Dòng sự kiện:
Nhà đầu tư mạnh tay bắt đáy, VN-Index tăng 80 điểm
26/04/2022 17:28:26
Nếu tính từ mức đáy 1.261 điểm thiết lập trong phiên sáng thì hôm nay VN-Index đã lội ngược dòng tới 80 điểm, mức kỷ lục trong một phiên

Nếu so với mốc tham chiếu thì hôm nay VN-Index đóng cửa chỉ tăng hơn 30 điểm, con số không hề ấn tượng nếu so với ngay mức đáy trong phiên sáng, nhưng dù sao đây cũng là phiên tăng tốt thứ hai kể từ đầu năm tới nay, sau khi phiên 25/1 ghi nhận mức tăng gần 40 điểm.

Cú nước rút kinh điển tạo ra trong phiên hôm nay chưa thể tạo ra sự hưng phấn cho các nhà đầu tư, trừ những người bắt đáy thành công trong phiên sáng, bởi thực tế chỉ là phiên hồi phục mạnh sau đà giảm sâu. Dù sao đây là kết quả rất tích cực bởi nếu thị trường không hồi phục thì hệ lụy sẽ rất lớn, không riêng với chứng khoán.

Nói như vậy là bởi, nhiều cổ phiếu sau chuỗi rớt điểm dài đã về giá dưới 10.000 đồng/CP, điều này có nghĩa các kế hoạch phát hành tăng vốn khó có thể thực hiện thành công. Nhiều cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo do rớt giá quá mạnh sẽ được bên cho vay yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo, điều này không hề dễ khi những khó khăn từ đại dịch Covid-19 chưa qua đi,...

Đây chỉ là ví dụ ngắn về tác động tiêu cực của thị trường chứng khoán tới hoạt động doanh nghiệp, còn về bản chất thị trường vốn giờ đã rất lớn, với hàng triệu người tham gia, những nhà đầu tư chuyên nghiệp chấp nhận lời ăn lỗ chịu không nhiều, còn với nhiều nhà đầu tư mới vì một lý do nào đó mà gom góp tiền tiết kiệm thì hệ lụy là vấn đề xã hội.

Thị trường chứng khoán trong chỉnh thể chung cùng với tín dụng và trái phiếu tạo thành thị trường tài chính, là huyết mạch nền kinh tế. Những cuộc khủng hoảng nếu bắt đầu từ thị trường tài chính thường có mức độ tác động rất ghê gớm.

Với thị trường hôm nay, những thông điệp từ Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và thông tin phân tích từ các cơ quan truyền thông chính thống đã thực sự giúp cho nhà đầu tư yên tâm hơn để mua trở lại. Một phiên chưa nói được nhiều điều, nhưng ít nhất cũng đã củng cố hơn niềm tin rằng kinh tế đang tốt trở lại thì chứng khoán khó có thể rơi sâu, và rơi sâu là cơ hội mua vào.

Những động thái làm trong sạch thị trường vừa qua chỉ có tính tác động tiêu cực ngắn hạn, còn về dài hạn chứng khoán phải gắn với sức khỏe của nền kinh tế mà cốt lõi chính là sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 338 mã tăng (53 mã tăng trần) và 105 mã giảm, VN-Index tăng 30,42 điểm (+2,32%), lên 1.341,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 727,6 triệu đơn vị, giá trị 21.004 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54,4 triệu đơn vị, giá trị 1.810,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn, bluechip trong rổ VN30 chỉ còn VCB và VJC giảm nhẹ 1,5%, cùng MSN về tham chiếu.

Còn lại đều tăng điểm, trong đó, VRE đã tăng kịch trần +6,9% lên 31.050 đồng, SAB dù để mất sắc tím, nhưng vẫn còn tăng mạnh +6,7% lên 169.000 đồng.

Các cổ phiếu khác như HDB +4% lên 24.500 đồng, GAS +4,3% lên 109.000 đồng, MBB +4,4% lên 29.350 đồng, POW +4,4% lên 13.000 đồng, BVH +5,6% lên 61.900 đồng, VPB +6,3% lên 36.400 đồng.

Các cổ phiếu KDH, STB, VIC, PLX, MWG, SSI, BID, VHM, VNM tăng từ 2,1% đến 3,8%. Trong khi HPG, TCB, PNJ, FPT, ACB, NVL nhích nhẹ.

Thanh khoản phiên này HPG và VPB cao nhất và cũng dẫn đầu HOSE với 23,2 triệu và 22,6 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với đa phần là các mã bất động sản, xây dựng, FLC, ROS, ITA, DIG, HQC, BCG, ASM, HBC, NLG, LDG, AMD, DLG, HAI, JVC, PVD, …đều đã tăng kịch trần, khớp từ 2,4 triệu đến hơn 14,3 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu TCH, HNG, PAN, TLD, TTF, GMD, DCM, HHS, DPM, HCD, DLG, DPG, HAG tăng từ hơn 5% đến 6,8%.

Sắc xanh khác còn tại GEX, CII, DXG, KBC, VCG, PVT, APH, SCR, AAA...tăng từ trên dưới 2% đến 4%, khớp lệnh thuộc top cao nhất HOSE với khối lượng từ 4,85 triệu đến hơn 15,1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác, phiên này ngoài các cổ phiếu ngân hàng đồng thuận cao thì nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán nổi bật hơn hẳn, với VND, APG, TVB đều đã tăng kịch trần, trong đó, VND khớp lệnh hơn 15,5 triệu đơn vị, các cổ phiếu HCM +5,1% lên 26.900 đồng, VIX +6% lên 15.100 đồng, AGR +2,4%...

Ở chiều ngược lại, nhóm ACL, AGM, ELC, TGG, FTM, MIG, CTR của phiên sáng vẫn không thể thoát được mức giá sàn khi đóng cửa.

Các cổ phiếu DTL, VTB, PET, HDG, CMX, AAM, PXS giảm mạnh từ 4% đến 6,8%.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng khởi sắc ở nửa cuối phiên chiều, lực mua bắt đáy mạnh mẽ đã kéo HNX-Index tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 172 mã tăng (28 mã tăng trần) và 64 mã giảm, HNX-Index tăng 7,66 điểm (+2,27%), lên 345,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,46 triệu đơn vị, giá trị 1.875,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,7 triệu đơn vị, giá trị 525 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu từ hơn 12,8 triệu cổ phiếu NVB, trị giá gần 461 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn nhỏ đua nhau khoe sắc tím như PVS, CEO, KLF, ART, IDJ, PVC, APS, TAR, OCH, PVG, DST…

Trong đó, PVS khớp lệnh cao nhất sàn với gần 11 triệu đơn vị, CEO khớp hơn 6,9 triệu đơn vị, KLF khớp 5,43 triệu đơn vị, ART khớp hơn 2,5 triệu đơn vị…

Các cổ phiếu khác dù không tăng kịch trần, nhưng giao dịch cũng rất khởi sắc, với SHS +4,3% lên 19.300 đồng, TNG +2,5% lên 32.200 đồng, HUT +4% lên 26.000 đồng, BII +5,4%, TVC +8,3%, MBG +7,3%, VKC +5%, DVG +8,2%, NDN +6,7%...

Giảm điểm đáng kể gần như chỉ còn IDC, khi thanh khoản cao, chỉ đứng sau PVS trên sàn, đóng cửa IDC -5,8% xuống 50.500 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM cũng đảo chiều ở nửa sau của phiên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,6 điểm (+1,61%), lên 101,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,5 triệu đơn vị, giá trị 863,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,55 triệu đơn vị, giá trị gần 54 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu đã hồi phục và đóng cửa ở sắc xanh là BSR, VGT, ABB, OIL, SBS, VGI, BVB, DDV, G36…

Trong đó, BSR +1,9% lên 21.300 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 9,2 triệu đơn vị.

Trái lại, các cổ phiếu C4G, PAS, QTP, TCI, DRI vẫn mất điểm, với C4G -7% xuống 16.000 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau BSR với hơn 7,4 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều cũng đã hồi phục và tăng điểm, với VN30F2205 đáo hạn gần nhất tăng 37,9 điểm (+2,8%), lên 1.391 điểm, khớp lệnh hơn 384.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 33.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng đã chiếm thế áp đảo, trong đó, CHPG2203 khớp lệnh cao nhất với hơn 2,33 triệu đơn vị, tăng 5,1% lên 830 đồng/cq.

Tác giả: Lạc Nhạn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến