Buộc phải di dời
Khu tập thể C8 (Giảng Võ – Ba Đình) được xây dựng từ những năm 70, gồm 3 đơn nguyên với 120 hộ dân, trong đó, đơn nguyên 3 với 37 hộ dân đang sinh sống. Tháng 6/2013, qua kết quả kiểm tra sơ bộ, cán bộ Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã kết luận đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ ở mức độ nguy hiểm cấp độ D. Trên cơ sở này, ngày 8/7/2013, Sở Xây dựng đã có công văn báo cáo tới UBND Thành phố Hà Nội. Ngày 4/9/2013, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 5374 về việc tổ chức di chuyển các hộ gia đình tại đơn nguyên 3 nhà C8 ra khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D.
Quyết định di dời của UBND TP. Hà Nội và Đơn kiến nghị của các hộ dân
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chất lượng cũng như yêu cầu di dời khẩn cấp đã không nhận được sự đồng tình của người dân tại khu tập thể.
Ông Hoàng Văn Nhâm ở phòng 216, nguyên tổ trưởng tổ 36 phường Giảng Võ cho biết, thực tế đơn nguyên 3 chỉ bị xuống cấp phần cầu thang. Tháng 7/2013, Thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng cho gia cố khung thép chịu lực toàn bộ khu vực cầu thang, cho đến nay dãy nhà vẫn ổn định và an toàn, không hề xuất hiện các dấu hiệu xuống cấp nào mới.
“Thế nhưng, điều khiến chúng tôi khó hiểu và bức xúc nhất là việc năm 2007 theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn bộ 3 đơn nguyên của nhà C8 đều ở cấp độ C. Nhưng đến tháng 6/2013, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội này lại đánh giá đơn nguyên 3 nguy hiểm cấp độ D, còn đơn nguyên 1 và 2 cấp độ B. Chẳng lẽ sau 6 năm, chất lượng nhà lại tốt lên? Vô lý hết sức!”, ông Nhâm bức xúc.
Đơn nguyên 3 tòa nhà C8, sau khi đánh giá lại, mức nguy hiểm xếp loại D
Ông Nhâm cũng cho biết, tất cả các hộ dân tại đây đều đã mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ và đều có sổ đỏ. Hiện nay, cơ quan chức năng mới chỉ đề cập đến vấn đề di dời người dân ra khỏi đơn nguyên 3 nhà C8 mà chưa tính đến phương án cải tạo toàn bộ dãy nhà. Đến thời điểm hiện tại, các hộ dân cũng chưa biết đơn vị chủ đầu tư dự án là ai, công trình sẽ được xây dựng trong bao lâu và kế hoạch di dời cụ thể thế nào.
“Nếu tiến hành kiểm tra và thẩm định một cách tỉ mỉ, đúng quy trình mà nhà C8 đã ở mức độ thực sự nguy hiểm, nhất thiết phải xây dựng lại thì nguyện vọng của người dân chúng tôi là được tái định cư tại chỗ”, ông Nhâm nhấn mạnh.
Không biết đi rồi có được trở về
Lý do lớn nhất khiến 37 hộ dân chưa đồng ý với việc di dời là họ lo sợ sau khi đi rồi sẽ không có ngày được trở lại nhà của mình.
Ông Lê Mạnh Điềm ở phòng 519 bày tỏ: “Thực sự thì không ai muốn ở trong khu nhà nếu đúng là đang nguy hiểm cấp độ D. Chúng tôi không phải có ý muốn chống đối nhà nước và thành phố. Tuy nhiên, trong kế hoạch di dời, các cơ quan chức năng không hề xác định cụ thể sẽ di dời trong thời gian bao lâu. Chỉ sợ lại giống như một số khu khác, dọn đi để tái định cư rồi cả chục năm vẫn chưa được trở về”.
Cùng chung quan điểm, chị Bích ở phòng 415, bán trà đá tại khu tập thể nói: “Chuyện di dời và xây dựng lại đâu giống như các vị lãnh đạo tưởng tượng. Bây giờ việc xây dựng một dãy nhà rồi bỏ dang dở do thiếu vốn không phải ít, có khi đắp chiếu cả chục năm. Nếu chúng tôi rơi vào trường hợp đó thì biết phải làm sao?”.
Không chỉ lo sợ khó có ngày trở về, nhiều hộ dân tại đây cũng e ngại việc di dời sẽ khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Theo bà Nghiêm Thị Duyện, 80 tuổi sống tại phòng 217, khu đô thị N06 Pháp Vân – Tứ Hiệp cách xa nơi ở hiện tại đến hơn chục cây số sẽ rất bất tiện cho sinh hoạt, đặc biệt là việc học hành của các cháu nhỏ.
“Mấy cụ già như tôi thì không sao, nhưng những người đi làm, đặc biệt là bọn trẻ sẽ khổ vô cùng. Hầu hết trẻ con ở đây đều học tại các trường trong phạm vi xung quanh phường. Bây giờ mà chuyển xuống đó thì các cháu đi học quá xa, không khéo bố mẹ phải dậy từ 3-4 giờ sáng chuẩn bị cho con đi học”, bà Duyện lo lắng.
Ngoài ra, chất lượng của khu đô thị N06 Pháp Vân – Tứ Hiệp cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người. Nguyên tổ trưởng Hoàng Văn Nhâm khẳng định: “Tôi đã trực tiếp xuống xem khu đô thị này. Do đã xây dựng được 10 năm nên hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp, nền nhà bị bong chóc ngay phía tiền sảnh, một thang máy đã bị hỏng. Ở đó, đến nước cũng không được kí hợp đồng trực tiếp với nhà máy, điện thì phập phù và nằm cách xa trường học, chợ búa, chỉ có duy nhất một bệnh viện nội tiết. Như vậy làm sao mà đảm bảo được chất lượng cuộc sống?”.
Cũng theo ông Nhâm, hiện 37 hộ dân tại nguyên đơn 3 đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Mong muốn trước mắt của các hộ dân là Bộ Xây dựng cần chỉ định một đơn vị độc lập tiến hành thẩm định lại chất lượng dãy nhà theo đúng trình tự, thủ tục quy định, có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và người dân sống tại đây.
Theo Seatimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy