Dòng sự kiện:
Chứng khoán 2019: 4 mảnh ghép của góc bức tranh
30/12/2018 19:04:16
Với độ mở nền kinh tế lớn và nền sản xuất định hướng xuất khẩu cao, không chỉ hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam mà cả thị trường tài chính cũng chịu ảnh hưởng từ các nhân tố bên ngoài.

Rủi ro nào, cơ hội ở đâu với nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong năm 2019? Có 4 mảnh ghép lớn có thể soi chiếu các góc bức tranh thị trường  chứng khoán Việt năm 2019.

Mảnh ghép thứ nhất - tiêu cực: Thị trường chứng khoán thế giới

Năm 2018, chỉ số DOW JONES (Mỹ) giảm hơn 15%. Tương tự, chỉ số NIKKEI (Nhật) cũng giảm gần 17% và hàng loạt chỉ số khác cũng chung xu hướng, như KOSPI (Hàn Quốc) giảm gần 20%, SHANGHAI (Trung Quốc) giảm gần 25%, FTSE 100 (Vương quốc Anh) giảm gần 15%, DAX 30 (Đức) giảm gần 20%, CAC 40 (Pháp) giảm gần 15%...

Qua các con số thống kê trên cho thấy, thị trường  chứng khoán thế giới đang đi vào xu thế tiêu cực. Những nhân tố bất ổn luôn tồn tại trong dòng chảy kinh tế hiện nay, hết cái này chìm xuống cái kia lại nổi lên: giá dầu chịu tác động của các động thái chính trị của nước lớn; thị trường tài sản theo USD mà trồi sụt; các quyết sách từ những nền kinh tế hàng đầu có thể lái dòng vốn đầu tư toàn cầu... 

Những bất ổn, thay đổi như trên hoàn toàn có thể tiếp tục kéo sang năm 2019, dẫn tới nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, chứng khoán vẫn đang tiếp tục duy trì trong thị trường Gấu (thị trường giá xuống).

Mảnh ghép thứ hai - tiêu cực: Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động trực tiếp đến ngành sản xuất chứ không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, tài chính mà cụ thể là tỷ giá và các nguồn vốn.

Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế thêm đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì tỷ trọng lớn nằm ở một số ngành như: hàng tiêu dùng, máy móc thiết bị cơ khí, máy móc thiết bị điện tử, đồ gỗ nội thất…

Cuộc chiến này sẽ kéo dài, không thể dự báo được trước điều gì sẽ xảy ra. Theo kế hoạch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ nối lại đàm phán trong tháng 3/2019 tới đây. Chưa biết kết quả ra sao nhưng có thể coi đây là cuộc chiến của thế kỷ 21, cuộc chiến mà ở đó sẽ định hình lại thị trường thế giới. 

Mảnh ghép thứ ba - tiêu cực: Anh rời khỏi EU - Brexit

Nhiều khả năng Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019. Nếu điều đó xảy ra thì cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của châu Âu được dự báo sẽ gây ra sự rối loạn trên trường quốc tế, lan sang cả Pháp, Italy và những nơi khác nữa. 

Hay nói một cách rộng lớn hơn, với tương lai bất ổn và nguy cơ khủng hoảng trong mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU), kinh tế toàn cầu đang suy yếu, tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2019.

Mảnh ghép thứ tư - tích cực: GDP Việt Nam

Kinh tế Việt Nam ước tính sẽ đạt tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay. Năm 2019, với nền tảng tốt và điều kiện thị trường nếu duy trì như hiện tại... thì chúng ta sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dự báo GDP năm 2019 tăng ở mức 6,6% - 6,9%.

Với kinh tế tăng trưởng cao, vĩ mô ổn định, cơ hội tiếp cận thị trường tốt... Việt Nam sẽ đứng trước triển vọng thu hút mạng nguồn vốn ngoại. Thị trường chứng khoán chính là một trong các điểm đến.

Tuy nhiên, như nói ở trên, các rủi ro và bất định của thị trường thế giới sẽ có thể làm thay đổi các kịch bản của kinh tế Việt Nam.

Bức tranh tổng thể 2019

Nhìn vào tổng thể 4 bức tranh lớn, có nhận định xu hướng chính của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 sẽ có nhịp điều chỉnh sau khi đã có hơn 2 năm trước đó tăng trưởng mạnh mẽ, và chỉ số Vn-Index sẽ dao động trong vùng 660-800 điểm.

Tuy nhiên nhịp điều chỉnh này nhiều khả năng sẽ diễn ra từ quý II/2019, khi mà cánh cửa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc Anh rời khỏi EU  đã phần nào ngã ngũ.

Theo Thời báo ngân hàng 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến