Dòng sự kiện:
Chủ động, quyết liệt và hiệu quả
06/07/2019 08:01:19
Có thể xem đó là những nét khái quát nhất đối với công tác chỉ đạo, điều hành CSTT của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2019.

CSTT hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Trước tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến thuận lợi và thách thức đan xen, 6 tháng đầu năm ngành Ngân hàng đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng linh hoạt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, NHNN tiếp tục tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. CSTT được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Cụ thể, NHNN đã mua ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước, đồng thời, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở để trung hòa lượng tiền đưa ra từ việc mua ngoại tệ, từ đó ổn định thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT khác như giữ ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với các TCTD; thực hiện tái cấp vốn đối với các TCTD để cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt... góp phần kiểm soát tiền tệ, không tạo ra áp lực gia tăng lạm phát, hỗ trợ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất thị trường.

Chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế đạt đa mục tiêu

NHNN tiếp tục giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính. Kết quả, mặt bằng lãi suất trong 6 tháng đầu năm về cơ bản tiếp tục ổn định trong bối cảnh có nhiều sức ép gia tăng.

Không chỉ vậy, sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, hưởng ứng lời kêu gọi của Thống đốc NHNN, các NHTM Nhà nước đã tiên phong giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên với mức giảm khoảng 0,5%/năm. Bên cạnh đó, NHNN điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định thị trường và đảm bảo thanh khoản của các TCTD đã tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Tài chính phát hành trái phiếu Chính phủ.

Trong phối hợp chính sách tiền tệ - chính sách tài khoá, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và tăng cường quản lý thị trường vàng, qua đó ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, tính đến cuối tháng 6/2019, lạm phát bình quân 6 tháng tương đối ổn định ở mức 2,64% - thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 4% do Quốc hội đề ra; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87%; GDP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%.

Những kết quả đạt được của kinh tế vĩ mô đã góp phần cho các tổ chức xếp hạng nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam như: Fitch nâng triển vọng từ mức “Ổn định” sang “Tích cực” và tiếp tục duy trì mức xếp hạng BB (tháng 5/2019)​​; S&P lần đầu tiên sau 9 năm đã điều chỉnh nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB (tháng 4/2019).​ Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam xếp hạng 32/190, đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia - các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4.

Củng cố chất lượng dòng vốn

Tín dụng có thể được xem là một trong những điểm sáng trong điều hành của NHNN khi tiếp tục duy trì mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng. Cơ quan điều hành đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tín dụng lành mạnh. Trong đó ưu tiên chỉ tiêu cao hơn đối với TCTD thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016, TCTD có chất lượng hoạt động tốt tích cực tham gia cơ cấu lại, hỗ trợ các TCTD yếu kém.

Theo chỉ đạo của NHNN, TCTD tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, cho vay ngoại tệ…

Đặc biệt, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt góp phần đẩy lùi tín dụng đen như: Khảo sát tại một số địa phương để nắm bắt nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng của người dân, tổ chức các Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen; ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen.

Ảnh minh họa

NHNN cũng đã rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa… Đồng thời NHNN đang khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các tổ chức tài chính vi mô và hệ thống QTDND; chỉ đạo các TCTD dành nguồn vốn nhất định để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống chính đáng, cấp bách của người dân.

Đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt áp dụng các hình thức tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tối đacho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách, các chương trình tín dụng, sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng và cách thức tiếp cận vốn vay; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp…

Bên cạnh tín dụng thương mại, NHNN cũng chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội. Đến 31/5/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 196.341 tỷ đồng, tăng 4,55% so với 31/12/2018, với gần 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, tín dụng toàn Ngành tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 28/6/2019, tín dụng tăng 7,33% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát. Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.

Bên cạnh đó, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu (XLNX) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, theo đúng lộ trình, kế hoạch. Đối với riêng XLNX, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD ước đến tháng 6/2019 ở mức 5,39%, giảm so với mức 5,85% cuối năm 2018. Lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó XLNX nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng.

Dự báo những tháng cuối năm kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động từ căng thẳng thương mại và tiến trình Brexit bế tắc, giá dầu thô biến động mạnh; thị trường tài chính toàn cầu diễn biến phức tạp, sự đảo chiều chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của các quốc gia... Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp điều hành CSTT nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị Chính phủ giao, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh ngân hàng ngày càng hiệu quả.

Tính đến ngày 28/6/2019, tín dụng tăng 7,33% so với cuối năm 2018. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng trong tầm kiểm soát. Vì vậy, mặc dù những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn và được kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng cao, cho thấy tín dụng được phân bổ hiệu quả và có chất lượng.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến