Dòng sự kiện:
Chủ tịch Quốc hội: 'Bạo lực tinh thần còn khủng khiếp hơn nỗi đau thể xác'
01/06/2022 07:56:58
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát, nhận diện đầy đủ hơn hành vi bạo lực gia đình để quy định trong luật.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều nay 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Quy định phải chặt, chế tài phải nghiêm

Phát biểu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu và có báo cáo giải trình kịp thời về các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Việc cung cấp cả luật hiện hành, dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và bản trình Quốc hội để đại biểu đối chiếu, so sánh là cách làm cầu thị và thực tế dự thảo được Quốc hội thảo luận hôm nay tiến bộ và đầy đủ hơn.

Đánh giá việc nhận diện hành vi bạo lực gia đình đã có nhiều thay đổi, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, thể hiện cho đầy đủ. “Không chỉ thể chất mà còn tinh thần. Nỗi đau thể xác đã khủng khiếp thì nỗi đau tinh thần còn khủng khiếp hơn” – ông nói.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn luật thể hiện rõ hơn vấn đề Phòng và Chống. Phòng bao giờ cũng là cơ bản, đi trước, còn Chống phải cương quyết. Tuy nhiên, cho đến giờ đọc dự thảo luật có vẻ thấy chưa thoã mãn lắm về biện pháp, giải pháp phòng ngừa.

“Làm thế nào để người ta không dám, không thể thì phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về các đối tượng liên quan. Để “không thể” thì quy định phải chặt chẽ, còn để “không dám” thì chế tài phải nghiêm. Cần đầu tư nhiều hơn nữa giải pháp về phòng ngừa, rồi quan hệ giữa phòng và chống. Luật ra đời có tạo chuyển biến căn bản hay không là vấn đề đáng suy nghĩ” – ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời lưu ý vấn đề phát huy vai trò xã hội nói chung trong công tác này, trong đó có các thiết chế trong hệ thống chính trị. Bởi có việc tất cả các cơ quan đều vào, nhưng có vụ do báo chí, dư luận phát hiện thì lại lúng túng trong xử lý, ai trách nhiệm chính, ai trách nhiệm phối hợp. Do đó cần nghiên cứu từ thực tiễn sinh động ở cơ sở, ở địa phương để có quy định sát với cuộc sống.

“Đưa lên mạng bêu tên còn khủng khiếp hơn”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước tiếp cận vấn đề phòng chống bạo lực gia đình từ rất sớm, Luật hiện hành ra đời từ 2007 đã tạo chuyển biến nhận thức ở các cấp chính quyền và người dân.

Tuy nhiên, thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập. Báo cáo của Chính phủ cho thấy hơn 90% trường hợp bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự giúp đỡ; nhiều trẻ em bị xử phạt quá mức mà phụ huynh không nhận thức rõ đó là bạo lực gia đình. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật cần thực hiện tốt hơn.

“Đề nghị bổ sung hành vi bạo lực gia đình trên không gian mạng. Nhiều khi không hài lòng với nhau lại đưa lên mạng bêu tên thì còn khủng khiếp hơn trong nội bộ gia đình. Bản thân từng người rất ngại khi người khác biết được nỗi khổ của bản thân. Cần thiết bổ sung thêm hành vi này” – nữ đại biểu đề nghị.

Đề cập phòng ngừa bạo lực gia đình, bà Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, dự thảo thể hiện cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành hòa giải, các loại hình hòa giải và đặc biệt là có góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, theo đại biểu, hòa giải, góp ý phải xuất phát từ mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử để gia đình hạnh phúc, làm sao hướng đến khi quay lại gia đình êm ấm chứ không phải khiến người ta không nhìn mặt nhau, thậm chí dẫn đến “bạo lực kép”, do đó nên cần cân nhắc.

Để bảo vệ người bị bạo lực gia đình, dự thảo quy định cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã; cấm tiếp xúc theo quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng; giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Song, đại biểu băn khoăn tại sao lại bắt giữ khoảng cách 50m trở lên trong khi “nửa vòng trái đất cũng có thể có hành vi bạo lực gia đình qua không gian mạng”.

Nữ đại biểu cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần có sự phối hợp liên ngành, nhất là vai trò các hội như Người coa tuổi, bảo vệ quyền trẻ em… cần được ghi nhận trong luật vì “thời gian gần đây nhiều người cao tuổi, trẻ em bị đánh đập, bỏ mặc”.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Quang (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh, bạo lực gia đình không chỉ là hành vi giữa vợ - chồng mà còn cha mẹ - con cái, rồi thói quen ứng xử, dạy dỗ con cái vượt quá phạm vi giáo dục, sự xuống cấp đạo đức ở giới trẻ gây tổn thất cả vật chất và tinh thần cho cha mẹ.

Bày tỏ đồng tình với cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Xã hội rằng việc sửa đổi các quy định về biện pháp cấm tiếp xúc là cần thiết để khắc phục tồn tại, hạn chế trong việc triển khai biện pháp này. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo quan tâm về khả năng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc cho một số nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…/.

Tác giả: Ngọc Thành

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến