Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS) vừa có thông báo đến cổ đông liên quan tới kết quả kinh doanh 2021, đặc biệt là tình hình tự doanh của công ty trước những diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán thời gian gần đây.
Tổng giám đốc Nguyễn Đỗ Lăng cho biết để nắm bắt tình hình khởi sắc của thị trường chứng khoán, công ty đã đẩy mạnh hoạt động tự doanh tập trung vào những cổ phiếu tốt, có quỹ đất lớn và tiềm năng tăng trưởng như DPG, CEO, CII, NBB…
"Việc tự doanh được đẩy mạnh vào đầu quý IV khi các cổ phiếu bất động sản chưa tăng nóng và đã chốt lời hơn 90% danh mục trong năm 2021. Đầu năm 2022, công ty cũng tiếp tục chốt lời gần hết danh mục còn lại trước khi thị trường chứng khoán xảy ra suy giảm", ông Lăng khẳng định.
Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kết quả kinh doanh đạt mức lợi nhuận kỷ lục 534 tỷ đồng trong năm vừa qua. Kết quả đột biến nhờ thành công của việc đầu tư và nhanh nhạy chốt lời danh mục đầu tư của công ty.
Trong đó, đặc biệt là cổ phiếu CEO đem lại khoản lợi nhuận hơn 267 tỷ đồng và đến hết 11/1 công ty đã chốt lời toàn bộ số lượng cổ phiếu CEO nắm giữ.
APS chốt lời toàn bộ cổ phiếu CEO ngay trước thời điểm cổ phiếu lao dốc. Đồ thị: TradingView.
Đây là pha chốt lời khá kinh điển khi cổ phiếu CEO tăng đột biến từ 10.300 đồng đầu tháng 10/2021 lên đến 70.900 đồng vào cuối năm 2021, tương đương tăng giá 588% trong quý IV vừa qua.
Sau đó, cổ phiếu CEO vẫn tiếp tục tăng mạnh lên đỉnh lịch sử 91.600 đồng vào ngày 11/1. Tuy nhiên sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm khiến cổ phiếu lao dốc liên tiếp về quanh 50.000 đồng khiến tài khoản hàng loạt nhà đầu tư chậm chay bị bốc hơi rất nhanh.
Sau chuỗi lao dốc thì cổ phiếu CEO đã có sự hồi phục trở lại khi thị giá đã điều chỉnh khá sâu. Diễn biến khá tương đồng với cổ phiếu bất động sản khác trong danh mục là CII và NBB.
Tổng giám đốc APS còn giải đáp hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của công ty luôn được kiểm soát chặt chẽ theo quy trình quản trị rủi ro. Công ty chỉ cho vay đối với các cổ phiếu của các tổ chức phát hành có mô hình hoạt động kinh doanh bền vững, luôn áp dụng quy định giá trần để cho vay theo phương pháp định giá giá trị nhằm kiểm soát rủi ro hoạt động giao dịch ký quỹ.
"Các hoạt động kinh doanh khác của công ty vẫn tăng trưởng đều. APS đang tập trung triển khai hệ thống giao dịch mới dự kiến Golive vào ngày 24/1 để sẵn sàng hạ tầng công nghệ đón nhận sự bùng nổ khách hàng trong thời gian tới", ông Lăng trình bày.
Thực tế trên báo cáo tài chính quý IV, công ty chứng khoán đã lãi đậm từ hoạt động chốt lời các cổ phiếu đầu tư nóng trên, cũng như nhờ đánh giá lại tài sản một số khoản đầu tư dài hạn.
Trong quý IV/2021, APS ghi nhận doanh thu hoạt động lên đến 542 tỷ đồng, cao gấp 11,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó nguồn thu chủ yếu từ lãi bán các tài sản tài chính 257 tỷ (lãi chốt lời cổ phiếu) và chênh lệch đánh giá lại các tài sản tài chính 265 tỷ (lãi tạm tính).
Phần doanh thu còn lại khá nhỏ đến từ các mảng khác như môi giới chứng khoán gần 9 tỷ và cho vay ký quỹ hơn 10 tỷ đồng...
Do chi phí hoạt động không đáng kể (chỉ tốn chi phí quản lý doanh nghiệp) nên công ty báo lãi trước thuế hơn 534 tỷ đồng, cao gấp 13 lần cùng kỳ năm liền trước.
Tính lũy kế cả năm 2021, APS ghi nhận doanh thu hoạt động cao gấp 4,7 lần cùng kỳ để đạt hơn 747 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục gần 703 tỷ đồng, gấp 11,4 lần năm trước và vượt hơn 40% kế hoạch năm.
Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) cao đột biến 6.778 đồng, hiệu quả trên đồng vốn đang cao nhất trong số các công ty chứng khoán có báo cáo tài chính quý cuối năm đến hiện tại.
Xét chi tiết danh mục đầu tư tại thời điểm cuối năm 2021. Công ty chứng khoán này vẫn còn đầu tư lớn hàng trăm tỷ đồng vào các mã API, IDJ và cổ phiếu Tập đoàn Apec Group.
Một số khoản đầu tư nhỏ hơn như CEO vẫn hơn 20 tỷ đồng (theo công bố công ty cũng đã chốt lời toàn bộ vào đầu năm 2022), cổ phiếu NBB còn hơn 4 tỷ đồng hay cổ phiếu Apec Finance là hơn 30 tỷ đồng.
Trong năm vừa qua, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp mở rộng rất mạnh gấp 4 lần lên hơn 1.600 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty nằm ở dạng tài sản đầu tư tài chính, các khoản cho vay margin và tiền mặt.
Đối ứng ở nguồn vốn, APS không theo đuổi chính sách đòn bẩy khi không có số dư vay nợ ngân hàng. Nguồn vốn khá an toàn khi tập trung ở vốn chủ sở hữu (830 tỷ) và lợi nhuận tích lũy từ kinh doanh chưa phân phối (564 tỷ).
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy