Chủ tịch Bạch Ngọc Du đang đưa Cienco 5 đi về đâu?
06/05/2016 17:04:07
ANTT.VN – Từ năm 2013, khi ông Bạch Ngọc Du tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cienco 5, tình hình kinh doanh dần chững lại, doanh thu không đạt được kỳ vọng đề ra, chi phí giá vốn, lãi vay bào mòn lợi nhuận chỉ mang về còn 4-5 tỷ đồng mỗi năm – quá “bèo bọt” so với số vốn góp gần 500 tỷ đồng của chủ đầu tư.

Tin liên quan

Cái bóng của người tiền nhiệm

Gần 3 năm kể từ ngày ông Bạch Ngọc Du nhậm chức Chủ tịch HĐQT Cienco 5 cũng là quãng thời gian Cienco 5 bước vào quá trình thay da đổi thịt, chuyển đổi mô hình hoạt động từ Tổng công ty nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải sang mô hình công ty cổ phần.

Tuy nhiên, những dấu ấn mà chủ tịch Bạch Ngọc Du ghi dấu tại Cienco 5 không quá ấn tượng nhưng cũng đủ để ông tiếp tục được cất nhắc sang vị trí mới của Bộ chủ quản sau khi Nhà nước thoái vốn tại đây, nhưng quá trình nhường ghế của ông cũng không ít điều tiếng xung quanh.

Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Bạch Ngọc Du

Như ANTT.VN đã đề cập trong bài viết trước, khi ông Bạch Ngọc Du được Bộ trưởng Bộ GTVT điều chuyển công tác từ vị trí Chủ tịch CTCP Xây dựng 573 (công ty con của Cienco 5)  sang thay vị trí Chủ tịch HĐQT Cienco 5 của ông Thân Đức Nam hồi tháng 6/2013 đã trở thành tâm điểm dư luận khi đây được coi là trường hợp hiếm trong ngành giao thông được bổ nhiệm vượt cấp.

Khó khăn đầu tiên của chủ tịch Bạch Ngọc Du trong vai trò mới chính là cái bóng của người tiền nhiệm quá lớn. Cienco 5 chắc chắn sẽ không thể quên được những công lao của ông Thân Đức Nam – người đã gắn bó với Tổng công ty hơn một thập kỷ, giúp vực dậy Cienco 5 từ vũng lầy khủng hoảng nợ đọng ngân hàng, nợ lương hàng nghìn nhân viên, khi đó còn được ví như “người khổng lồ chân đất sét”… trở lại thời kỳ vàng son, đóng vai trò là  “Tổng 5” trụ cột của Bộ GTVT với những con số tăng trưởng ấn tượng về cả doanh thu và lợi nhuận.

Chi phí ăn mòn lợi nhuận, vay nợ gia tăng

Từ năm 2012 trở lại đây, kể từ thời điểm bắt đầu chủ tịch Bạch Ngọc Du tại nhiệm thì tình hình kinh doanh dần chậm lại, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sợ hữu ì ạch ở mức vài phần trăm, vay nợ ngày càng gia tăng.

Doanh thu Công ty mẹ Cienco 5 năm 2012 đạt mức 655 tỷ đồng nhưng sụt giảm mạnh vào năm 2013 chỉ còn 456,5 tỷ và bất ngờ lấy lại phong độ vào năm 2014 ở mức 1.066 tỷ đồng nhờ những hợp đồng xây lắp. Tuy nhiên xét theo kế hoạch doanh thu mà Cienco đề ra vào thời điểm cổ phần hóa đầu năm 2014 thì những con số trên đã hoàn toàn gây thất vọng với nhà đầu tư, doanh thu thực hiện năm 2014 chỉ đạt chưa đầy 36%, nửa đầu năm 2015 cũng mới thực hiện được gần 10% kế hoạch năm (doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 đạt 411 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, với đặc thù của ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, tỷ  trọng chi phí giá vốn trên doanh thu thuần luôn ở mức cao trong cơ cấu chi phí và chiếm tới 87,5 – 93,1% tổng chi phí của Công ty.

Chi phí tài chính cũng rất lớn do: Vốn chủ sở hữu của Cienco mới dừng ở mức 443 tỷ đồng nhưng chủ yếu đầu tư vào các Công ty con, Công ty liên kết, Công ty có vốn đầu tư dài hạn lên tới 215,745 tỷ  đồng - chiếm 49,14%  VCSH. Mặt khác Công ty còn tồn tại nhiều khoản công nợ phải thu có giá trị lớn hơn 200 tỷ chiếm phân nửa vốn đầu tư của chủ sở hữu nên vốn dành cho hoạt động SXKD chủ yếu là vốn vay.

Các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn của Cienco 5 tăng liên tục trong giai đoạn 2013 - 2015. Tính đến ngày 30/06/2015, Cienco 5 ghi nhận nợ phải trả lên tới 1.990 tỷ đồng – gấp 4,5 lần VCSH, riêng khoản vay ngắn hạn là 495 tỷ và vay nợ dài hạn là 1.014 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2013 lần lượt là 234 tỷ vay ngắn hạn và 308 tỷ vay dài hạn.

Với cơ cấu chi phí và những tồn tại nêu trên đã  ảnh hưởng rất lớn tới  hiệu quả SXKD của Công ty.

Hệ quả tất yếu dẫn tới lợi nhuận mà Tổng công ty thu về luôn ở mức thấp (lợi nhuận năm 2013 là 3,8 tỷ và năm 2014 là 4,8 tỷ, trong khi mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra trước đó cho năm 2014 là 88 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu lẹt đẹt ở mức 3,1% năm 2013, sang năm 2014 giảm về 1,2%.

Đại gia Hải Phát nôn nóng “mua hớ” cổ phần

Nửa năm sau khi nhậm chức, chủ tịch Bạch Ngọc Du đã gấp rút thực hiện phương án cổ phần hóa mà Bộ GTVT đề ra tuy nhiên kết quả lại diễn ra không được suôn sẻ như sự kỳ vọng của Bộ GTVT.

Theo kế hoạch ban đầu, Cienco 5 dự kiến IPO 14,2 triệu cổ phần, tương đương 32,38% vốn điều lệ. Kết thúc đợt chào bán, Cienco 5 chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần (tỷ lệ đấu giá thành công là 13,35%) cho 8 nhà đầu tư (chỉ có 1 NĐT tổ chức), thu về cho Nhà nước tổng giá trị 19,2 tỷ đồng.

Kịch bản này không quá bất ngờ khi cùng thời điểm, nhiều doanh nghiệp của Bộ GTVT, đặc biệt là các Cienco "thời ra ở riêng" luôn gặp khó khăn.

Sau phiên IPO, Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ phương án bán cổ phần theo lô để giảm tỷ lệ sở hữu về mức 35% theo dự định ban đầu.

Theo đó, hồi cuối tháng 12/2015 vừa qua, phiên đấu giá trọn lô Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 -CTCP (Cienco 5) đã diễn ra suôn sẻ, giá trị lô CP bán được cao gần gấp đôi giá khởi điểm (giá khởi điểm đưa ra là 10.010 đồng/CP). Trong ba nhà đầu tư được lựa chọn kỹ lưỡng theo những tiêu chuẩn cao mà Cienco 5 đưa ra, CTCP Đầu tư Hải Phát đã nhanh tay bỏ giá cao gấp đôi giá khởi điểm để sở hữu 10.176.000 cổ phần – tương ứng 23,18% vốn của Cienco 5.

Động thái này khiến phiên đấu giá trọn lô thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi so sánh với Cienco 6 – doanh nghiệp “đồng hạng” và có nhiều điểm chung với Cienco 5 cũng đấu giá theo lô 45,695 triệu CP nhưng giá đấu thành công chỉ nhỉnh hơn giá khởi điểm rất ít.

Sức hút nào của Cienco 5 khiến Hải Phát nhanh tay mua cổ phần, vượt mặt cổ đông lớn Nam Trí?

Sức hút nào đã khiến Hải Phát nôn nóng ôm trọn lô cổ phiếu, vượt mặt CTCP Nam Trí – đại gia đã đánh tiếng thâu tóm mua lại toàn bộ 63,18% vốn Nhà nước trước đó ngoài thế mạnh là công ty duy nhất của Bộ GTVT hoạt động trên lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông nằm trên địa bàn Miền Trung và Tây Nguyên?

Hoa Liên 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến