Dòng sự kiện:
Chủ BOT xin bán lại cho Bộ: Nói không với...'ăn vạ'
02/05/2018 17:28:34
Dứt khoát từ chối mua lại các dự án BOT đường bộ là để tránh lặp lại tình trạng "ăn vạ" của các nhà đầu tư BOT sau này.

Tiền đâu mua lại?

Bức xúc trước hàng loạt đề xuất xin bán lại dự án BOT cho Nhà nước của các chủ đầu tư tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT Cai Lậy, cầu Hạc Trì... ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói thẳng: "doanh nghiệp kinh doanh phải theo cơ chế thị trường. Không có kiểu lời ăn, lỗ Nhà nước chịu".

Trạm thu phí Bến Thủy cũng là một trong những trạm thu phí gây nhiều bức xúc. Ảnh: TTO

Ông Liên cho rằng, để xảy ra tình trạng doanh nghiệp mặc cả ngược với Nhà nước thì cần phải xem lại những thỏa thuận trong hợp đồng giữa Bộ GTVT với các chủ đầu tư được thể hiện như thế nào? Những thỏa thuận đó đúng hay sai và ai phải chịu trách nhiệm?

"Sao lại để doanh nghiệp đòi trả lại BOT vì không được làm BOT trên tuyến đường độc đạo? Sao lại có những than vãn vô lý kiểu: dân né BOT đi đường tránh, khiến chủ đầu tư thua lỗ; đòi làm BOT cả tuyến chính và tuyến chánh? Thế này có khác nào tước đi quyền lựa chọn của dân, buộc dân phải đi qua BOT? Như vậy là chèn ép dân quá đáng, là trái quy định của pháp luật.

Nhưng nếu bây giờ cứu các doanh nghiệp bằng cách cho phép mua lại các dự án BOT thì sẽ lấy ngân sách ở đâu để mua lại? Hơn nữa, việc này phải được đưa ra lấy ý kiến của Quốc hội, Bộ GTVT hay Bộ Tài chính cũng không có quyền quyết định.

Tôi tin, Quốc hội sẽ không cho phép lấy một đồng ngân sách nào để cứu BOT. Chủ đầu tư BOT muốn tồn tại phải tự xoay trở. Không được tạo tiền lệ cứ kinh doanh thua lỗ là lại cầu cứu Nhà nước.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nhấn mạnh rằng, việc dứt khoát từ chối mua lại các dự án BOT đường bộ là để tránh lặp lại tình trạng "ăn vạ" của các nhà đầu tư BOT sau này.

Nhiều cơ chế "bảo hộ"

Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Đoàn Đức Lập - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai tỏ ra nghi ngờ trước thông tin các chủ đầu tư BOT cho rằng kinh doanh bị thua lỗ.

"Có rất nhiều vấn đề như tình trạng nhà đầu tư "tay không bắt giặc", được "bảo hộ" để luôn có lãi... khiến dư luận rất bức xúc.

Ở Gia Lai, thực hiện một dự án nhà đầu tư vay tới gần 70% vốn vay từ ngân hàng. Tức là tiền đầu tư chủ yếu là tiền vay ngân hàng, tiền nhà nước cả, chủ đầu tư chỉ bỏ chút ít làm ví dụ.

Rồi trong quá trình thực hiện đấu thầu, các nhà đầu tư lại được lựa chọn theo cơ chế chỉ định thầu. Những nhà đầu tư được lựa chọn chủ yếu là những doanh nghiệp thân hữu, sân sau và khi đã được chỉ định thầu thì luôn được xem như "con cưng" với bao ưu đãi, thậm chí là cơ chế "bảo hộ" để luôn có lãi.

Rủi ro tài chính hay biến đổi lãi suất ngân hàng thường bị đẩy về phía người dân bằng cách kéo dài thời gian thu phí, hoặc một đoạn đường dài 50km, nhà đầu tư đặt hai trạm BOT...

Rất nhiều cơ chế, thỏa thuận mà chỉ cần nhà đầu tư có dự án là đã có lợi rồi, vậy mà bây giờ nhà đầu tư kêu thua lỗ, rất khó tin", ông Lập nói thẳng.

Từ những lập luận thực tế, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai nghi ngại, yêu cầu đòi bán lại trạm BOT cho Bộ GTVT là chiêu trò nhằm bảo toàn quyền lợi của nhóm lợi ích.

"Tôi từng nghe chủ BOT nói, họ thực hiện thu phí 5-10 năm rồi tìm mọi cách gây khó khăn để buộc Nhà nước phải mua lại, hoàn trả số vốn đầu tư cho doanh nghiệp. Thực chất là doanh nghiệp sử dụng tiền của ngân hàng mang đi đầu tư và thu lợi, sau đó lại bắt Nhà nước phải mua lại với giá cao.

Nếu những toan tính trên của các nhà đầu tư thành công, thì nhà đầu tư có thể "tay không" vẫn hưởng nhiều lần lợi. Bộ GTVT mà chấp nhận mua lại các dự án BOT này không khác nào chúng ta đã rơi vào bẫy của nhóm lợi ích, giúp các nhóm lợi ích dễ dàng kiếm lợi nghìn tỷ", ông Lập cảnh báo.
Chính vì đứng trước các khoản lợi quá lớn như vậy, ông Lập lo ngại sẽ có những quyết định được đưa ra nhưng không dựa trên lợi ích chung, gây bất lợi cho người dân, cho ngân sách quốc gia.

Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Gia Lai cho rằng, cần phải tỉnh táo, Bộ GTVT không thể tự quyết định.

"Một khi lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân bị đặt trên lợi ích quốc gia thì rất có thể sẽ có những đề xuất kiểu "vay tiền các ngân hàng thế giới để mua lại các dự án BOT", tức là thay vì vay vốn để đầu tư xây dựng thì họ đi vay để mua lại thua lỗ của nhóm lợi ích. Rất nguy hiểm", ông Lập lo lắng.

Theo Đất Việt 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến