Dòng sự kiện:
Chờ đợi 'chiếc áo mới' của HoSE
21/07/2022 10:45:17
HoSE đứng trước nhiệm vụ lớn khi sắp tới sẽ là nơi giao dịch toàn bộ cổ phiếu Việt Nam. Tiếp nhận thêm hàng ngàn cổ phiếu, HoSE cần nhiều sự chuẩn bị để không đi lại “vết xe” cũ.

Nhiều nhiệm vụ lớn trước tuổi 25

Tính đến ngày 20/7/2022, về quy mô thị trường, HoSE có 570 mã chứng khoán niêm yết, trong đó 403 mã cổ phiếu, 2 mã chứng chỉ quỹ đóng, 9 mã chứng chỉ quỹ ETF, 139 mã chứng quyền có bảo đảm, cùng 17 mã trái phiếu niêm yết.

Tròn 22 năm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (tiền thân của HoSE) khai trương hoạt động, từ 2 cổ phiếu REE và SAM giao dịch hơn một tuần sau đó, sàn giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam đã mở rộng mạnh mẽ về quy mô. Không chỉ tăng số lượng “hàng hóa”, vốn hóa thị trường của HoSE vẫn xấp xỉ 4,68 triệu tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD) sau các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường nửa đầu năm 2022.

Theo lộ trình tại Thông tư 57/2021/TT-BTC về sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác, quy mô thị trường của HoSE sẽ tăng lên rất nhanh trong 3 năm tới, khi các cổ phiếu sàn HNX và UPCoM đồng loạt về “một nhà”.

Chỉ tính riêng các cổ phiếu trên sàn ở thời điểm hiện tại, HoSE sẽ cần hoàn tất đón thêm 342 mã cổ phiếu niêm yết trên HNX trước ngày 31/12/2023 và 855 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch sàn UPCoM trước ngày 30/6/2025. Ở tương lai gần 3 năm tới, HoSE sẽ là đầu mối quản lý 1.600 mã cổ phiếu cùng loạt doanh nghiệp mới chào sàn, trong đó số lượng công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung theo quy định đã không nhỏ.

Cũng tại thời điểm 3 năm nữa, Nghị quyết 86/NQ-CP 2022 phát triển thị trường vốn an toàn, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vừa được ban hành trung tuần tháng 7/2022 cũng đặt ra mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP (sau điều chỉnh).

Đây là nhiệm vụ nặng nề hơn nhiều mức “tối thiểu 85% GDP” từng được đề ra tại Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 ban hành 3 tháng trước. Ba năm tới, HoSE ở tuổi 25, là nơi quản lý tập trung các cổ phiếu, do đó, đương nhiên cũng sẽ giữ trọng trách chính trong việc hoàn thành mục tiêu này.

Cũng tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát để báo cáo cấp có thẩm quyền rà soát, sắp xếp, tăng cường nguồn nhân lực đối với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc được giao phụ trách Ban Điều hành HoSE, chiếc ghế Tổng giám đốc mà ông Lê Hải Trà (đã bị buộc thôi việc trong “làn sóng” nhiều cán bộ ngành chứng khoán bị kỷ luật hồi giữa năm) để lại vẫn chưa có người thay thế.

Yêu cầu mà người đứng đầu Chính phủ đề ra về lực lượng nhân sự tại các đơn vị này là vừa đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nhưng cũng vừa tổ chức thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động trên thị trường chứng khoán. Với định hướng tiếp tục mở rộng quy mô, sẽ là sự khập khiễng nếu Ban Điều hành HoSE vẫn duy trì chỉ 4 nhân sự.

Không thể nới mãi chiếc áo cũ

“Ngôi nhà” lớn hơn, đón nhiều thành viên hơn cũng đồng nghĩa với yêu cầu cao hơn về hạ tầng. Chỉ hơn một năm trước, sự cố quá tải khi các lệnh giao dịch tăng vọt đã khiến HoSE phải ngừng giao dịch những ngày đầu tháng 6/2021. Tình trạng nghẽn lệnh HoSE chỉ được giải quyết triệt để sau 100 ngày có sự tham gia “giải cứu” của các công ty công nghệ.

Cập nhật con số quý II/2022, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt hơn 17.113 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 20% so với cùng kỳ và cũng không thể “làm khó” hệ thống giao dịch hiện tại của HoSE.

Song, việc chuẩn bị để sẵn sàng với mức thanh khoản cao hơn không bao giờ thừa. Nhất là khi chu kỳ thanh toán bù trừ sẽ thật sự được rút ngắn xuống T+2, qua đó đẩy nhanh tốc độ quay vòng chứng khoán/tiền, gia tăng thanh khoản cho thị trường. Những ngày đầu giao dịch, chu kỳ thanh toán bù trừ từng kéo dài tới 4 phiên nhưng nhanh chóng rút xuống T+3 từ năm 2002 và duy trì chu kỳ này đã hơn 20 năm.

Nhiều lần trong thông điệp phát đi của các lãnh đạo ngành tài chính, chứng khoán, việc đưa hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện khẩn trương của năm 2022. Dự án công nghệ thông tin của nhà thầu Hàn Quốc chính thức được HoSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012.

Sau 10 năm, theo cập nhật mới từ bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát hành thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), gói thầu đang đi vào giai đoạn kiểm thử cuối cùng, tức là giai đoạn kiểm tra thử với các thành viên trong quá trình đấu nối để tìm ra sai sót. Một tổ chỉ đạo riêng về hệ thống công nghệ thông tin mới cũng đã được thành lập để nhanh chóng đưa hệ thống này vào vận hành.

Dự án hệ thống giao dịch KRX khi đi vào hoạt động, mở ra khả năng đưa vào các sản phẩm mới vốn đã được kê sẵn khung pháp lý, nhưng chưa thể triển khai vì hạ tầng chưa sẵn sàng như giao dịch trong ngày, giao dịch chờ hàng về…

Hệ thống mới còn được kỳ vọng đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Đây là một trong 3 mục tiêu theo chiến lược tài chính đến hết năm 2025 được đề ra tại Nghị quyết Chính phủ và cũng là yếu tố không thể thiếu để đạt quyết tâm đưa thị trường chứng khoán phát triển mạnh và bền vững hơn mà tư lệnh ngành tài chính nhấn mạnh gần đây.

Tác giả: Thanh Thủy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến