Dòng sự kiện:
Chưa “cởi trói” cho người đồng tính
27/06/2015 07:29:52
ANTT.VN – Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, trong khuôn khổ buổi thảo luận hội trường về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhiều đại biểu tham gia góp ý cho Điều 36 của dự thảo Bộ luật. Theo đó, nếu Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì những người đồng tính sẽ là đối tượng nằm ngoài phạm vi quản lý của pháp luật.

Tin liên quan

 Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) - ảnh: quochoi.tv

Khoản 1 và 2 của Điều 36 Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: "Cá nhân có quyền xác định lại giới tính", "Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính". Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), quy định trên là không phù hợp, vì xác định giới tính và chuyển đổi giới tính là hai vấn đề khác nhau. Hiện tại cũng chưa có quy định của pháp luật về xác định lại giới tính. “Vì vậy, đề nghị tách Điều 36 thành hai điều luật về xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính” – đại biểu Hùng đề nghị.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng Khoản 2: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng trường hợp hợp cá nhân đã có chuyển đổi giới tính, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác theo quy định – là mâu thuẫn, quy định như vậy sẽ khuyến khích tình trạng tạo ra sự đã rồi, buộc pháp luật phải thừa nhận.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng phản ánh: “Về nguyên tắc, nếu nhà nước đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới thì đương nhiên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không cho phép thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo giới tính mới. Do đó, quy định tại Khoản 2, đoạn 2 là thừa và không khả thi”.
Để có góc nhìn rõ hơn về vấn đề chuyển giới, đại biểu Vinh đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số vấn đề như sau: Một là, dưới góc độ quyền con người, nếu không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì chúng ta có vi phạm không.; Hai, thực tiễn xã hội hiện nay đã tồn tại người chuyển đổi giới tính, nếu nhà nước không thừa nhận họ, tức là họ tiếp tục phải sống ở ngoài vùng phủ sóng về pháp luật. Vậy họ tham gia và hòa nhập vào các hoạt động của xã hội như thế nào. Các chính sách về y tế, an sinh xã hội có tác động tới họ hay không?; Ba là việc thực thi pháp luật về tố tụng hình sự đối với những người chuyển giới tính sẽ được giải quyết như thế nào như về vấn đề tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù; Bốn là tác động đối với kinh tế xã hội, sức khỏe nòi giống và đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc như thế nào nếu công nhận cho phép chuyển giới tính.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn về tính công bằng của điều khoản này. Ông cho rằng: “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nếu hiểu theo hướng người đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực thì được hưởng các quyền như Khoản 1, nếu vậy thì nó sẽ không công bằng với những người chuyển đổi giới tính sau khi luật này có hiệu lực và chắc chắn hiện tượng này sẽ có và tiếp tục, như thế họ cũng sẽ không đồng tình”.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) - ảnh: quochoi.vn

Ủng hộ việc công nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng trong giới hạn, đại biểu Tám khẳng định: “Trên thực tế việc chuyển đổi giới tính đã và đang diễn ra, đòi hỏi pháp luật phải điều chỉnh. Việc chuyển đổi giới tính cũng là vấn đề thuộc về quyền con người và quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Về mặt lý luận, pháp luật ra đời để điều chỉnh những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, thừa nhận cũng như bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Vì thế, tôi đề nghị thừa nhận quyền này của cá nhân và sửa lại Khoản 2, Điều 36 theo hướng: "trong những trường hợp đặc biệt, việc chuyển đổi giới tính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cá nhân đã chuyển đối giới tính có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác theo quy định tại Khoản 1, điều này". Như vậy, chúng ta thừa nhận nhưng chúng ta có giới hạn, những trường hợp đặc biệt thì cho chuyển đổi, nhưng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Có quan điểm rõ ràng và táo bạo hơn, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) đề nghị nên công nhận việc chuyển đổi giới tính, “…bởi trên thực tế có những người do tự nhiên sinh ra tuy hình hài giới tính này những bản chất giới tính lại khác, do đó họ đã lặn lội sang Thái Lan để chuyển đổi giới tính. Nếu không thừa nhận thì dẫn đến pháp luật không phù hợp”.

Đại biểu Phương cũng đề cập đến vấn đề công nhận hôn nhân đồng giới. Đại biểu cho rằng: một mặt quy định nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng mặt khác lại quy định quyền của người đã chuyển đổi giới tính được yêu cầu cơ quan nhà nước thay đổi hộ tịch và có quyền nhân thân khác có liên quan (bao gồm quyền kết hôn đồng giới) là chưa chặt chẽ. “Vì vậy, tôi đề nghị nếu đã không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính thì cũng không cho phép được thay đổi hộ tịch và các quyền nhân thân khác. Còn nếu chấp nhận thì nên quy định chặt chẽ trong luật, không nên quy định chung chung và vênh nhau ngay trong một điều luật” – đại biểu Phương kiến nghị.
Hoàng Yến
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến