Chủ đầu tư KCN Hoàng Mai: “Dứt tình mẫu tử”, “bỏ chợ” con thơ
07/04/2015 06:32:04
ANTT.VN - Liệu rằng dự án có tiếp tục được triển khai? Giấc mơ thay da đổi thịt vùng quê nắng cháy gió Lào khi nào ngã ngũ?… Các câu hỏi cứ mông lung, ngơ ngác và vô định trước những chú bò nhởn nhơ gặm vài cánh cỏ khô còn sót lại trên bạt ngàn thửa đất từng một thời là "bờ xôi ruộng mật" của người dân...

Tin liên quan

Đếm cua trong lỗ

Tháng 10/2008, Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai do Công ty CP Xây lắp dầu khí Nghệ An (PVNC - mã CK: PVA) làm Chủ đầu tư với tổng diện tích 289,67ha, tổng mức đầu tư 812,82 tỷ đồng được doanh nghiệp "họ" dầu khí khởi công xây dựng, trong đó có đến 189 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng.

Vị trí đắc địa, ngay sát Khu kinh tế Nghi Sơn, nơi luôn nhận được nhiều cơ chế ưu đãi đặc biệt. Để tạo điều kiện cho KCN Hoàng Mai sớm hình thành và có lợi thế cạnh tranh trong khu vực Nam Thanh Bắc Nghệ, ngày 13/03/2009, Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An đã chấp thuận một số chính sách như: hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ dự án ngoài hàng rào KCN Hoàng Mai như cấp nước, điện… hay đồng ý các chính sách đào tạo lao động cho các nhà đầu tư thứ cấp. Trên thực tế, theo khảo sát của ANTT.VN tại địa bàn dân cư quanh KCN Hoàng Mai, nhiều bà con đã được tham gia các khóa đào tạo lao động kể trên. Tuy nhiên, như đã đề cập, hiện nay, toàn bộ diện tích KCN vẫn chỉ là một bãi đất hoang và việc đào tạo lao động lại trở thành “tính cua trong lỗ”.

Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2009 của PVNC, viễn cảnh "lấp đầy" và dự tính "vụ mùa bội thu" đã được Công ty đã đề ra kế hoạch chi tiết, như huy động, nhu cầu thuê đất tại khu công nghiệp Hoàng Mai. Theo đó, với hàng loạt những cái tên nhà đầu tư dự kiến và sẵn sàng thuê vài chục hecta đất được nêu ra, như Tập đoàn Dân Kiến – Trung Quốc, Công ty TNHH bật lửa Trung Lai, Công ty khoáng sản, luyện kim Hòa Hưng hay Tập đoàn xi măng Việt Nam… thì quỹ đất khu vực Đông kênh nhà Lê sẽ chẳng mấy chốc được lấp đầy. Trong khi đó, đối với những khu vực còn lại, Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dự kiến sẽ đầu tư nhà máy bê tông đúc sẵn và nhà máy chế tạo kết cấu thép.

Theo kế hoạch đầu tư, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam dự định hoàn thành KCN Hoàng Mai vào năm 2011. Nhưng cho đến nay, tức là đã 4 năm có lẻ,  ngoài cánh cổng KCN được xây dựng thì toàn bộ phần đất được PVA và Hội đồng đền bù GPMB của UBND huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An tiến hành giải tỏa vẫn chỉ là một bãi chăn bò, không hơn không kém.

Hiện trạng KCN Hoàng Mai dự kiến được đầu tư hơn 800 tỷ đồng 

Cũng theo kế hoạch trên, KCN Hoàng Mai dự kiến sẽ mang về cho chủ đầu tư PVNC giá trị hiện tại dòng tại thời điểm 2009 là 6.365,689 triệu đồng với thời gian hoàn vốn theo chiết khấu là 8 năm 7 tháng. Chi tiết là vậy nhưng thật bất ngờ khi mà trên các báo cáo tài chính gần đây của công ty, hạng mục KCN Hoàng Mai đã dần dần mất hút.

“Dứt tình mẫu tử”, “bỏ chợ” con thơ

Ngày 14/12/2009, PVNC ký hợp đồng liên doanh với công ty V.I.P (Nhật Bản) thành lập công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí V.I.P Việt Nam (PVCOM) để thực hiện và khai thác Dự án khu công nghiệp Hoàng Mai với vốn điều lệ 180 tỷ đồng, trong đó, tỷ lệ góp vốn của PVNC là 51%, Công ty CP Vietnam Investments Partners là 86,4 tỷ đồng, tương ứng 48%, 1% còn lại thuộc về cá nhân ông Lê Đức Doanh – Chủ tịch PVCOM.

Với tỷ lệ sở hữu vốn góp lên đến 51%, Công ty CP xây dựng dầu khí Nghệ An chi phối toàn bộ quyền điều hành trong hoạt động quản lý PVCOM. Không chỉ có vậy, điều lệ PVCOM cũng quy định rõ rằng PVNC có quyền tuyệt đối trong việc đề xuất người giữ chức TGĐ và kế toán trưởng của công ty.

Ngày 18/8/2010, HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Dầu khí Nghệ An quyết định thông qua việc chuyển nhượng 25% cổ phần của mình tại CTCP Đầu tư dầu khí V.I.P (PVCOM) cho một đối tác Nhật Bản là Công ty TNHH Vietnam Investment Partners với giá chuyển nhượng là 28.000 đồng/cổ phần và tổng giá trị chuyển nhượng là 126 tỷ đồng.

Theo đó, đến cuối năm 2010, tỷ lệ sở hữu của PVNC tại khu CN Hoàng Mai giảm chỉ còn 26%.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2010 của PVNC lại chỉ ghi nhận giá trị chuyển nhượng KCN Hoàng Mai chỉ là 19.734.200.000 đồng (?).

Giá trị chuyển nhượng KCN Hoàng Mai tại BCTC năm 2010 của Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Nghệ An (nguồn: BCTC năm 2010 của PVNC)

Sau khi hoàn tất việc mua 75% cổ phần tại PVCOM và trở thành cổ đông chi phối lớn nhất của doanh nghiệp, V.I.P đã mời Công ty TNHH Kiểm toán Tư vấn Thủ Đô vào cuộc để kiểm toán toàn diện về tình hình tài chính cũng như hoạt động xây dựng và chất lượng công trình tại KCN Hoàng Mai…

Theo đó, biên bản kiểm toán đã chỉ rõ: “Kiểm toán đề nghị điều chỉnh giảm giá trị đầu tư, giảm công nợ phải trả do hạch toán sai phần chi phí đầu tư thực hiện đã thể hiện tại bản Báo cáo kiểm toán phần xây lắp: 66.717.297.243 đồng ; Đồng thời giữ lại phần chi phí của các công tác có hóa đơn tạm tính trong dự toán nhưng khi thanh toán chưa có hóa đơn chứng từ mua bán theo giá thực tế là 7.382.072.881 đồng".

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 9/2011, PVNC đã quyết “dứt tình” với “đứa con thơ” PVCOM dù dự án vẫn ngổn ngang dang dở. Cụ thể, theo Nghị quyết Hội đồng quản trị, Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An đã thông qua chủ trương "dứt tình" luôn 26% vốn điều lệ còn lại cho Vietnam Investment Partners - V.I.P. Đến thời điểm cuối năm 2012, theo BCTC, giá trị khoản đầu tư liên kết, liên doanh tại PVCOM của PVA đã “trắng bảng” hoàn toàn – dứt điểm công cuộc “sang tay” đối với dự án KCN Hoàng Mai được miêu tả là sẽ "hốt bạc" mà Công ty đã “vẽ ra” vào năm 2009.

Đến cuối năm 2012, khoản đầu tư liên doanh, liên kết của PVNC tại Công ty CP Đầu tư Dầu khí V.I.P Việt Nam (nguồn: BCTC năm 2012 của PVNC)

Ngày 25/12/2012, theo biên bản làm việc giữa PVNC và PVCOM, Tổng công ty xây lắp dầu khí Nghệ An chấp nhận giảm giá trị quyết toán của 29 hạng mục của Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai do Công ty thi công với giá trị 74.216.884.031 đồng.

Khoản giảm giá trị quyết toàn 29 hạng mục Dự án KCN Hoàng Mai do PVNC thi công (nguồn: BCTC năm 2012 của PVNC)

Vết trượt dài

Xét về bối cảnh thị trường, giai đoạn PVNC công bố đầu tư vào dự án KCN Hoàng Mai cũng là thời kỳ “hoàng kim” nhất của cổ phiếu PVA trên sàn chứng khoán khi mà chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm (12/5/2009 – 6/5/2010) mã giao dịch này đã bật chóng mặt đến 1.765%.

Cũng trong thời gian này, PVA đã thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành thêm cổ phiếu theo tỷ lệ 9:11 để tăng vốn từ 45 tỷ lên 100 tỷ.

Ngày 22/03/2010, PVA lại thông báo phương án phát hành 40 triệu cổ phiếu để gấp 5 lần vốn điều lệ của mình lên 500 tỷ đồng. Trong đó, 29,5 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 1:2,95; 10 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông chiến lược nhằm mở rộng quy mô hoạt động của công ty với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, cổ đông chiến lược là Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam lại liên tiếp nhập lệnh “xả” hàng triệu cổ phiếu PVA để thoái vốn đầu tư.

Tuy nhiên, mã chứng khoán này vẫn duy trì đà leo giá ấn tượng đến tận thượng tuần tháng 5/2010.

Nhưng lẽ đời “sông có khúc”, từ năm 2011 – 2013, PVA liên tục báo lỗ do các khoản chi phí phình to ăn mòn lợi nhuận gộp: năm 2011 lỗ 83 triệu đồng sau thuế, năm 2012 lỗ 173 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 101 tỷ đồng. Lỗ thông ba năm trường, cuối cùng PVA bị hủy niêm yết bắt buộc từ 09/06/2014.

Liên quan đến dự án KCN Hoàng Mai, ngoại trừ các thông tin về Chủ đầu tư ban đầu PVNC, phóng viên không tìm được một “manh mối” nào khác về “khổ chủ” PVCOM. Liệu rằng dự án có tiếp tục được triển khai?! Giấc mơ thay da đổi thịt vùng quê nắng cháy gió Lào khi nào ngã ngũ?… Các câu hỏi cứ mông lung, ngơ ngác và vô định trước những chú bò nhởn nhơ gặm vài cánh cỏ khô còn sót lại trên bạt ngàn thửa đất từng một thời là "bờ xôi ruộng mật" của người dân...

Hoa Liên - Ninh Giang

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến