Chủ đầu tư tòa nhà ‘ma’ 198B Tây Sơn là ai?
13/09/2016 14:08:52
ANTT.VN – Đối với một số công ty bất động sản, tài chính có thể không phải là mối lo lắng duy nhất...

Tin liên quan

Dự án 198B Tây Sơn xây xong phần thô tòa nhà 21 tầng rồi 'đắp chiếu' nhiều năm nay, đối diện là tòa nhà Parkson Thái Hà

Năm 2009, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hòa Bình nhận được giấy phép xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại – văn phòng Viet Tower II tại khu I – 198B Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội, bao gồm một tòa nhà 21 tầng và một tòa 9 tầng.

Được khởi công ngay trong năm 2009, và dự kiến hoàn thành vào năm 2011, tuy nhiên kể từ khi xây xong phần thô khối nhà 21 tầng, dự án bất ngờ đình trệ suốt nhiều năm nay.

Dự án nằm ở một trong những vị trí đẹp nhất Thủ đô, song bị ‘đắp chiếu’ nhiều năm trời không khỏi khiến người ta xót xa, đồng thời đặt ra dấu hỏi điều gì đang xảy ra với chủ đầu tư.

Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hòa Bình, tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư Tài chính Hòa Bình, được thành lập từ năm 2003 với sự hợp tác của CTCP Tập đoàn Thái Bình và Công ty TNHH MTV Thống Nhất (Nay là CTCP Thống Nhất Việt Nam).

Ngoại trừ CTCP Thống Nhất, vốn xôn xao dư luận thời gian qua với thương vụ IPO hồi tháng Sáu, thì Đầu tư BĐS Hòa Bình và Tập đoàn Thái Bình đều là những cái tên tương đối xa lạ khi có rất ít thông tin về 2 pháp nhân này.

Theo tài liệu mà ANTT.VN có được, tổng tài sản của Đầu tư BĐS Hòa Bình tính tới cuối năm 2013 ở mức 477 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 310 tỷ đồng, bao gồm 265,2 tỷ của Tập đoàn Thái Bình (85,5%) và 44,8 tỷ của Thống Nhất (14,5%).

Tòa nhà Thái Bình Building 2A Đại Cồ Việt, Hà Nội là trụ sở của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình

Đáng chú ý, khoản vốn góp của Thống Nhất trong Hòa Bình bao gồm giá trị quyền sử dụng khu đất I số 198B Tây Sơn có diện tích 441 m2, được 2 bên thỏa thuận ở mức 7,3 tỷ đồng, tương đương 16,6 triệu đồng/ m2.

Trong năm 2013, Hòa Bình đã đổ thêm 62,5 tỷ đồng vào dự án 198B Tây Sơn, nâng tổng số vốn đã đầu tư vào đây lên 172 tỷ đồng, cùng dự án khách sạn Novotel Suites tại số 5 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội (27 tỷ đồng), chiếm toàn bộ chi phí xây dựng cơ bản dở dang của công ty này thời điểm cuối năm 2013 (199 tỷ đồng).

Toàn bộ dự án 198B Tây Sơn được thế chấp tại chi nhánh Hoàn Kiếm của một tổ chức tín dụng, với dư nợ đã giải ngân tới 31/12/2012 là 100,5 tỷ đồng, ngày đáo hạn là tháng 2/2018.

Để đảm bảo cho khoản vay trên, Hòa Bình còn phải thế chấp tòa nhà Viet Tower tại số 1 Thái Hà (còn được gọi là tòa nhà Parkson Thái Hà), 6 quyền sử dụng đất tại Thái Hà cùng một số tài sản khác.

Doanh thu của Hòa Bình chủ yếu tới từ cho thuê văn phòng và các dịch vụ liên quan (cung cấp điện, nước), đạt 116 tỷ đồng trong năm 2013, trong khi giá vốn chỉ ở 44 tỷ đồng, giúp công ty này ghi nhận khoản lãi sau thuế 51,1 tỷ đồng. Con số này năm trước đó (2012) còn ấn tượng hơn, ở mức 60,9 tỷ đồng.

Kinh doanh thuận lợi giúp Hòa Bình giành ra được tới 121 tỷ đồng trả cổ tức cho các chủ sở hữu trong 2 năm 2012-2013.

Bởi vậy, một số quan điểm cho rằng dự án 198B Tây Sơn đình trệ nhiều năm nay bởi Hòa Bình khó khăn về mặt tài chính tỏ ra không mấy thuyết phục.

Được biết, UBND TP. Hà Nội ngày 29/7/2014 đã có Công văn số 5613 chủ trương rút phần vốn góp của Thống Nhất trong Hòa Bình trong năm 2015. Tuy nhiên BCTC Thống Nhất 2015 thể hiện khoản đầu tư trên vẫn nằm trong danh mục tài sản của công ty này, cho thấy hoặc chưa có nhà đầu tư nào nghiêm túc quan tâm tới việc nhận chuyển nhượng cổ phần của Thống Nhất trong Hòa Bình, hoặc còn một số lý do nào khác, những người trong cuộc chưa muốn ‘buông’ 14,5% phần vốn góp trong Hòa Bình ít nhất cho tới khi Thống Nhất được chuyển thành công ty cổ phần.

Vốn góp của Thống Nhất trong liên doanh Hòa Bình tăng gần gấp đôi trong năm 2013, trong đó có quyền sử dụng 441 m2 đất tại 198B Tây Sơn. Nguồn: BCTC Thống Nhất kiểm toán 2013

BCTC Thống Nhất năm 2015 vẫn ghi nhận khoản đầu tư trên

Đây có thể là nguyên nhân lớn nhất khiến dự án 198B Tây Sơn ‘đắp chiếu’ một thời gian dài, khi mà các chủ sở hữu trong liên doanh Hòa Bình không thống nhất được các phương án đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tăng vốn để đảm bảo hoàn thành dự án.

Giả thiết trên càng có cơ sở khi vài tuần trở lại đây, dự án đang có dấu hiệu được thi công trở lại, với một số máy móc và công nhân làm việc ở khu đất tòa nhà 9 tầng.

Hi vọng với sự tham gia của những nhân tố mới sau đợt IPO hồi tháng Sáu, Thống Nhất cùng đối tác Tập đoàn Thái Bình có thể sớm tìm ra phương án tối ưu để hoàn thành một dự án điểm nhấn của Thủ đô Hà Nội.

Ngược lại, khả năng cao dự án sẽ bị thu hồi. Lúc này, chủ đầu tư ‘đau’ vì mất vốn là điều rõ ràng; tuy nhiên Chính quyền Thành phố cũng chẳng khác nào ôm cục nợ vào người, bởi việc tìm được một nhà đầu tư khác đủ năng lực không phải là chuyện ‘ngày một ngày hai’, trong khi tòa nhà 21 tầng sẽ ngày một xuống cấp. Tình hình đối với ngân hàng tài trợ vốn cũng không mấy khả quan hơn với khoản nợ xấu trăm tỷ đang treo trên đầu họ.

Nghi Điền

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến