Dòng sự kiện:
Chờ đợi sự vực dậy của cổ phiếu ngân hàng
31/07/2018 08:08:51
Thị trường chứng khoán thời gian qua chứng kiến sự giảm điểm khá lớn, đặc biệt trong 3 tháng gần đây. Song theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ sớm vực dậy trở lại...

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, nếu xét về dài hạn, vẫn còn nhiều yếu tố đang hỗ trợ khá tích cực cho thị trường chứng khoán khi 6 tháng đầu năm, GDP tăng mạnh 7,08% - mức cao nhất kể từ năm 2011.

CPI bình quân nửa đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu ngân hàng giảm giá thời gian qua là thời điểm để nhà đầu tư tích luỹ dần cổ phiếu trong trung và dài hạn

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, cần phải lưu ý rằng CPI hiện nay được tính bằng bình quân cả năm so với cùng kỳ (khác với cách tính so với tháng 12 năm trước), nên không đánh đồng việc CPI tăng 3,29% thì mức còn của mục tiêu 4% là nằm ở 6 tháng cuối năm bởi bình quân mỗi tháng sẽ có thay đổi. Lạm phát cơ bản mới là yếu tố cần quan tâm hơn cả, nên theo chuyên gia này, mức 1,35% vẫn là con số chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Thêm nữa, 6 tháng đầu năm Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, số vốn FDI rót vào thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 20 tỷ USD – tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017... đều là những điều kiện hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn có phản ứng khá nhạy với các diễn biến của thị trường, đôi khi là nhóm chỉ báo. Theo giới chuyên gia nhận định, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều khả năng sẽ sớm trở về thời kỳ tăng giá. Ghi nhận trong phiên giao dịch sáng 27/7, VN-Index chốt phiên sáng tăng 0,56%. Trong đó cổ phiếu ngân hàng và dầu khí chiếm gần hết các vị trí dẫn dắt. Hầu hết mã các NH đều tăng như VCB tăng 0,88%; CTG tăng 2,61%; MBB tăng 2,67%...

Cuối ngày 27/7, VN-Index tăng 5,26 điểm lên mức 935,52 điểm; HNX-Index tăng 1,12 điểm lên mức 105,7 điểm. Cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý có BID +2,9% lên 24.800 đồng, nhiều mã cổ phiếu của nhiều ngân hàng cũng có sự tăng điểm giúp kéo chỉ số thị trường đi lên.

Trước đó, trong phiên giao dịch cuối ngày 26/7, thị trường có sự trở lại dẫn dắt của nhóm ngân hàng. Trong đó, VCB (+2,53%) đóng cửa ở mức giá cao nhất phiên là 56.700 đồng/cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 116,78 tỷ đồng. BID, MBB, STB cũng đều chốt phiên với sắc xanh.

SSI cũng nhận định, trụ cột chính nâng đỡ chỉ số hôm 26/7 có sự góp mặt của VCB với VN-Index, với VN30-Index có MBB, VCB… ACB cùng SHB là các cổ phiếu nâng đỡ chỉ số trên sàn HNX. “Như vậy, nhìn tổng thể sự khởi sắc trở lại của một vài cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu trụ cột đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tránh được phiên giảm điểm”, SSI cho hay.

Một chuyên gia tài chính nhận định, có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ cho sự tăng giá trở lại của cổ phiếu ngân hàng sau một thời gian giảm điểm. Số liệu của nhiều nhà băng mới công bố cho thấy nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh tăng trưởng tương đối tích cực trong nửa đầu năm 2018. Đơn cử như trường hợp VIB, thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm đạt 2.256 tỷ đồng (tăng 54,6% so với cùng kỳ năm ngoái); Vietcombank đạt lợi nhuận 8.071 tỷ đồng lãi trước thuế 6 tháng đầu năm; MB lợi nhuận trước thuế 3.549 tỷ đồng…

Chuyên gia cũng chia sẻ, cổ phiếu ngân hàng giảm giá thời gian qua cũng khiến mặt bằng định giá hợp lý hơn, và đây là thời điểm nhà đầu tư tích luỹ dần cổ phiếu trong trung và dài hạn. Bên cạnh đó, sức khoẻ tài chính của các ngân hàng cũng đang dần tốt lên, tỷ lệ nợ xấu giảm dần nhờ quản trị rủi ro được tăng cường, ngân hàng tăng thu từ hoạt động phi tín dụng… góp phần gia tăng lợi nhuận, nhờ đó hỗ trợ cho giá cổ phiếu có cơ hội tăng điểm.

Đặc biệt, việc tăng vốn cũng đang được các ngân hàng tích cực đẩy mạnh để củng cố thêm sức khoẻ tài chính của mình. Đơn cử, Techcombank dự kiến tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu gồm lợi nhuận sau thuế hơn 5,827 tỷ đồng, 3,496 tỷ đồng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 13,986 tỷ đồng nguồn vốn thặng dư.

Hiện tại, vốn điều lệ của Techcombank là 11,655 tỷ đồng, với mức vốn điều lệ mới dự kiến là 34,965 tỷ đồng, cổ đông sẽ nhận được thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1:2 (mỗi cổ phiếu hiện tại sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới). Như vậy với việc phát hành, nhà băng này sẽ đứng ở vị trí thứ 3 top những ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, chỉ đứng sau VietinBank và Vietcombank. Lượng cổ phiếu đang lưu hành của Techcombank cũng được nâng lên gần 3,49 tỷ cổ phiếu.

Hay như VPBank cũng vừa được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ 15.706.230.150.000 đồng lên 25.299.868.790.000. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 27.799 tỷ đồng thông qua 5 đợt phát hành cổ phiếu: phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để trả cổ tức và chia thưởng tỷ lệ 30%; phát hành ESOP với tổng mệnh giá gần 337 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ tối đa 15% trước phát hành; chia thưởng từ nguồn thặng dư vốn từ đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ; phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn cổ phiếu quỹ sau khi mua lại cổ phiếu ưu đãi cổ tức.

Rõ ràng, việc củng cố năng lực tài chính cũng sẽ giúp hỗ trợ cho giá trị cổ phiếu ngân hàng.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến