Dòng sự kiện:
Chính sách tiền tệ tiếp tục ghi điểm
09/01/2019 12:03:01
TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, năm 2018 đúng là một năm thử thách sự kiên định của NHNN và NHNN đã thành công nhờ sự kiên định trong điều hành CSTT, tín dụng.

Hoạt động thị trường tiền tệ đã khép lại một năm với thành công ngoài mong đợi. Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% (là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới 4%) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Lãi suất ổn định, tỷ giá kiểm soát dưới 3%, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14% tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nhưng để có được con số đẹp đó là sự nỗ lực vượt bậc của cơ quan điều hành.

Điều hành CSTT đạt mục tiêu kép

Đầu năm 2018, khi được hỏi về áp lực trong điều hành CSTT, hầu hết các chuyên gia đều chung nhận định sẽ là một năm rất vất vả đối với cơ quan điều hành. Dự báo đó hoàn toàn có cơ sở khi, năm 2017 chứng kiến những diễn biến khó lường với giá hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới biến động mạnh, áp lực lạm phát gia tăng tại nhiều nước... Sang năm 2018 đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt, NHTW các nước lớn tiếp tục giảm dần việc nới lỏng tiền tệ, kéo theo xu hướng tăng lãi suất và can thiệp để ổn định tỷ giá tại nhiều nước mới nổi và đang phát triển; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiềm ẩn rủi ro tới sự ổn định và phát triển thương mại, tài chính toàn cầu.

Có thể thấy, diễn biến bối cảnh kinh tế trong nước cũng như quốc tế đặt ra nhiều áp lực, đòi hỏi NHNN phải ứng phó rất nhanh để hạn chế những tác động mà khó khăn thách thức mang tới; đồng thời vẫn phải đảm bảo mục tiêu kép vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, với kinh nghiệm ứng phó với các cú sốc trong mấy năm trở lại đây, điều hành CSTT của NHNN đã thành công ngoài mong đợi. Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, NHNN đã điều tiết, kiểm soát thị trường tiền tệ theo đúng mục tiêu đề ra, thậm chí còn hơn cả kỳ vọng: vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tốt nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Minh chứng rõ nét là kinh tế trong nước đạt được những kết quả tích cực với tăng trưởng đạt 7,08% - cao nhất trong 11 năm trở lại đây, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,54% - là năm thứ 5 liên tiếp lạm phát được kiểm soát ở dưới 4%, cán cân thương mại thặng dư kỷ lục.

Theo đó, đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng gần 12% so với cuối năm 2017. Việc kiểm soát tốt tiền tệ đã duy trì lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 1,48%, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, CSTT đã phối hợp đồng bộ, hài hòa với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách quản lý giá, đã giúp kiểm soát lạm phát bình quân ở mức thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội. Thanh khoản của các TCTD được đảm bảo, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chi trả cho nền kinh tế, lãi suất liên ngân hàng phù hợp, để vừa hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đồng thời ổn định lãi suất thị trường 1 và tạo điều kiện cho phát hành thành công trái phiếu Chính phủ (TPCP) với lãi suất giảm, kỳ hạn dài. 

Để đạt mục tiêu CSTT nêu trên, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở bám sát tình hình thị trường, NHNN điều tiết tiền tệ chủ động, linh hoạt. Theo đó, trong nửa đầu năm khi nguồn cung ngoại tệ thuận lợi, NHNN chủ yếu cung tiền mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước đồng thời hút tiền trung hòa qua phát hành tín phiếu NHNN nhằm kiểm soát tiền tệ. Từ tháng 7/2018, các diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới tạo áp lực lên tỷ giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN thực hiện bán ngoại tệ để ổn định thị trường ngoại tệ đồng nghĩa với hút tiền đồng về, đồng thời linh hoạt bơm tiền qua chào mua giấy tờ có giá trên OMO, đáo hạn tín phiếu NHNN để hỗ trợ thanh khoản thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và hạn chế tác động đến lãi suất thị trường 1. Bên cạnh đó, công cụ tái cấp vốn tiếp tục sử dụng để hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu và cho vay các chương trình theo mục tiêu của Chính phủ.

Một ẩn số trong năm 2018 là lãi suất cũng đã được NHNN sử dụng rất linh hoạt các công cụ chính sách để hóa giải các sức ép nhằm duy trì ổn định mặt bằng lãi suất cho đến hết năm trong bối cảnh lãi suất trên thế giới có xu hướng gia tăng. Điểm nhấn chính sách lãi suất đáng chú ý đó là sau 5 năm, NHNN mới lại hạ lãi suất OMO từ 5% xuống 4,75%/năm. Đây có thể được xem là động thái mạnh tay của NHNN nếu so sánh với các nước khác trong khu vực liên tục tăng lãi suất điều hành để cân bằng với chính sách tăng lãi suất từ Fed. Song song với đó, các hoạt động điều tiết, hỗ trợ thanh khoản của các TCTD, duy trì lãi suất trên thị trường 2 ở mức hợp lý vẫn tiếp tục được cơ quan điều hành triển khai để hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất huy động cho các TCTD trên thị trường 1. Nhờ đó, đến cuối năm 2018, lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung - dài hạn khoảng 9-11%/năm. Nếu so với các nước trong khu vực, lãi suất cho vay của Việt Nam vẫn ở mức tương đối hợp lý và khá ổn định so với nhiều nước, chỉ cao hơn khoảng 1-2%/năm so với các nước phát triển nhất ASEAN, nếu so với các nước châu Á khác có trình độ phát triển tương đồng thì lãi suất Việt Nam ở mức trung bình thể hiện sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng nhờ việc phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, tỷ giá nên thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đến ngày 31/12/2018, tỷ giá trung tâm ở mức 22.825 đồng/USD, tăng 1,78% so với cuối năm 2017; tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá giao dịch của NHTM trên thị trường tăng khoảng 2,2%. Nếu so với nhiều đồng tiền mới nổi trong khu vực thì mức độ mất giá của VND là khá thấp, qua đó tiếp tục duy trì lòng tin đối với VND, giảm đôla hóa nền kinh tế.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 2019

Tín dụng được kiểm soát tốt cả chất và lượng

Một điểm nhấn nữa cũng được giới chuyên môn đánh giá cao trong hoạt động tiền tệ ngân hàng năm 2018 đó chính là tăng trưởng tín dụng. Nếu chỉ so sánh đơn thuần về con số mục tiêu đề ra đầu năm là 17% thì con số đạt được về tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 14% cho đến hết năm 2018 còn khiêm tốn. Nhưng “ẩn chứa” đằng sau con số này lại vô cùng ý nghĩa. Chỉ riêng kiểm soát tăng trưởng tín dụng có thể giúp NHNN đạt ít nhất hai mục tiêu lớn. Mục tiêu lớn đầu tiên là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy hoạt động tái cơ cấu lại danh mục tín dụng của các NHTM. Theo đó ngân hàng hướng dòng vốn nhiều hơn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Không những vậy, việc kiểm soát tín dụng có thể thúc đẩy việc tăng vốn các NHTM để đảm bảo cho room tín dụng cũng như an toàn hoạt động.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, vốn hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế gồm, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đến từ nhiều nguồn như nguồn tín dụng ngân hàng, nguồn vốn đầu tư công, vốn nước ngoài…  Với nội tại kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn tín dụng vẫn rất lớn. Vì vậy, nhiệm vụ NHNN là điều hành chính sách tín dụng phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến chi tiết các luồng vốn để có thể đưa ra định hướng cũng như điều tiết cho phù hợp. Ngay từ đầu năm, NHNN đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 17%. Nhưng trong quá trình tổ chức điều hành, Thống đốc NHNN luôn tập trung giải pháp làm thế nào vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhưng vẫn kiểm soát rủi ro hệ thống. Xuất phát từ nền tảng đó, trong tổ chức điều hành tín dụng, NHNN điều chỉnh hạn mức tăng tín dụng đối với các TCTD đồng thời kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng nhất là các lĩnh vực rủi ro. Kết thúc năm 2018, tín dụng tăng khoảng 14% là rất phù hợp với bối cảnh hiện nay vì quy mô tăng trưởng tín dụng đạt trên 130%/GDP – cũng là mức nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo khi đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam.

Đánh giá cao sự chủ động linh hoạt trong điều hành CSTT của NHNN, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, năm 2018 đúng là một năm thử thách sự kiên định của NHNN và NHNN đã thành công nhờ sự kiên định trong điều hành CSTT, tín dụng.

Có thể thấy, trong những năm gần đây, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng. Chủ trương duy trì ổn định tăng trưởng tín dụng trong 2019 nhận được sự đồng tình của giới chuyên môn. PGS.TS Lê Trọng Thành – Đại học Quốc gia khẳng định, kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng tín dụng trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để NHNN phải tăng mạnh tín dụng 2019.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát của Quốc hội đề ra, Thống đốc đã đưa ra định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 khoảng 14%. NHNN vẫn tiếp tục điều hành theo phương châm mở rộng tín dụng nhưng đi đôi với an toàn, hiệu quả. Biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tiếp tục được triển khai để các TCTD chủ động thực hiện. Điểm nhấn trong điều hành tín dụng năm 2019 được Phó Thống đốc tiết lộ, đối với các ngân hàng thực hiện đầy đủ quy định tại Thông tư 41 trước thời điểm 1/1/2020 sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với các TCTD khác. “Đây là động lực để bản thân các TCTD tích cực hơn trong triển khai quy định theo tiêu chuẩn Basel II. Cho đến nay, NHNN đã công nhận cho 3 TCTD hoàn thành đầy đủ tiêu chuẩn Basel II”, Phó Thống đốc cho biết thêm. 

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến