Dòng sự kiện:
Cho người nước ngoài sở hữu nhà: Có nên nới quy định?
22/09/2020 12:59:49
Trước những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, nhiều DN đã kiến nghị nới rộng quy định 30% quỹ nhà ở tại dự án thương mại bán cho người nước ngoài nhằm thúc đẩy thị trường phát triển.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng quy định trên là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Giải pháp để thúc đẩy thị trường

Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng giao dịch sản phẩm BĐS tiếp tục giảm sút do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, dẫn đến lượng tồn kho BĐS tương đối lớn, đặc biệt với phân khúc trung – cao cấp đang dư thừa khoảng 70 – 100 triệu mét vuông sàn. Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường BĐS đã có dấu hiệu đi xuống từ cuối năm 2018, khi Chính phủ thực hiện siết chặt việc cấp phép dự án đồng thời giảm nguồn tín dụng cho vay từ hệ thống ngân hàng. Để thị trường sớm ổn định trở lại và bứt tốc cần có cơ chế khuyến khích đối với lĩnh vực này.

Khách hàng tham khảo thông tin một dự án bất động sản ở Hà Nội (Ảnh: Chiến Công)

 

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét nới rộng trần quy định 30% sản phẩm trong một dự án được bán cho người nước ngoài, tạo điều kiện cho DN thanh khoản sản phẩm, nhanh chóng thu hồi vốn để tái đầu tư sản xuất. Đại diện một DN đầu tư phát triển BĐS cho rằng, có thể nới trần quy định 30% số lượng sản phẩm trong một dự án được bán cho người nước ngoài. Bởi thứ nhất, trong xu thế phát triển, Việt Nam sẽ ngày càng đón nhận nhiều chuyên gia các nước đến làm việc. Thứ hai, pháp luật đã quy định rõ thời hạn sở hữu nhà đối với người nước ngoài.

Cụ thể, tại Điều 161 của Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong các giao dịch hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng, cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu có nhu cầu; thời hạn sở hữu nhà ở phải được ghi rõ trong giấy chứng nhận.

Chưa nhất thiết phải nới quy định 

Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng về việc nên hay không nên cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài được nới giới hạn sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại và được mua căn hộ du lịch (Condotel), Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị giữ nguyên mức trần quy định 30% số lượng sản phẩm trong một dự án được bán cho người nước ngoài. Nhưng dự án nhà ở liền kề dưới 2.500 căn có thể nới rộng lên 20% đối với những khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống và UBND cấp tỉnh phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Trần Cao Ngãi – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong 5 năm gần đây, cả nước có thêm khoảng 1.885.000 căn nhà. Số căn hộ cá nhân, tổ chức nước ngoài sở hữu là 16.000 căn, chiếm khoảng 0,85% tổng số lượng tại các dự án nhà ở thương mại. “Căn cứ vào báo cáo trên thì mức quy định trần sở hữu nhà cho người nước ngoài ở Việt Nam không quá 30%/dự án như hiện nay là phù hợp với điều kiện thực tế” – luật sư Trần Cao Ngãi nhìn nhận. 

Cẩn trọng hơn, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, xu thế sở hữu nhà ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nước ở khu vực châu Á, còn các nước Âu – Mỹ lại thường lựa chọn hình thức thuê.

“Thực tế, số lượng người nước ngoài mua nhà hợp pháp ở Việt Nam không lớn. Vì vậy, cần phải cảnh giác và siết chặt tình trạng sở hữu nhà dưới dạng núp bóng, gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị” – TS Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận. Đồng tình với quan điểm trên, một chuyên gia phân thích thêm, việc nới trần cho người nước ngoài mua nhà sẽ góp phần tăng thanh khoản cho thị trường BĐS, tuy nhiên phải cân nhắc cẩn thận, kỹ lưỡng cả về kinh tế, an ninh, chính trị và xã hội.

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng, hiện nay, cả nước có khoảng gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trong đó, 944 tổ chức, cá nhân người nước ngoài mua nhà ở được cấp giấy chứng nhận và được cơ quan quản lý công nhận. Còn lại, 2.034 trường hợp là người Việt định cư ở nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Tác giả: Mai Vân

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến