Chủ tịch Thuận Thảo cho không công ty 104 tỷ đồng?
02/03/2015 15:31:54
ANTT.VN - Liệu rằng “người đàn bà thép” Võ Thị Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo) có thực tâm sẵn sàng “ra tay trượng nghĩa” cứu giúp công ty mà thực tế cá nhân bà chỉ nắm giữ có 23,13% cổ phần?

Mới đây, Công ty cổ phần Thuận Thảo (HOSE: GTT) đã tiến hành công bố Báo cáo tài chính Quý IV năm 2014. Theo đó, trong kỳ, Thuận Thảo đã ghi nhận mức lỗ 463 triệu đồng, làm cho lợi nhuận lũy kế cả năm của Công ty chỉ đạt 843 triệu đồng, giảm 16% so với 2013. Như vậy, so sánh với mục tiêu lợi nhuận sau thuế lên tới 38 tỷ đồng được GTT nêu ra tại Đại hội cổ đông 2014 thì kết thúc năm Công ty mới chỉ đạt… 1,22% kế hoạch năm.

Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo (Ảnh: Internet)

Đáng chú ý, tiến hành tìm hiểu kỹ hơn Báo cáo tài chính trên, phóng viên ANTT.VN nhận thấy xung quanh khoản lợi nhuận cực kỳ khiêm tốn ấy còn có rất nhiều chi tiết “khá thú vị”.

Thoát lỗ như cổ tích: “Bổn cũ soạn lại”

Quý IV năm 2013, thị trường từng một phen ngỡ ngàng khi bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuận Thảo quyết định hào phóng xóa đi khoản nợ lên tới 79,326 tỷ đồng mà chính bản thân đã cho doanh nghiệp này vay.

Nhờ hành động đầy “hiệp nghĩa” trên của nữ Chủ tịch, khoản mục Lợi nhuận khác của GTT trong năm 2013 đã tăng vọt tới 22,7 lần từ mức 3,62 tỷ đồng trong 2012 lên thành 83,352 tỷ đồng. Và cũng nhờ đó, kết thúc năm, Thuận Thảo mới có thể báo lãi… 703 triệu đồng; nên nhớ rằng trên mảng hoạt động kinh doanh chủ lực của mình Công ty đã báo lỗ tới 82,349 tỷ đồng.

Vậy mới thấy, để đạt được khoản lợi nhuận siêu khiêm tốn 703 triệu đồng, tương đương với 1,07% kế hoạch năm trên thì “dấu ấn” của nữ Chủ tịch có biệt danh “người đàn bà thép” đã rõ nét đến mức nào.

Tưởng chừng như việc thoát lỗ đầy cổ tích đó sẽ tạo ra một động lực mới giúp GTT mạnh dạn hơn, vững chắc hơn trong các kế hoạch kinh doanh, kiếm lãi cao, lấy tiền chia cổ tức cho các cổ đông (Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2014 của GTT, Công ty lên kế hoạch dành tới 77% khoản lợi nhuận sau thuế mục tiêu là 38 tỷ đồng để Chia cổ tức, bù đắp cho việc trong năm 2013, các cổ đông “trắng túi” do lợi nhuận gần như không đáng kể) thì kết thúc năm 2014, mọi chuyện lại một lần nữa “bổn cũ soạn lại”.

Lợi nhuận sạu thuế của GTT trong 2014 thậm chí còn “thoi thóp” hơn hẳn so với con số vỏn vẹn có 1 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đã báo lãi một năm trước đó.

Cụ thể, theo Báo cáo tài chính mới được công bố, cả năm 2014, hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo đã bị lỗ tới 134,381 tỷ đồng.

Nhưng… một lần nữa, chuyện cổ tích lại xuất hiện, khi mà “người đàn bà thép” Võ Thị Thanh lại hóa “bụt” khi tiếp tục xóa nợ cho công ty số tiền 24,655 tỷ đồng.

Khoản mục Lợi nhuận khác tưởng chừng như “chuyện ngoài chính sử” lại hóa “chủ lực quân” kéo về cho GTT số tiền lên đến 135,225 tỷ đồng. Trong phạm vi các thông tin được trình bày trên Báo cáo tài chính, ngoài khoản thu gần 25 tỷ đồng từ việc xóa nợ của bà Thanh, chưa rõ điều gì đã làm nên khoản Lợi nhuận khác vời vợi ấy?!

Nhưng có một điều rất rõ ràng, chính các khoản Lợi nhuận khác đã góp sức gánh gồng giúp cho Lợi nhuận của của Công ty cổ phần Thuận Thảo vẫn được ghi bằng một bút toán dương.

Dấu hỏi về lòng “trượng nghĩa”

Lợi nhuận “bèo bọt” và cũng may mắn tới thần kỳ mới có thể báo lãi vài trăm triệu như đã nói nhưng xét về mặt quy mô tài sản thì tầm vóc của Thuận Thảo lại chẳng phải tầm thường.

Tính đến 31/12/2014, Tổng tài sản của Công ty Cổ phần Thuận Thảo đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước; trong khi Nguồn vốn chủ sở hữu gần như không suy suyển (2013 là 451,31 tỷ đồng và 2014 là 450,83 tỷ đồng) thì Nợ phải trả của GTT đã tăng đáng kể trong năm từ mức 1.125 tỷ vào đầu năm lên thành 1.189 tỷ đồng.

Cũng theo Báo cáo tài chính, Công ty cổ phần Thuận Thảo có Vốn điều lệ 435,03 tỷ đồng, trong đó bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT nắm giữ 10.062.000 cổ phần, tương ứng giá trị 100,620 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 23,13%.

Quay trở lại vấn đề xóa nợ cho Công ty của bà Thanh, như đã trình bày, trong 2 năm liên tiếp, nữ Chủ tịch này đã liên tiếp xóa đi tổng cộng tới 104 tỷ đồng khoản tiền mà bản thân đã cho Công ty vay, tức là lớn hơn hẳn giá trị cổ phần mà nữ tướng này đang sở hữu tại Công ty.

Như vậy, tại sao bà Thanh không yêu cầu Công ty phát hành cổ phiếu để cấn trừ khoản nợ trên, chuyển đổi số tiền đã cho Công ty vay thành vốn cổ phần, nâng cao tỷ lệ sở hữu của mình tại GTT như rất nhiều trường hợp khác đã tiến hành?

Liệu rằng nữ Chủ tịch này có thực tâm sẵn sàng “ra tay trượng nghĩa” cứu giúp công ty mà thực tế cá nhân bà chỉ nắm giữ có 23,13% cổ phần?

Chắc chắn không thể tránh khỏi việc dư luận dấy lên những câu hỏi về GTT cũng như các quyết định của nữ Chủ tịch có biệt danh “người đàn bà thép” này và câu trả lời thì có lẽ cũng chỉ những người trong cuộc mới có!

Chỉ biết rằng việc xóa nợ trên có quan hệ sống còn tới kết quả kinh doanh cũng như “nhan sắc” của bản Báo cáo tài chính được công bố và điều này thì lại có rất nhiều hệ lụy.

Xung quanh Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Thuận Thảo còn rất nhiều vấn đề khác mà ANTT.VN sẽ tiếp tục chia sẻ với quý bạn đọc trong các kỳ sau!.

Ninh Giang – Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến