Khi chủ đầu tư than “hết tiền”
Cuối năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra thông báo danh sách các CĐT “chây ì” bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị năm 2018. Trong đó có: Công ty CP Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) -CĐT Dự án xây dựng nhà chung cư CT1 Khu nhà ở Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm); Công ty CP Sông Đà 1 - CĐT nhà chung cư CT4 Khu đô thị Văn Khê (phường La Khê, quận Hà Đông); Công ty CP tập đoàn Bắc Hà - CĐT cụm nhà chung cư Bắc Hà C14 (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)…
Theo quy định, người mua nhà trước khi nhận bàn giao nhà phải đóng quỹ bảo trì tương đương 2% giá trị căn hộ cho CĐT tạm quản lý. Khi ban quản trị (BQT) chung cư được thành lập, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao số tiền này. Mỗi dự án sẽ có mức quỹ bảo trì khác nhau, từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Chung cư Starcity, 81 Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) 27 tầng với trên 370 căn hộ do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại VNECO Hà Nội (VNECO) làm CĐT. Chung cư đã được bàn giao cho cư dân vào ở từ quý III/2014 nhưng đến nay vẫn bị “om” khoảng 30 tỷ đồng phí bảo trì. Theo phản ánh của cư dân, VNECO mới bàn giao một phần phí bảo trì khoảng 2,5 tỷ đồng cho BQT. Bức xúc, cư dân Starcity liên tục “xuống đường” đòi quyền lợi.
Chung cư CT3 Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cao 19 tầng, với 192 căn hộ, đưa vào sử dụng từ năm 2012. BQT tòa nhà cũng đã được thành lập ngày 24/11/2015. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Xuân - đại diện BQT tòa nhà CT3 Trung Văn cho biết, cư dân đang “vô vọng” trong việc đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Tòa nhà đã đưa vào sử dụng hơn 10 năm, nhiều hạng mục xuống cấp, ngay cả an toàn PCCC cũng không đạt.
Tổng kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư khoảng hơn 5,7 tỷ đồng. CĐT mới bàn giao cho BQT 1,5 tỷ đồng từ nhiều năm nay và chưa bàn giao thêm. Đại diện BQT cho biết, khi họp với cư dân và đại diện cơ quan chức năng, CĐT nói: “Không có tài khoản riêng và không có đủ năng lực để chi trả số tiền còn lại”. “Giờ chúng tôi chỉ trông chờ vào quyết định xử lý, cưỡng chế của UBND thành phố Hà Nội, tuy vậy nhiều tháng nay chưa thấy thành phố hồi âm”, bà Xuân nói.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn cho biết thêm, trên địa bàn phường có 2 nhà chung cư bị bêu tên trong danh sách “chây ỳ” quỹ bảo trì: Cụm nhà chung cư Bắc Hà C14 (Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà làm CĐT) và Chung cư CT3 Trung Văn (Công ty Cổ phần xây dựng số 1 sông Hồng làm CĐT). Trong đó, chung cư C14 Bắc Hà CĐT đã khắc phục, bàn giao gần hết quỹ bảo trì 2% (gần 17 tỷ đồng), còn vài trăm triệu chờ quyết toán là hoàn thành.
CT3 Trung Văn do Cty Sông Hồng số 1 là CĐT vẫn đang vướng mắc về nhiều vấn đề, trong đó có cả diện tích chung, riêng. Ngoài ra, đây là CĐT thứ phát, lãnh đạo Cty cũng có nhiều thay đổi nên việc bàn giao còn nhiều bất cập. Theo lãnh đạo phường, xử phạt hiện nay không có tác dụng nhiều với CĐT, quan trọng nhất là chờ thành phố có quyết định cưỡng chế, làm quyết liệt, xử lý triệt để.
Mới xử lý phần ngọn
Để có chế tài đủ sức răn đe đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao diện tích sử dụng chung, kinh phí bảo trì cho ban quản trị, mới đây UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế tài khoản của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc cưỡng chế đối với hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì mới chỉ xử lý được “phần ngọn”. Để xử lý tận gốc vấn đề, nên có quy định đóng quỹ bảo trì vào tài khoản ủy thác riêng của ngân hàng, không ai được sử dụng. Sau khi BQT được thành lập thì sẽ tự động bàn giao cho BQT.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên thực tế, các hành vi vi phạm trong đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành nhà chung cư chưa được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để. Trong khi vai trò của CĐT, BQT, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng ở một số nhà chung cư chưa cao...
Trong năm 2018, việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn chung cư được Sở Xây dựng đặt làm trọng tâm. Đối với chung cư thương mại, Sở đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung cho 238/492 BQT (tăng 20% so với năm 2017). Từ tháng 7/2018, Sở đã kiểm tra 71/83 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp. Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Tuy nhiên, đối với việc cưỡng chế CĐT “chây ì” quỹ bảo trì thì vẫn chưa xử lý trường hợp nào. “Các trường hợp vi phạm, một số đã khắc phục chưa đến mức phải cưỡng chế. Theo trình tự, trong thời hạn mà CĐT vẫn tiếp tục không bàn giao quỹ thì UBND thành phố là cơ quan ra quyết định cưỡng chế”, đại diện Sở Xây dựng cho hay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói: “Nếu không có hành lang pháp lý, cơ chế quản lý tốt nhà chung cư thì cùng quá trình phát triển nhà chung cư sẽ kéo theo những vấn đề bất cập, sẽ rất khó khăn cho cả người dân và cả cơ quan quản lý”.
Trong năm 2018, Sở Xây dựng đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung cho 238/492 BQT (tăng 20% so với năm 2017). Từ tháng 7/2018, Sở đã kiểm tra 71/83 nhà chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp. Lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp. Tuy nhiên, đối với việc cưỡng chế CĐT “chây ì” quỹ bảo trì thì vẫn chưa xử lý trường hợp nào. |
Theo Tiền Phong
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy