Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng nợ công
09/04/2016 09:20:25
ANTT.VN – Trong vòng 2 – 3 năm trở lại đây, nền kinh tế đại lục đang có dấu hiệu chững lại khiến các chuyên gia lo lắng về khả năng một cuộc khủng hoảng tài chính tại “quốc gia” có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới này.

Tin liên quan

Ảnh: Getty

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vào tháng 1/2016 của World Bank, hầu hết các nền kinh tế của khối BRICS, bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đang đối mặt với sự suy thoái, gây nguy hiểm cho tăng trưởng toàn cầu năm nay. Theo đó, tổ chức này hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 từ mức 3,3% xuống 2,9%. Năm 2015, Trung Quốc chỉ ở tỉ lệ 6,9%, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua,  không đạt kế hoạch Thủ tướng Lý Khắc Cường đề ra trước đó. Dự kiến, mức tăng trưởng trong năm 2016 sẽ thấp hơn, dao động từ khoảng 6,5 - 6,7%.

Cũng theo báo cáo, Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 12/2015 đạt gần 49,7 điểm, thấp nhất trong 3 năm qua. Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng công bố số liệu cho thấy kim ngạch thương mại của nước này năm 2015 đã giảm 7% so với 2014, đồng thời ghi dấu năm thứ tư liên tiếp kim ngạch thương mại không đạt mục tiêu đề ra.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor gần đây đã giảm triển vọng xếp hạng Trung Quốc khi việc tái cân bằng kinh tế ở nước này tiến hành chậm hơn với các quốc gia khác. Giám đốc tư vấn của Emerging Advisors Group cũng nhận định: “ Các nhà chức trách Trung Quốc đã cố gắng xử lý vấn đề nợ công nhưng không có nghĩa một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái tăng trưởng nghiêm trọng không có khả năng xảy ra vào năm 2020”.

 Đồng quan điểm, Viện Nghiên cứu McKinsey cảnh báo rằng, nếu Trung Quốc để chỉ số nợ nần tiếp tục tăng trưởng như thời gian vừa qua thì tổng mức nợ quốc gia của nước này có thể đạt đến mức 400% GDP vào năm 2018 - mức nợ chắc chắn sẽ nhấn chìm Trung Quốc trong một cuộc khủng hoảng trước năm 2020. Mục tiêu kế hoạch 5 năm (2016-2020) lần thứ 13 vừa được thông qua là đạt được mức tăng trưởng trung bình 6,5% trong 5 năm tới. Điều này đủ để Trung Quốc trở thành xã hội khá giả toàn diện trước kế hoạch, và cũng đủ để hỗ trợ ý đồ “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã trải qua ba cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng. Thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm thế nào không hy sinh quá nhiều tăng trưởng kinh tế, mà vẫn bảo đảm được vấn đề an ninh kinh tế.

Gần đây, Bắc Kinh đã thiết lập giới hạn 16.000 tỷ NDT cho các khoản nợ của chính quyền địa phương.Trong năm 2016, có ít nhất một vấn đề lớn cần được Chính phủ Trung Quốc quan tâm nhiều, đó là đối phó với nợ công nghiêm trọng trong nước, ước tính đến năm 2015 là 250% GDP.

Theo chuyên gia từng đoạt giải Nobel kinh tế Robert Mundell, một quốc gia không thể đồng thời thực hiện cùng một lúc “thuyết bộ ba bất khả thi” là ổn định tỉ giá, tự do hóa dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập. Hầu hết giới chuyên môn đều cho rằng Trung Quốc có dự trữ ngoại hối khổng lồ nên vấn đề nợ công có thể được khắc phục.

Thu Cúc

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến