Tin liên quan
Viwasupco: 6 năm đi vào hoạt động và 17 lần vỡ đường ống nước
Dự án cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Hiếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội được phê duyệt vào năm 2003. Giai đoạn 1 với chiều dài 45,8 km, công suất 300.000 m3/ngày đêm, vốn 1.500 tỷ đồng được triển khai vào năm 2005 và hoàn tất vào năm 2009. Cũng chính thời điểm này, Công ty TNHH Nước sạch Vinaconex được thành lập để quản lý, vận hành và khai thác dự án.
Năm đầu tiên đi vào hoạt động, việc kinh doanh dưới giá vốn cùng gánh nặng lãi vay khiến Viwasupco lỗ hơn 97 tỷ đồng. Sản lượng nước tiêu thụ hàng năm liên tục tăng trưởng. Tổng số khách hàng mà Viwasupco cung cấp nước sạch đã tăng lên từ vỏn vẹn 5 khách hàng lên 12 khách hàng (dự kiến trong năm 2016). Trong đó, ba khách hàng bán buôn Viwaco, Hadong và Hawaco chiếm tới 90% tổng lượng nước tiêu thụ của Viwasupco. Sản lượng nước sạch cung cấp của Dự án cấp nước giai đoạn I đến năm 2015 đã tăng lên gấp 2,15 lần so với năm 2010.
Tuy vậy, hoạt động cung cấp nước bắt đầu gặp sự cố khi đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ lần đầu tiên vào ngày 4/2/2012, tức 3 năm kể từ sau ngày vận hành. Qua gần 6 năm hoạt động, tổng cộng số lần vỡ đường ống nước đã lên tới con số 17 lần. Giải thích về nguyên nhân khiến Dự án giai đoạn I liên tục bị vỡ là do chất liệu ống dẫn nước có pha sợi thủy tinh nên không đảm bảo chất lượng. Đồng thời dù trong quá trình thực hiện, công ty đã có giải pháp xử lý nền đất yếu nhưng đường ống vẫn bị rò rỉ sau một thời gian hoạt động.
Trải qua thời gian, sản lượng nước sạch cung cấp tăng cùng việc giảm chi phí tài chính đã giúp Viwasupco gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, tổng các khoản vay nợ ngắn và dài hạn đã giảm từ 1.073,5 tỷ đồng xuống còn 411 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của công ty đã chính thức được xóa vào năm 2014.
Kết quả kinh doanh của Viwasupco kể từ khi thành lập
Sự ra đi của Acuatico: Nản lòng hay thời cơ tốt để chốt lời?
Dù đã chính thức xóa lỗ lũy kế vào cuối năm 2014 và có tới 183,3 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối (tương đương 36,6% vốn điều lệ) vào cuối năm 2015 nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa một lần chi trả một đồng cổ tức cho cổ đông do cần nguồn vốn cho Giai đoạn 2 của Dự án. Hiện Viwasupco có hai cổ đông lớn gồm Vinaconex (nắm giữ 51%) và cổ đông ngoại Công ty Acuatico Pte Ltd - Singapore (nắm giữ 43,6%) gắn bó với Viwasupco từ tháng 10/2010, khi doanh nghiệp này còn đang “ngập” trong lỗ lũy kế.
Ngày 23/3/2016, tổ chức này đã bán toàn bộ 21,8 triệu cổ phiếu, tương đương 43,6% vốn điều lệ của Viwasupco cho một đối tác trong nước, qua đó đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ sở hữu giữa Acuatico và Viwasupco. Liệu có phải sự ra đi của Acuatico là do NĐT này nản lòng khi đầu tư "ròng rã" 6 năm mà chưa nhận về một đồng cổ tức?
Nói về Acuatico, đây là công ty con thuộc sở hữu của Công ty quản lý quỹ đầu tư Avenue (Avenue Capital Group), một quỹ đầu tư của Mỹ được thành lập vào năm 1995 bởi Marc Lasry và Sonia E. Gardner. Chiến lược đầu tư ưa thích của quỹ này là nhắm tới các công ty đang thua lỗ và ngập trong nợ nần. Tình hình tài chính của Viwasupco khi đó cũng là "điển hình" của các doanh nghiệp trong chiến lược mà Avenue Capital Group nhắm tới. Đầu tư vào Viwasupco là một trong hai khoản đầu tư của Acuatico tại Việt Nam bên cạnh việc đầu tư vào các dự án nước tại Indonesia.
Không nhận được cổ tức từ Viwasupco không có nghĩa là Acuatico thất bại trong khoản đầu tư này bởi đến nay giá trị chuyển nhượng của thương vụ này vẫn còn là một "ẩn số". Trong quá khứ, công ty mẹ Avenue Capital Group cũng từng nhiều lần thành công khi thực hiện đầu tư theo chiến lược vào các DN lỗ lớn như Viwasupco hồi năm 2009.
Chưa kể, dù lợi nhuận liên tục gia tăng nhưng nếu tiếp tục đồng hành với Viwasupco thì cũng đồng nghĩa với việc tổ chức này sẽ tham gia vào Giai đoạn II của Dự án Đường ống nước Sông Đà.
Chỉ riêng phân kỳ 1 của Giai đoạn II (dài 21 km từ nút giao Hòa Lạc đến cầu chui dân sinh) dự tính sẽ hoàn thành xong trong năm 2016 dự kiến “ngốn” tới 962 tỷ đồng. Kế hoạch mà Viwasupco đề ra cho tương lai không ít (có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở phân kỳ 1) nên cần một nhà đầu tư mạnh về vốn, sẵn sàng tham gia vào các dự án dài hơi của doanh nghiệp.
Chương mới của Viwasupco
Cuộc thoái lui lịch sử của cổ đông ngoại gắn bó gần 6 năm với Viwasupco được thực hiện cùng lúc với thời gian Viwasupco chuẩn bị đầu tư vào Giai đoạn 2 của Dự án đường ống nước Sông Đà. “Chương mới” của Viwasupco sẽ được viết tiếp bởi Vinaconex và một nhà đầu tư Việt Nam – CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 tổ chức ngày 6/4/2016, vỏn vẹn hơn một tuần kể từ khi NĐT mới này nắm giữ cổ phần, ba đại diện của CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái đã được bầu thay thế các vị trí thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát mà Acuatico để lại bao gồm: bà Phạm Thị Phương An và bà Lương Thị Lan Hương (Thành viên HĐQT) cùng bà Nguyễn Thị Mai Hương (Thành viên Ban kiểm soát Công ty).
Các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát được bầu bổ sung thay thế
Cũng phải nói thêm rằng, ĐHĐCĐ của Viwasupco ban đầu dự kiến được tổ chức vào ngày 23/03/2016, cũng chính là thời điểm Acuatico bán toàn bộ 43,6% cổ phần cho CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thể thực hiện do không đạt đủ tỷ lệ tham dự.
Không có thêm thông tin từ Viwasupco về bên mua nhưng theo thông tin từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, chỉ có duy nhất một công ty có tên CTCP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái (trụ sở tại 191 Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, Viwasupco đã quyết định điều chỉnh lại kế hoạch đấu thầu hạng mục 21 km tuyến ống truyền tải nước sạch. Đại hội cũng đã nhất trí cho phép Vinaconex được quyền là Nhà thầu thực hiện dự án giai đoạn 2 nâng công suất lên 600.000m3/ngày đêm với điều kiện nhà thầu này đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, dự toán.
Nên đọc
Theo NDH
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy