Sức mạnh tài chính của các công ty chứng khoán nội đang gia tăng, thậm chí trong bối cảnh margin “căng”, một số công ty lên kế hoạch tung ra thị trường gói margin mới, từ 2.000 - 6.000 tỷ đồng, ngay trong tuần này.
Quy mô thị trường chứng khoán tăng vọt, số lượng nhà đầu tư mới tham gia liên tục phá kỷ lục, sự tăng trưởng về điểm số và giá trị giao dịch chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư trong nước.
Thị trường tăng trưởng, nhu cầu vay ký quỹ cũng như sử dụng các dịch vụ, sản phẩm đầu tư khác tăng cao, khiến nhu cầu tăng vốn của các công ty chứng khoán trở nên bức thiết.
Tính đến 30/9/2021, tổng vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán đạt gần 111.200 tỷ đồng, tăng hơn 18.980 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Không ít công ty còn bổ sung nguồn vốn vay trong nước, trong nhóm công ty lớn còn vay vốn nước ngoài với lãi suất cạnh tranh như Chứng khoán SSI (SSI), Chứng khoán TP.HCM, Chứng khoán VietinBank, Chứng khoán Techcombank (TCBS).
Nhờ vậy, thống kê của FiinGroup tới cuối tháng 9/2021 cho thấy, bảng xếp hạng dư nợ margin cao nhất trên thị trường có sự thay đổi rõ rệt, dẫn đầu là SSI với dư nợ kỷ lục hơn 18.107 tỷ đồng, tăng 2.500 tỷ đồng so với cuối quý II, trong khi Chứng khoán Mirae Asset có mức tăng dư nợ margin hơn 400 tỷ đồng.
Xét về mức tăng margin, công ty chứng khoán nội có dư nợ margin tăng cao nhất là TCBS, tăng 3.300 tỷ đồng trong quý III/2021, đạt 11.481 tỷ đồng. Một công ty khác có dư nợ margin tăng cao là Chứng khoán VNDIRECT, đạt 10.915 tỷ đồng, tăng 2.400 tỷ đồng sau 1 quý.
Ở nhóm công ty chứng khoán ngoại, Chứng khoán Mirae Asset được xếp thứ hai về dư nợ margin, Chứng khoán KIS Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Chứng khoán KB Việt Nam ở vị trí thứ 14, Chứng khoán Maybank KimEng ở vị trí thứ 15.
Điều này cho thấy, các công ty chứng khoán nội đang củng cố nguồn lực tài chính để chớp cơ hội thị trường, trong khi công ty có vốn ngoại tăng vốn không nhiều trong 2 năm qua. Mặt khác, nguồn dư nợ margin ở một số công ty ngoại trước đây tăng do thường xuyên cho vay “deal” (thương vụ lớn), “ngốn” nguồn margin nhưng đổi lại có được nguồn thu ổn định từ cho vay.
Trước sự gia nhập thị trường mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân và có nhu cầu giao dịch ký quỹ, công ty giảm cấp nguồn cho vay deal, tăng nguồn cho vay với các nhà đầu tư cá nhân. Dù vậy, giới hạn về vốn chủ sở hữu ở giai đoạn này khiến các công ty chứng khoán ngoại khó có thể đẩy mạnh cho vay.
Trong khi đó, thông tin trên thị trường cho biết, có công ty chứng khoán nội sắp tung ra gói cho vay margin thêm 2.000 tỷ đồng trong thời gian tới, một công ty khác dự kiến ngay trong tuần này có thêm chương trình về margin, với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện tượng “căng” margin trong khối công ty chứng khoán được nhìn nhận sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới. Việc tăng thêm vốn chủ sở hữu sẽ là vấn đề tất yếu trước làn sóng mở tài khoản mới của nhà đầu tư nhiều khả năng kéo dài trong thời gian tới.
Theo quan điểm cá nhân của ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, sau khi tăng vốn, một số công ty chứng khoán chưa chuẩn bị đủ nguồn tiền để cho vay do ngân hàng chạm trần tín dụng, dẫn tới sự thiếu hụt margin cục bộ, nhưng điều đó sẽ sớm được giải quyết.
Tác giả: Nhã An
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy