Dòng sự kiện:
Chọn kênh đầu tư trước áp lực lạm phát
01/12/2021 11:08:05
Trước áp lực lạm phát, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, thì kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư xuống tiền.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tài chính - kinh tế, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao luôn đi kèm với tỷ lệ rủi ro cao.


Trước sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang dồn vốn đầu tư cổ phiếu. Ảnh: Đ.T

Chọn kênh đầu tư

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm sâu khiến dòng tiền nhà rỗi chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác. Trong đó, bất động sản và chứng khoán tăng điểm hút vốn nhà đầu tư.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi của người dân trong tháng 9/2021 giảm 1.473 tỷ đồng. Trước đó, tháng 8/2021, con số này chỉ ghi nhận giảm 986 tỷ đồng.

Trong khi đó, không ít người cho rằng, an toàn nhất hiện nay là đầu tư vào đất. Còn chứng khoán vẫn có triển vọng khi giá cổ phiếu có xu hướng tăng.

Ngoài ngân hàng, bất động sản, thì gần đây, nông nghiệp, lương thực, thực phẩm được nhà đầu tư quan tâm... Tuy nhiên, tham gia thị trường chứng khoán lâu năm, ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích tài chính nhận thấy, có những rủi ro đi kèm, vì nhiều nhà đầu tư thấy kiếm tiền dễ, nên vay mượn người thân để tham gia.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia phân tích tài chính, nếu quan sát kết quả đầu tư chứng khoán năm 2021 và kết quả trong giai đoạn dài đầu tư nhà đất, có thể thấy, việc đầu tư chứng khoán và nhà đất đang tốt hơn gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ông Hiển cho biết, giá nhà đất tại Việt Nam tăng quá mạnh trong vòng 6 năm qua, đặc biệt là đất vùng ven. Nhưng trong giai đoạn 2021-2022, việc đầu tư nhà đất phải dựa theo phán đoán, nhận định đặc điểm, cơ hội của từng miếng đất cụ thể, chứ không phải dựa trên đồng tiền mất giá. Trong 2 năm tới, chỉ số lạm phát khó cao hơn 5%, nên khó kỳ vọng đầu tư vào đất nền sẽ lời cao như trước, trừ một số ít địa phương.

Còn đối với vàng, theo ông Đinh Thế Hiển, những năm gần đây, vàng không còn được nhiều nhà đầu tư có khả năng mua số lượng lớn quan tâm, mà họ tập trung rót vốn vào bất động sản, cổ phiếu. Lý do là, chênh lệch giá vàng trong nước quá cao so với thế giới.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng nhận định, chính yếu tố trên sẽ mang lại rủi ro khiến nhà đầu tư cẩn trọng khi rót lượng tiền lớn vào vàng. Nhưng số người dân có nhu cầu mua 5-7 chỉ vàng vẫn lớn, do đây là thói quen tích trữ của người dân Việt Nam và châu Á.

Nhận định về xu hướng giá vàng cuối năm, ông Khánh cho rằng, còn triển vọng, vì lạm phát của một số nước phát triển như Mỹ, Đức gần đây tăng cao bất ngờ, nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng.

Áp lực lạm phát

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, đà phục hồi của sức cầu, xu hướng tăng giá hàng hóa thế giới, độ trễ của chính sách tiền tệ - tài khóa mở rộng và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán là những vấn đề cần được nhìn nhận một cách tổng thể, đa chiều trong mối liên hệ với lạm phát... Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ có tháng 2 tăng mạnh (1,52%), còn lại 9 tháng chỉ tăng hoặc giảm nhẹ trong khoảng từ âm 0,2% đến 0,6%, CPI bình quân 10 tháng chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2020 và cả năm 2021 dự báo ở mức 2,1-2,3% - mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Tuy nhiên, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu và còn chịu áp lực tăng trong bối cảnh giá cả thế giới chưa sớm hạ nhiệt, lạm phát toàn cầu ở mức cao (3,3%) trong năm 2021, trước khi hạ nhiệt từ giữa năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, nếu với lạm phát năm 2021 được kiểm soát ở mức 3%, mặt bằng lãi suất 4 - 5,5%/năm, người gửi tiền vẫn được được hưởng lãi suất thực dương. Nhưng áp lực lạm phát năm tới gia tăng, trong khi thị trường cổ phiếu, bất động sản vẫn hấp dẫn để hút tiền nhàn rỗi… Trước bối cảnh đồng tiền ngày càng mất giá, nhà đầu tư sẽ nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn an toàn cho tài sản. Trong đó, bất động sản, chứng khoán được coi là kênh đầu tư hữu hiệu, đáp ứng khẩu vị đầu tư an toàn và sinh lời bền vững.

Tuy nhiên, trên thực tế, theo TS. Đinh Thế Hiển, các số liệu thống kê cho thấy, so sánh sự mất giá của VND (thông qua chỉ số giá tiêu dùng - CPI) với giá vàng và tỷ giá USD, thì VND đang có giá rất tốt. Chẳng hạn, nếu gửi ngân hàng, lãi nhập vốn trong 6 năm (2016 - 2021) với lãi suất bình quân 7%/năm, thì mức tăng là 50%. Còn giá vàng SJC tăng 75%. Trong khi đó, chỉ số CPI tăng trong 6 năm qua chỉ có 19% và tỷ giá USD chỉ tăng 4%. Như vậy, sức mua của VND và quy đổi qua USD đều ở mức thấp hơn lãi suất ngân hàng. Việc gửi tiền vào ngân hàng hoặc mua vàng đều có mức lãi phù hợp và đang khá cao so với mức mất giá của VND.

HSBC nhận định rằng, nếu như tỷ giá thể hiện xu hướng bình ổn trong suốt năm 2020 và nửa đầu năm 2021 khi chỉ xoay quanh trong vùng giá 23.000 - 23.100 đồng/USD, thì chỉ trong 5 tháng cuối năm nay (tính đến tháng 11/2021), VND đã tăng giá khoảng 2% so với USD. Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có 2 lần giảm mạnh về mức 22.750 đồng/USD vào tháng 8/2021 và sau đó về mức 22.650 đồng/USD vào đầu tháng 11/2021, tương ứng với 2 lần điều chỉnh hạ giá mua vào USD của Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, đồng thời đưa VND vào nhóm một số đồng tiền có mức tăng giá so với USD trong năm nay.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hết tháng 10/2021, lạm phát mới tăng 1,81%. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam luôn có độ trễ so với thế giới, nên sang năm 2022, rủi ro lạm phát sẽ mạnh hơn. Nhìn về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, hệ lụy của nó đã kéo dài tới năm 2011 và tạo ra tỷ lệ lạm phát có thời điểm tới gần 30%.

Tác giả: Vân Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến