Dòng sự kiện:
Chủ đầu tư Westa chây ỳ phí bảo trì: Xử lý thế nào?
03/06/2019 09:41:44
Theo các Luật sư, việc chây ỳ không chịu trả phí bảo trì của chủ đầu tư tùy từng tình tiết có thể liệt vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Mới đây, gần 300 hộ dân sống tại chung cư Westa (tọa lạc tại 104 Trần Phú, Hà Đông) – CĐT Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng số 18 – đã giăng băng rôn trên nhiều căn hộ và toà nhà để phản đối CĐT phớt lờ chỉ thị của UBND TP.Hà Nội về việc trả quỹ bảo trì và sổ đỏ cho cư dân Westa.

Theo các hộ dân, dự án Westa được bàn giao và đi vào hoạt động 5 năm nay, Ban quản trị chung cư cũng được thành lập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, thay vì việc bàn giao phí bảo trì cho ban quản trị, CĐT có dấu hiệu chây ỳ không chịu hợp tác.

Cư dân phản đối chủ đầu tư dự án Westa chây ỳ bàn giao phí bảo trì.

Theo cư dân tòa nhà, Chủ đầu tư mới chỉ trả cho cư dân 200 triệu tiền phí bảo trì là quá ít so với số tiền 12 tỷ, sau 5 năm đi vào hoạt động nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được sửa chữa ảnh hưởng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân tại đây.

Các hạng mục xuống cấp có thể kể đến như là hệ thống PCCC báo cháy không chính xác, các tầng thương mại chưa được bàn giao thành nơi để rác, hạng mục cây xanh chưa hoàn thiện…

Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các luật sư để làm rõ vấn đề trên phương diện pháp lý.

Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý cho biết, sở dĩ có việc CĐT chây ỳ phí bảo trì của cư dân là do chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi này.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư. Đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Luật sư Kiên cho rằng, việc chủ đầu tư cố tình chiếm đoạt phí bảo trì là dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy Ban quản trị có quyền tố cáo hành vi của chủ đầu tư đến cơ quan công an.

Luật sư Hồng Ngọc  - Đoàn Luật sư Hà Nội thì cho rằng, để xử lý tận gốc tình trạng CĐT chây ỳ phí bảo trì thì cần phải lập một quỹ độc lập. Tiền quỹ bảo trì phải được đóng vào tài khoản ủy thác riêng ở ngân hàng, không ai sử dụng, sau khi ban quản trị được thành lập hợp pháp xong sẽ được tự động bàn giao cho ban quản trị.

Được biết, cư dân tòa nhà Westa đã làm nhiều đơn kiện CĐT COMA 18 về việc bàn giao sổ đỏ và quỹ bảo trì, và UBND TP.Hà Nội và Sở xây dựng đã có chỉ thị về việc yêu cầu Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) bàn giao sổ đỏ cũng như quỹ bảo trì cho cư dân, nhưng đến nay CĐT COMA 18 chưa có động thái tích cực nào khiến các hộ dân bắt buộc phải có biện pháp mạnh là căng băng rôn phản đối quanh tòa nhà để đảm bảo quyền lợi.

Cụ thể, tại Công văn số 1150 VP-ĐT của UBND TP.Hà Nội nêu rõ, về việc xem xét giải quyết đề nghị của ban quản trị chung cư Westa, Phó Chủ tịch UBND Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau: “Giao UBND Quận Hà Đông kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn Nhà đầu tư tòa nhà chung cư Westa thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư, giải quyết dứt điểm quỹ bảo trì tòa nhà chung cư, theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả cho UBND Thành phố”.

Xuân Tùng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến