Nhà đầu tư phấn khởi khi thị trường đã lấy lại được sắc xanh.
Vượt qua giai đoạn xấu
Trên các room đầu tư, nhiều trưởng nhóm chúc mừng các thành viên đã bắt đáy thành công từ 1 - 2 tuần trước, vì thị trường đã bật tăng gần 10% sau khi lao dốc 23%.
“Chỉ số đã tăng trở lại, nhưng cổ phiếu của tôi vẫn đỏ và chưa biết khi nào mới về bờ” là chia sẻ của nhà đầu tư Nguyễn Phương, cũng là trạng thái của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư trước đó mua cổ phiếu ở vùng đỉnh.
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư cảm nhận giá cổ phiếu có thể tăng thêm, thậm chí tăng mạnh, nhưng không còn tiền để mua, trong khi không ít người khác lo ngại thị trường có thể sớm gặp áp lực bán ra từ hoạt động bắt đáy cũng như khả năng cắt lỗ của những người sắp “về bờ”.
VN-Index đã bật tăng gần 10% sau khi lao dốc 23%. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường đã trải qua giai đoạn xấu nhất.
Nhìn chung, cơ hội và rủi ro đan xen, nhưng đa số ý kiến cho rằng, thị trường đã trải qua giai đoạn xấu nhất. Định giá P/E thị trường đang ở mức 13,4 lần, trong khi trung bình 5 năm qua là 16,5 lần. Theo đó, giá cổ phiếu vẫn hấp dẫn đối với những nhà đầu tư dài hạn, dù các yếu tố bất lợi đối với thị trường chưa được giảm thiểu như lạm phát và lãi suất tăng trên toàn cầu, chứng khoán thế giới thiếu ổn định...
“Dòng tiền tham gia thị trường đang trở nên dè dặt và thận trọng hơn, nên trong ngắn hạn, biến động thị trường dự kiến khó lường. Thị trường đang trong giai đoạn tìm khu vực cân bằng tích lũy để hồi phục, sẽ có phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu”, ông Ngô Thế Hiển, Phó trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nói.
Theo SHS, thị trường trong tháng 6 dự kiến ổn định và có diễn biến tích cực hơn. VN-Index có thể hình thành vùng dao động, tích lũy và hồi phục trong biên độ 1.200 - 1.350 điểm.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng thị trường có thể có những biến động tiêu cực nếu những yếu tố bên ngoài trở nên xấu đi như chứng khoán thế giới sụt giảm, dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ròng... Khi đó, VN-Index có thể lùi trở lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, hoặc 1.100 điểm.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, trong tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu tác động bởi diễn biến lạm phát toàn cầu, quá trình nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), chính sách Zero Covid của Trung Quốc, ẩn số từ xung đột địa chính trị tại Ukraine.
Bên cạnh đó, dòng tiền co lại do kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt và lượng giao dịch ký quỹ (margin) suy giảm cũng là yếu tố tác động đến thị trường. Dù vậy, định giá thị trường có vẻ hấp dẫn sau khi đã điều chỉnh sâu.
Sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid, vĩ mô ổn định hay triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2022 tích cực của một số ngành là yếu tố hỗ trợ.
Thị trường cuối tháng 5 phục hồi tốt từ vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm nên áp lực bán nhiều khả năng dần tăng mạnh khi chỉ số tiến lên các ngưỡng kháng cự, nên HSC duy trì quan điểm, thị trường sẽ tạo nền đi ngang nhiều hơn so với việc lên một mạch để tạo đáy theo hình chữ V.
Lựa thông tin, chọn danh mục
Nhà đầu tư Nguyễn Phương cho biết, chị thường xuyên nhận được tư vấn của môi giới là bình tĩnh nắm giữ danh mục, chủ yếu là cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng, vì ở giai đoạn hiện tại, việc nắm giữ với tầm nhìn trung và dài hạn phù hợp hơn.
Hoạt động bắt đáy ngắn hạn hay giao dịch T+ chỉ thích hợp với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhưng tỷ trọng không nên quá cao. Đối với đa số nhà đầu tư, chọn lọc cổ phiếu và quản trị danh mục an toàn cần được ưu tiên hàng đầu.
Anh Huy, môi giới tại một công ty chứng khoán lớn chia sẻ, theo lý thuyết, thị trường đã qua đỉnh và bước sang pha “trễ” trong một chu kỳ tăng giá. Nếu chọn đầu tư theo ngành thì trong bối cảnh hiện tại nên dựa trên quan điểm phòng thủ, tập trung vào các ngành có sức đề kháng tốt với lạm phát; không nên đầu tư vào các nhóm ngành mang tính chu kỳ cao, dù giá giảm nhiều nhưng vẫn rất rủi ro.
Nói về các nhóm ngành an toàn hơn, anh Huy cho hay, nhóm nguyên vật liệu đang được hưởng lợi nhờ giá hàng hóa tăng, nhưng cần quan sát kỹ thị trường hàng hóa, phát hiện sớm đỉnh để có quyết định giao dịch hợp lý, kịp thời.
Với nhóm ngành năng lượng, nhà đầu tư nên chú ý theo dõi biến giá dầu và phân tích xem doanh nghiệp có được hưởng lợi từ giá dầu tăng hay không. Nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu có tính an toàn hơn, vì không ảnh hưởng nhiều bởi chu kỳ kinh tế.
Nhìn lại bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2022 cho thấy, phần lớn lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhóm vốn hóa lớn có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 81,3%, vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhóm vốn hóa nhỏ, có mức tăng lần lượt là 45,4% và 23,4%.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong quý đầu năm 2022, ngành hóa chất có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất là 500,8% so với cùng kỳ, đóng góp 20,1% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường. Các ngành khác như điện tăng 105,5%, công nghệ tăng 36,6%, dịch vụ tài chính tăng 28,9%, đồ uống tăng 27,2%, dầu khí tăng 23,8%, chăm sóc sức khỏe tăng 19,4%.
VNDIRECT dự báo, đó là những ngành có khả năng duy trì được mức lợi nhuận khả quan trong quý II/2022. Nhiều ngành khác cũng có triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế bắt đầu quá trình hồi phục hậu Covid-19, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như giá nguyên nhiên liệu tăng.
Ông Hiển nhận định, quá trình phục hồi của nền kinh tế tác động tích cực tới hầu hết các nhóm ngành, nhưng sẽ có những nhóm ngành được hưởng lợi nhiều hơn như năng lượng (điện), hóa chất, thủy sản, logistics, ngân hàng, công nghệ...
Lưu ý, trong mỗi nhóm ngành đều sẽ có sự phân hóa giữa những các doanh nghiệp, do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố như tình hình tài chính, tiềm năng tăng trưởng, định giá doanh nghiệp phù hợp để từ đó xác định vùng giá mục tiêu của cổ phiếu.
Trong các nhịp thị trường hồi phục sau khi đã có mức giảm sâu như ở thời điểm tháng 1 hoặc tháng 7 năm ngoái, nhóm cổ phiếu có mức hồi phục tốt nhất được Công ty Chứng khoán MB (MBS) thống kê là chứng khoán, vật liệu xây dựng, logistics, hóa chất, thủy sản, dầu khí… Ở thời điểm hiện tại có thể kể thêm nhóm cổ phiếu du lịch, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 sẽ có sức bật tốt khi du lịch đang được kỳ vọng bùng nổ.
“Nhà đầu tư có thể giải ngân đối với các nhóm cổ phiếu trên, hoặc nhóm cổ phiếu nhỏ đã giảm giá sâu đang được dòng tiền giao dịch sôi động”, chuyên gia MBS khuyến nghị.
Tác giả: Hoàng Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy