Dòng sự kiện:
Chứng khoán 2019: Nền tảng vẫn vững
10/05/2019 10:00:54
So với tăng trưởng GDP, tăng trưởng lợi nhuận trong quý I của khối doanh nghiệp niêm yết đã chậm lại, song triển vọng lợi nhuận theo kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn có tín hiệu tốt.

Vĩ mô sẽ có nhiều biến động

Tại Hội thảo "Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 - Góc nhìn vĩ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp" do Công ty Chứng khoán VietinBank tổ chức, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận xét, dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong quý I vẫn được duy trì ở mức khá, nhưng kinh tế Mỹ và Trung Quốc trở nên bấp bênh hơn do những vấn đề nội tại lẫn căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I đạt 6,79%, phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Song sự chuyển dịch của dòng FDI nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội tăng trưởng cho Việt Nam.

Dù tỷ giá danh nghĩa khá ổn định trong quý I/2019 và Ngân hàng Nhà nước, nhưng ông Thành vẫn lưu ý, vĩ mô trong năm 2019 sẽ biến động mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 2018, đòi hỏi sự linh hoạt trong các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để ứng phó.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank cho biết, trong bối cảnh chung của thế giới với rất nhiều biến động, Việt Nam nổi lên là một điểm sáng vì các nhà điều hành Việt Nam có công cụ, nội lực hiện tại để kiểm soát nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định ở mức cao. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2019 của Việt Nam vẫn cao hơn mặt bằng chung trong khu vực; đồng thời, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) và các chỉ số bán lẻ khác cũng đang cho thấy các yếu tố tích cực.

 “Dưới góc nhìn trung tính, chúng tôi dự báo chỉ số VN-Index sẽ đạt khoảng 920 - 950 điểm vào cuối năm, dựa trên mô hình kết hợp dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết HOSE đạt 7,51%, tăng trưởng GDP năm 2019 đạt 6,7%, lạm phát duy trì ở mức 4%, Fed không tăng lãi suất và tỷ giá duy trì ổn định”, ông Trung chia sẻ. 

“Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tốt”

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup nhận định, kết quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết nói chung có dấu hiệu giảm sút trong quý I/2019, đặc biệt nhóm cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ; trong đó có nhóm ngành bất động sản.

Theo thống kê của FiinGroup, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ 2016 - 2017 thì lợi nhuận khối doanh nghiệp đã “giảm tốc” tăng trưởng trong 4 quý trở lại đây. Quý I vừa qua, tăng trưởng lợi nhuận và lợi nhuận hoạt động (EBIT) đã suy giảm so với cùng kỳ năm trước đó (số liệu từ 878 doanh nghiệp, không tính ngân hàng và bảo hiểm, chiếm 76% tổng vốn hóa của cả thị trường chứng khoán).

Doanh thu vẫn duy trì tăng trưởng mặc dù tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ (5,1%) so với cùng kỳ. Lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) có sự suy giảm nhẹ.

Ngành ô tô và phụ tùng là ngành ghi nhận mức tăng cao nhất về lợi nhuận với 51%; tiếp đến là ngành dầu khí với mức tăng 36,5%. Trong khi đó, hai lĩnh vực giảm mạnh nhất là dịch vụ tài chính và tài nguyên cơ bản, có lợi nhuận giảm 45% và 49% so với quý cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, riêng ngành ngân hàng kết quả quý I/2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng (lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng tăng 12%), dù tăng trưởng tín dụng không cao như các kỳ trước. Trong khi nguồn thu chủ yếu từ tăng trưởng lãi cho vay và dịch vụ, trong khi lãi đầu tư chứng khoán giảm mạnh.

Dù vậy, ông Thuân đánh giá, tăng trưởng chung của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019 vẫn ở mức rất tốt. Nếu xét thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) của 850 doanh nghiệp, không tính ngân hàng và bảo hiểm, tức chiếm 90% tổng vốn hóa thị trường, Fiin Group dự báo mức tăng trưởng 14,5% trong năm 2019. Riêng nhóm VN30 dự kiến có tăng trưởng EPS ở mức 8,5% (theo kế hoạch của doanh nghiệp) và 17,7% (theo dự báo của các công ty chứng khoán).

Chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng giảm và thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp, do áp lực tâm lý về những tác động từ bên ngoài. Theo ông Thuân, trong ngắn hạn, những thông tin về đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết về cơ bản ít có tác động tới chỉ số chứng khoán. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên đánh giá và theo dõi các yếu tố vĩ mô khác từ trong và ngoài nước, cũng như duy trì một chiến lược đầu tư, lựa chọn nhóm cổ phiếu phù hợp sẽ quyết định đến hiệu quả đầu tư.

Dù vậy, với nhiều nhà đầu tư, bên cạnh những doanh nghiệp có câu chuyện riêng hấp dẫn thì hiệu quả kinh doanh của doanh pnghiệp vẫn được coi là nền tảng quan trọng trong việc lựa chọn đầu tư dài hạn.           

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến