Dòng sự kiện:
Chưa đủ cơ sở xác định vùng đáy, tiền lớn chưa vào
31/05/2022 10:31:29
Chuyên gia dự báo thanh khoản có tăng trở lại thì cũng chỉ ở khoảng 20.000 - 22.000 tỷ đồng, chứ khó bùng nổ như trước là 30.000 tỷ đồng.

Lý giải dòng thanh khoản sụt giảm

Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 22, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Giám đốc kinh doanh Hội sở CTCK SSI nhìn nhận, thị trường chứng khoán như mảnh đất màu mỡ trong năm 2020-2021, mang lại vụ mùa bội thu thì đến thời điểm hiện nay cần được bình lặng, xới tạo lại đất.

Bà Dung nhận định, khả năng thời tới thị trường vẫn biến động nhưng trong biên độ hẹp, thay vì giảm sâu như tháng 4.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng đánh giá năm nay tương đối khó khăn, nhìn lại năm 2020-2021 thị trường vẫn có những đợt giảm điểm, như trong tháng 7/2020, tháng 7/2021 nên khó có thể nói các vụ mùa trước là tốt hẳn. Còn năm nay, có nhiều đợt gió ngược, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8 tình hình vẫn còn khó khăn. Tuỳ vào góc nhìn mỗi người, có người thấy cơ hội, cũng có người gặp khó khăn.

Mới đây, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý vừa công bố báo cáo hoạt động với nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó quỹ VEIL của Dragon Capital tăng tỷ trọng tiền tại quỹ ở mức 5,77% ngày 5/5.

Hiện quy mô gần 2,4 tỷ USD, giá trị tiền mặt tương ứng đạt 137,8 triệu USD (khoảng 3.176 tỷ đồng) – mức tỷ trọng tiền mặt cao thứ 2 mà VEIL nắm giữ từ 2020 đến nay, sau mức 6,38% tại tháng 5/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Con số trên khiến một số bộ phận nhà đầu tư cho rằng, các nhà đầu tư tổ chức đang có góc nhìn ngày càng thận trọng hơn.

Theo ông Hưng, tỷ lệ này có thể gọi là cao nhất sau Covid nhưng cũng là trên 5% trong khá nhiều thời điểm giai đoạn vừa qua. Nếu nhìn bình diện thế giới, thì khảo sát của Ngân hàng Bank of America (BofA) gần đây cũng cho thấy, tỷ lệ tiền mặt các quỹ lớn trên thế giới đâu đó cũng trên 6%, tương đồng với xu hướng thế giới.

“Nói vui thì bất cứ khi nào thị trường giảm, kể cả không làm gì thì tỷ lệ tiền mặt chúng ta tăng, vì tổng tài sản chúng ta giảm”, ông Hưng .

Liên quan đến vấn đề thanh khoản thị trường cơ sở đang rất thấp, liên tục đi dưới đường trung bình và nhỏ hơn thị trường phái sinh đang diễn ra sôi động, bà Dung cho rằng, thị trường muốn lên được cần có dòng tiền đi vào mạnh mẽ. Nhìn từ năm 2018 đến nay – từ khi có thị trường phái sinh, cứ khi TTCK cơ sở điều chỉnh thì phái sinh có sự tăng trưởng, hiện giao dịch hợp đồng phái sinh trung bình bình quân 20 phiên khoảng 322.000 hợp đồng, tương ứng khoảng 38.000 tỷ đồng giá trị danh nghĩa, tăng so với trước ở mức 137.000 hợp đồng, tương ứng 2,5 lần. Cú giảm 2018 của thị trường cơ sở, thanh khoản thị trường phái sinh cũng tăng 2,5 - 2,7 lần.

Dòng tiền giảm trên cơ sở do một phần từ phái sinh, nhưng cốt yếu hơn, là dòng tiền từ các doanh nghiệp có lượng tiền chưa thể đưa vào hoạt động kinh doanh do đại dịch Covid, thì rót vào thị trường chứng khoán trong 2 năm qua, đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán, quay lại sản xuất kinh doanh khi kinh tế phục hồi. Ngoài ra, tỷ lệ tiết kiệm người dân đang tăng lên khi lãi suất nhích lên, cũng hút bớt dòng tiền.

Bên cạnh đó, một số chính sách, hành động từ phía cơ quan quản lý làm rất mạnh mẽ trong thời gian qua để thị trường tài chính, thị trường bất động sản minh bạch hơn, cũng tác động đưa dòng tiền chảy có “trật tự” hơn.

Theo bà Dung, đây là các nguyên nhân chính lý giải cho hiện tượng thanh khoản trên thị trường cơ sở sụt giảm.

Bởi vậy, dòng tiền cơ sở giảm cũng là phù hợp, cũng bởi điều này, bà Dung cho rằng, sắp tới, thị trường thanh khoản ở khoảng 20.000 - 22.000 tỷ đồng (so với hiện nay 15.000 tỷ đồng), thay vì bùng nổ như trước là 30.000 tỷ đồng. Khi quay lại thanh khoản như vậy, thì thị trường có thể quay lại như 2019 - tức sau đợt giảm sâu có những con sóng lên và sóng xuống.

VN-Index đã tạo đáy?

Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là thị trường đã tạo đáy hay chưa. Theo các chuyên gia, về mặt kỹ thuật, có thể xem VN-Index tạo đáy ở 1.200 điểm, sau khi có cú nhúng về 1.160 điểm trong tháng 5, đã tạo 2 đáy, thì có thể đi lên.

Bà Dung cho rằng, trong phân tích kỹ thuật, đúng là VN-Index đang tạo 2 đáy, nhưng thị trường thực tế khi nào tạo đáy và đi lên rồi thì mình mới biết đó là đáy. Hiện thanh khoản thị trường còn khá thấp cho thấy niềm tin nhà đầu tư chưa đủ mạnh, lượng tiền lớn vẫn đang nằm ngoài thị trường, chưa tham gia ngay. Nên để xác định vùng đáy thì chưa đủ cơ sở, nên nếu có giải ngân thì cần tính toán và giải ngân từng phần.

Ông Hưng đồng quan điểm và cho rằng: "Nếu giai đoạn này nhất định phải dò đáy thì cứ ném đá dò đường, đừng ném vàng, ném kim cương, ném sổ đỏ dò đường".

Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn này khi giải ngân cần thận trọng, chia ra từng đợt

Nhiều ý kiến phân tích về thị trường giảm trong thời gian qua, trong đó có các ý kiến Việt Nam đang diễn ra một Minsky Moment (khoảnh khắc Minsky - sự sụp đổ đột ngột). Theo đó, có một khắc mà hệ thống tài chính di chuyển từ trạng thái ổn định sang bất ổn, khoảnh khắc này là do các nhà đầu tư sử dụng nợ vay buộc phải bán các tài sản của mình để trả nợ vay, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trên thị trường tài chính.

Một số ý kiến cho rằng, thị trường đầu cơ giá lên suốt thời gian qua được xây dựng trên nền tảng lớn của nợ vay, nên khi chính sách siết chặt trái phiếu và thanh tra, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực chứng khoán, cộng thêm bất ổn thế giới khiến cho khoảnh khắc Minsky được kích trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phạm Lưu Hưng, những diễn biến thị trường Việt Nam năm 2022 không có vấn đề gì liên quan đến Minsky Moment, vì các yếu tố Việt Nam khá tốt. Minsky Moment liên quan đến mối quan hệ nợ và thu nhập, trong khi những con số này của Việt Nam không quá xấu.

Về thị trường thế giới, trong quá khứ, Minsky Moment đã xảy ra trên thị trường tài chính thế giới năm 1998 và năm 2008, còn năm 2022, về góc nhìn vĩ mô thì hệ thống tài chính thế giới sau khủng hoảng lớn năm 1998, 2008, đã có sự điều chỉnh lớn, khả năng chống chịu tốt hơn.

"Fed ở thời điểm này không có nhiều sự lựa chọn, trong trường hợp này là chọn tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống, còn nếu không chọn tăng lãi suất thì ta sẽ có Minsky Moment, và nhiều điều sẽ xảy ra", ông Hưng phân tích.

Ngoài ra, khi VN-Index giảm điểm nhanh vùng 1.530 điểm xuống dưới 1.200 điểm, lượng margin bị giảm đi do nhiều biến động lớn khiến các nhà đầu tư bán tháo và bị giải chấp.

Theo quan điểm của bà Dung, thời gian qua lượng tiền margin đã giúp cho thị trường tăng trưởng vượt bậc. Chính vì lượng tiền margin quá lớn so với tiền mặt nên thị trường mới rơi sâu và nhanh đến vậy. Lịch sử thường có 2 - 3 phiên sàn sau đó sẽ hồi 5-10%, nhưng đây là lần đầu tiên thị trường rơi, hồi rất nhẹ rồi lại rơi. Điều này đã xảy ra 4 lần trong giai đoạn thị trường giảm điểm vừa rồi.

Hơn nữa, dòng tiền margin không chỉ đến từ các công ty chứng khoán, còn đến từ các đơn vị tín dụng độc lập đến từ bên ngoài. Tỷ lệ margin của các CTCK so với thời điểm đỉnh điểm đã giảm 20-30%, lượng margin đã rơi về mức khá cân bằng.

Về lựa chọn cổ phiếu giai đoạn này, bà Dung cho rằng, nhà đầu tư nên chọn doanh nghiệp tốt, giá giảm sâu về Book Value hoặc các doanh nghiệp có EPS tăng trưởng. Đặc biệt, không nên đặt tỷ trọng cao, phân bổ nhiều tiền vào những doanh nghiệp đã có kết quả thua lỗ.

Tác giả: Nhã An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến