Theo tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (mã chứng khoán: IDP) đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay dao động 7.800 - 8.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 17-20% so với mức 6.655 tỷ đồng của năm 2023. Với mục tiêu lợi nhuận sau thuế, công ty đưa ra kịch bản thấp là 850 tỷ đồng, tức giảm 5% so với năm trước và cao là 950%, tương ứng tăng 6% so với năm trước. EBITDA dự kiến đạt 1.250-1.350 tỷ đồng, tăng 2-10% so với mức 1.229 tỷ đồng của năm 2023.
Tại thời điểm cuối năm, tổng tài sản của công ty đạt 5.288 tỷ đồng, tăng 37,71%, tương đương 1.448 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn chiếm 3.573 tỷ đồng trong số này, tăng 33% so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả tính đến cuối năm ngoái là 2.253 tỷ đồng, tăng gần 11%.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy doanh thu thuần năm 2023 đạt 6.655 tỷ đồng, tăng 9,34% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế tăng 10,31% đạt 894 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty cho biết đây là mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh các công ty cùng ngành đều tăng hoạt động truyền thông, khuyến mãi (bao gồm giảm giá trực tiếp lẫn quà tặng đi kèm với tỷ lệ khuyến mãi ngày càng cao). Dù vậy, công ty vẫn ghi nhận thị phần gia tăng ở tất cả phân khúc chính tham gia thị trường gồm sữa trái cây (tăng 3%), sữa chua uống (tăng 0,3%) và ca cao lúa mạch (tăng 2%).
“Kết quả có được nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc quản lý hệ thống phân phối, giới thiệu thương hiệu mới, mở rộng phân khúc khách hàng cùng với duy trì hiệu quả đầu tư truyền thông, khuyến mãi ở các dòng sản phẩm hiện hữu”, báo cáo của ban lãnh đạo công ty viết.
Thành lập năm 2004 tại Hà Nội, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế sở hữu nhiều nhãn hiệu sữa quen thuộc với người tiêu dùng như LiF, Kun, Bavi, LOF. Công ty xây nhà máy thứ hai tại Ba Vì sau 6 năm và dần trở thành thương hiệu tầm trung có ảnh hưởng ở phía Bắc. Đến năm 2014, IDP nhận đầu tư 75 triệu USD từ VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) với hy vọng bật lên từ phân khúc tầm trung để lọt vào nhóm dẫn đầu trên thị trường. Tuy nhiên, khó khăn ập đến với doanh nghiệp này ngay sau khi nhận vốn đầu tư. Từ năm 2014 - 2018, công ty chỉ thoát lỗ duy nhất năm 2015. Phải đến năm 2019, công ty mới có lãi trở lại và bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Cũng theo tài liệu họp, công ty dự kiến đổi tên từ Công ty cổ phần Sữa Quốc tế thành Công ty cổ phần Sữa Quốc tế Lof, đồng thời thay đổi trụ sở chính từ Hà Nội vào Bình Dương.
Cổ phiếu của công ty đang giao dịch trên sàn UPCoM. Vùng giá hiện tại là 250.000 đồng và thường xuyên không có thanh khoản.
Mới đây, công ty đã bổ nghiệm ông Bùi Hoàng Sang làm Tổng giám đốc thay cho bà Đặng Phạm Minh Loan. Theo biên bản họp HĐQT trước đó, bà Loan khi còn đương nhiệm Tổng giám đốc đã thảo luận về việc thực hiện chiến lược tìm kiếm CEO chuyên nghiệp để điều hành công ty. Ứng viên được bà Loan tìm kiếm và tiến cử là ông Bùi Hoàng Sang, người đã làm việc cho công ty trong vai trò cố vấn chiến lược cho Tổng giám đốc từ 2023. Giữa năm 2023, bà Loan đã đề nghị bổ nhiệm ông Sang làm Tổng giám đốc nhưng chưa được HĐQT chấp thuận. Sau giai đoạn thể hiện năng lực tốt, kinh nghiệm phù hợp trong việc điều hành công ty thì ông Sang tiếp tục được bà Loan tiến cử làm Tổng giám đốc để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược phát triển công ty.
Kỳ hạn của ông Sang kéo dài 3 năm.
Tác giả: Minh Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy