thị trường tài chính thế giới tác động đến thị trường tài chính Việt Nam. Nhưng NHNN điều hành đồng bộ các chính sách, giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định của VND không để tiền đồng bị mất giá quá mạnh, quá nhanh như nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, dù kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực dù tăng thấp hơn chút so với năm trước. Đó là nhờ NHNN kịp thời đẩy ra cung tiền ở trạng thái cân bằng để hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục phát triển.

Tuy chưa khẳng định là thành công vì chúng ta mới đi được nửa chặng đường, nhưng có thể nói, 6 tháng đầu năm 2019 NHNN đã hoàn thành tốt các mục tiêu đặt ra.

Trong những tháng còn lại của năm, kinh tế toàn cầu chắc chắn vẫn bị tác động suy giảm từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ bất ổn này, bởi đó đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, NHNN với kỹ năng, kinh nghiệm trong điều hành sẽ tiếp tục duy trì ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN vẫn tiếp tục hỗ trợ được nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7-6,8% như đặt ra từ đầu năm dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn…

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến