Dòng sự kiện:
Cho phép chuyển đổi đất làm nhà thương mại: 'Sẽ gây ra thất thoát lớn'
06/01/2022 16:42:32
Nhiều Đại biểu Quốc hội lo ngại khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm nhà ở thương mại gây thất thoát ngân sách, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.

Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Liên quan đến việc sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư (tương ứng sửa đổi Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở), theo hướng cho phép chuyển đổi mục đích đất để xây dựng dự án nhà ở.

Theo dự thảo sửa đổi, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Điều kiện là các dự án đất này phù hợp với quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật.

Cùng đó, sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư sang đất ở và thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản. (Ảnh: Hữu Thắng)

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) bày tỏ sự đồng tình dự thảo sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hàng trăm dự án hiện nay, đặc biệt tại Tp.HCM .

Thực tiễn cho thấy nhiều dự án có đất xen kẽ là đất ở có thể làm dự án nhà ở được. Nhưng những dự án không có 1 m2 đất ở nào (có thể là đất nông nghiệp, đất công nghiệp…) không thể thực hiện dù vẫn nằm trong quy hoạch sẽ là đất ở.

Theo đại biểu sự điều chỉnh này sẽ có tác động lớn đến thị trường bất động sản, vốn đã rất nóng. Bởi, theo ông, nếu quy định này được thông qua, những loại đất chưa phải đất ở hiện đang có giá trị thấp khi chuyển thành đất ở sẽ tăng lên rất nhiều. Với nhà đầu cơ có đất loại này, giá trị tài sản tăng lên rất nhiều và rất dễ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực. Mặt khác, quy định này còn liên quan đến Luật Đất đai và các luật khác.

Chính vì vậy, ông Thành cho rằng cần có đánh giá kỹ hơn tác động liên quan đến thị trường bất động sản. Đại biểu đề nghị cho phép thí điểm, đợi sửa đồng bộ với Luật Đất đai.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tuấn Anh, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng kể cả thí điểm cũng không thu hồi được đất đã giao nên cần cân nhắc kỹ, đánh giá kỹ. “Nếu sửa ngay sẽ gây ra thất thoát lớn, không qua đấu thầu đấu giá, chênh lệch rất lớn ở các địa phương, gây thiệt hại cho Nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) cũng cho rằng nếu được thông qua, quy định này sẽ tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp thu gom đất nông nghiệp, thâu tóm đất đai, tạo nên hệ lụy xấu kéo dài, gây tác động đến điều chỉnh quy hoạch, gây thất thoát ngân sách do không thông qua đấu giá sẽ tạo chênh lệch giá, tiền sẽ chảy vào túi doanh nghiệp.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng sẽ phải tiếp tục bàn và thiết kế chính sách sao cho hài hòa lợi ích.

Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (đoàn Quảng Trị) cho biết: “Hiện có hơn 200 dự án riêng tại Hà Nội và Tp.HCM đang bị vướng điểm này, nên việc tháo gỡ được vướng mắc này có ý nghĩa rất lớn”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chưa yên tâm và vẫn rất băn khoăn là làm sao không để tiêu cực xảy ra ở đây. Ông Dũng cho rằng cần đảm bảo giá trị địa tô được phân chia công bằng.

“Chúng ta sẽ phải tiếp tục bàn và thiết kế chính sách sao cho hài hòa lợi ích. Chúng ta tháo gỡ nhưng không làm mất đi nguồn lực”, ông Dũng nói.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến