Chiều 11/11, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện xác nhận, UBND TP Hà Nội đã có văn bản trả lời về việc xem xét, phê duyệt Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông".
Theo đó, UBND TP Hà Nội chưa trình HĐND thành phố Đề án này tại kỳ họp cuối năm 2021 vì chưa phù hợp, chưa đảm bảo đầy đủ, toàn diện các điều kiện thực hiện.
Lãnh đạo TP Hà Nội đã giao Sở GTVT cùng các đơn vị tư vấn, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đánh giá toàn diện tác động của Đề án đến xã hội, người dân, đảm bảo chặt chẽ điều kiện pháp lý.
Tắc đường ở Hà Nội trong giờ cao điểm. (Ảnh minh hoạ)
Riêng Sở GTVT được giao nghiên cứu, làm rõ thời điểm áp dụng thu phí để đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, tránh những vướng mắc về sau; kinh phí dự kiến đầu tư các trạm thu phí là nguồn vốn trong hay ngoài ngân sách và cơ chế tài chính khi thu, nộp phí.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu kỹ phạm vi áp dụng, đề xuất thí điểm theo từng bước, trước mắt là khu vực hẹp. Trên cơ sở đó sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và mở rộng theo lộ trình; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức chính trị - xã hội, sở ngành...
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội có báo cáo Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông”.
Theo Sở GTVT Hà Nội, đối tượng thu phí là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ các phương tiện được miễn phí: xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng, xe ô tô vận tải hàng hóa...).
Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình và xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí bắt buộc phải đi lại qua khu vực thu phí được miễn phí theo lượt nhất định.
Sở GTVT cũng quy định các đối tượng được giảm phí gồm xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi,...).
Dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng.
Dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng.
Phạm vi thu phí là khu vực có nguy cơ ùn tắc. Căn cứ kết cấu hạ tầng giao thông và mật độ giao thông, dự kiến phạm vi thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Đường Hoàng Sa - Đường Trường Sa - Đường Lý Sơn - Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.
Nếu đề án được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021, thì từ năm 2022 - 2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư, phương án tài chính, chi phí quản lý và mức thu cụ thể cùng các chính sách miễn giảm… và dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội.
Tác giả: Minh Tuệ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy