Dòng sự kiện:
Chuẩn bị thử nghiệm Vaccine Covid-19 thứ 2 của Việt Nam với 125 người
01/01/2021 22:07:47
Vaccine Covid-19 của Viện Vaccine và Sinh phẩm, thuộc Bộ Y tế, đóng tại tỉnh Khánh Hòa, đã hoàn thành các đánh giá thử nghiệm an toàn trên động vật, dự kiến thử nghiệm lâm sàng trên người trong tháng 1/2021.

Đây là vaccine thứ 2 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vaccine Nanocovax, của Công ty Nanogen thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12/2020.  

Vaccine Covid-19 chuẩn bị thử nghiệm.

Trước đó, vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... Từ kết quả vaccine an toàn, tạo khả năng miễn dịch cao trên động vật, Viện Vaccine và Sinh phẩm đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người vào tháng 1, nhanh hơn kế hoạch ban đầu 2 tháng.

Theo đó, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm lâm sàng trên 125 người tình nguyện, thuộc nhiều đối tượng. Các tình nguyên viên giai đoạn 1, từ 18 đến 59 tuổi, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền, cùng nhiều tiêu chí  đặc thù khác.

Vaccine chuẩn bị được thử nghiệm trên người.

Vaccine sẽ được chia ra nhiều hàm lượng, liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau. Quá trình thử nghiệm, các đơn vị của Bộ Y tế sẽ theo dõi tình hình của tình nguyện viên, nếu diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế cho biết, Viện bắt đầu thực hiện nghiên cứu vaccine Covid-19 từ tháng 5/2020 với mục tiêu là sản xuất được vaccine và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng. Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu sản xuất các loại vaccine cúm, Viện thiết lập quy trình bào chế vaccine này tương tự, sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi.

Kết quả ban đầu khá tốt, chủng phát triển tốt và thích ứng với quy trình công nghệ hiện có. Việc thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4/2021.

"Giai đoạn 1 kéo dài khoảng 2 tháng, phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, sớm nhất cũng phải là cuối năm nay mới có vaccine. Thuận lợi của IVAC là mình có sẵn cơ sở hạ tầng và công nghệ, mình có kinh nghiệm hàng chục năm đối với vaccine cúm đại dịch rồi, trên nền tảng về công nghệ được Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức Quốc tế hỗ trợ", Tiến sĩ Dương Hữu Thái nói./.

Tác giả: Thái Bình

Theo: VOV
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến