Dòng sự kiện:
Chính trường Mỹ hậu phế truất Chủ tịch Hạ viện
08/10/2023 19:15:35
Hạ viện Mỹ sẽ bị tê liệt và mọi hoạt động lập pháp sẽ không được triển khai nếu quá trình bầu Chủ tịch Hạ viện kéo dài.

Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chuẩn bị đề cử ứng viên

Ngay sau khi Chủ tịch Kevin McCarthy bị phế truất, Hạ viện Mỹ đã nghỉ hoạt động để nghị sỹ hai đảng cân nhắc phương án nhân sự của mình. Hạ viện sẽ quay trở lại làm việc vào thứ Ba tới và khi đó mỗi đảng sẽ có các cuộc trao đổi nội bộ để cân nhắc và đề cử ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Phía đảng Dân chủ sẽ tiếp tục đề cử ông Hakim Jeffries như đã từng làm hồi tháng 1/2023. Ông Hakim Jeffries hiện là lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện và dự kiến sẽ có được toàn bộ số phiếu của đảng Dân chủ.

Các thành viên Hạ viện Mỹ tham gia vòng bỏ phiếu thứ 4 bầu chọn chức chủ tịch cơ quan lập pháp này ngày 4/1. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng hòa cũng sẽ có cuộc thảo luận nội bộ để cân nhắc và đề cử nhân sự cho vị trí Chủ tịch Hạ viện. Hiện nay mới chỉ có hai ứng cử viên của đảng này thông báo ứng cử là lãnh đạo đa số tại Hạ viện Steve Scalise và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan.

Tuy nhiên, cũng có thể sẽ có các ứng cử viên khác xuất hiện vào phút cuối và khi đó đảng Cộng hòa sẽ phải có sự thống nhất trong đảng để đưa ra đề cử chính thức của mình. Ứng viên chủ tịch Hạ viện phải được nghị sĩ đề cử và phải có số phiếu quá bán mới trúng cử.

Hiện nay đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện với 221 ghế so với 212 ghế của đảng Dân chủ do đó việc bầu Chủ tịch Hạ viện được coi là chuyện nội bộ của đảng Cộng hòa, tuy nhiên, đảng này hiện đang có những chia rẽ trong đảng, cụ thể như việc một nhóm nghị sỹ cực hữu đứng lên lật đổ ông Kevin McCarthy vừa qua. Thách thức hàng đầu là nội bộ đảng này đang chia rẽ sâu sắc với các phe nhóm khác nhau theo đuổi những ưu tiên, mục tiêu khác nhau.

Trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 1/2023, ông McCarthy phải mất tới 15 vòng bỏ phiếu mới được bầu do không có được sự ủng hộ của toàn bộ các nghị sỹ Cộng hòa và khi đó ông McCarthy đã phải có rất nhiều nhượng bộ và thỏa hiệp mới trúng cử.

Lần này cũng vậy, nếu nội bộ đảng Cộng hòa không thống nhất để tập trung cho một ứng cử viên cụ thể thì việc lựa chọn nhân sự và sau đó là bầu Chủ tịch Hạ viện sẽ lại một lần nữa bế tắc và một khi chưa có người đứng đầu thì các hoạt động của Hạ viện sẽ tiếp tục bị đình trệ.

Trường hợp khả quan nhất là cả hai đảng thống nhất được ứng cử viên của mình thì Hạ viện Mỹ có thể tiến hành bỏ phiếu vào ngay thứ Tư tuần sau, một ngày sau khi quay trở lại làm việc.

Hạ viện tạm thời tê liệt

Chủ tịch Hạ viện là vị trí quyền lực số ba trong chính phủ Mỹ, chỉ sau tổng thống và phó tổng thống và chủ tịch Hạ viện dẫn dắt, thiết lập chương trình nghị sự của cơ quan này. Chủ tịch có thể sắp xếp chương trình nghị sự lập pháp của Hạ viện, kiểm soát việc bổ nhiệm nhân sự tại các ủy ban, ấn định lịch bỏ phiếu và làm việc, đồng thời có trách nhiệm đảm bảo sự thống nhất của thành viên trong đảng đối với các sáng kiến lập pháp lớn.

Một lý do khiến Chủ tịch Hạ viện quan trọng là bởi Hạ viện được coi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp nhất với người dân nên được Hiến pháp Mỹ trao cho quyền ban hành mọi dự luật về ngân sách. Điều đó có nghĩa Hạ viện là nơi khởi nguồn tất cả các dự thảo chi tiêu. Do vậy, Hạ viện Mỹ sẽ bị tê liệt và mọi hoạt động lập pháp sẽ không được triển khai nếu quá trình bầu Chủ tịch Hạ viện kéo dài.

Sau khi ông McCarthy bị phế truất, trước mắt, ông Patrick McHenry, thành viên Đảng Cộng hòa, sẽ là quyền Chủ tịch Hạ viện. Theo quy định, ông này bị hạn chế về quyền hành và không thể tiến hành các hoạt động lập pháp thông thường.

Nhiệm vụ chính của ông McHenry là tiến hành bỏ phiếu bầu chủ tịch Hạ viện mới. Cho đến khi có lãnh đạo mới, Hạ viện không thể bỏ phiếu về các dự luật, trong đó có dự luật chi tiêu trong tài khóa 2024. Nếu tiến trình bầu chọn bế tắc, Hạ viện có thể cấp quyền có thời hạn cho ông McHenry để chủ trì tiến trình tranh luận và bỏ phiếu về các dự luật thông thường. Tuy nhiên, quyết định đó sẽ cần đa số hạ nghị sĩ ủng hộ.

Việc hoạt động lập pháp của Mỹ bị đình trệ trước mắt sẽ ảnh hưởng tới vấn đề chi tiêu của chính phủ trong năm tài khóa 2024. Hiện nay chính phủ Mỹ chỉ được cấp ngân sách tạm thời tới ngày 17/11 do đó nếu Hạ viện chưa ổn định được hoạt động thì Quốc hội Mỹ sẽ không thể thỏa hiệp về vấn đề chi tiêu, khi đó chính phủ Mỹ sẽ lại phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa một lần nữa.

Sự chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa

Việc một Chủ tịch Hạ viện bị phế truất lần đầu tiên trong lịch sử bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Đây là sự thể hiện rõ ràng nhất cho đến nay về các mâu thuẫn trong nội bộ đảng này, vốn đã tồn tại dai dẳng từ lâu và ngày càng sâu sắc hơn, đặc biệt từ khi cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu ra tranh cử lần đầu tiên năm 2016.

Hiện nay, đảng Cộng hòa đang bị chia rẽ khi nhiều phe nhóm có quan điểm chính trị tương đối khác nhau, đặc biệt khi xét trên góc độ ủng hộ ông Trump. Việc ông McCarthy bị lật đổ cho thấy mâu thuẫn trong đảng Cộng hòa đã khiến chức năng hoạt động của đảng này bị rối loạn, vai trò hoạch định chính sách mang tính xây dựng trong Quốc hội gần như tê liệt. Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do Hạ nghị sỹ Gaetz đề xuất dường như mang tính cá nhân sâu sắc, không phải là về chính sách hay lòng trung thành đảng phái.

Với các mâu thuẫn nội tại, vai trò đối trọng mang tính xây dựng của đảng Cộng hòa nhiều khả năng giảm sút nhưng sẽ gây khó khăn hơn cho đảng Dân chủ và Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình. Tám hạ nghị sỹ trong số 221 thành viên Cộng hòa bỏ phiếu phế truất ông McCarthy chỉ là một phần nhỏ nhưng lại đại diện cho một phe phái lớn, ủng hộ ông Trump và có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa. Nhóm nghị sỹ này sẵn sàng gây hỗn loạn, chấp nhận đóng cửa chính phủ chứ không chịu thỏa hiệp với các thỏa thuận lâu dài. Đây là thực tế mà bất kỳ Chủ tịch Hạ viện mới nào được bầu lên sẽ phải đối mặt và giải quyết nếu muốn tồn tại. Các thành viên Cộng hòa cực đoan này sẽ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với đảng Dân chủ trong bối cảnh chính trị hiện nay.

Sâu xa hơn, các mâu thuẫn trong đảng Cộng hòa tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách của Chính quyền Tổng thống Biden có thể mang lại nhiều lợi ích cho một phe nhóm, đó là ứng cử viên Tổng thống Trump và những thành viên Cộng hòa cực đoan ủng hộ ông.

Với việc không hợp tác của đảng Cộng hòa, đương kim Tổng thống Biden rất dễ mất điểm trong các vấn đề đối ngoại như chính sách đối với Ukraine, Trung Quốc hay thậm chí là những đồng minh và đối tác thân cận. Hiện nhóm ủng hộ ông Trump vẫn chiếm ưu thế trong đảng Cộng hòa và với một nội bộ chia rẽ, mất đoàn kết thì nhiều khả năng ông Trump sẽ trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng này tham gia tranh cử. Kịch bản 2020 có thể lặp lại và ông Trump vẫn có cơ hội đánh bại ứng cử viên của đảng Dân chủ để quay lại Nhà Trắng.

Tác giả: Phạm Huân

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến