Dòng sự kiện:
Chứng khoán chiều 2/11: Cuộc chiến gay cấn
03/11/2016 08:45:16
Lực bán gia tăng mạnh tại các mã lớn đã khiến VN-Index giảm sâu trong phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, bất chấp "cuộc chiến" tại một số mã nóng vẫn diễn ra rất gay cấn.

Tin liên quan

Những tưởng cú hồi cuối phiên sáng sẽ là bàn đạp để VN-Index có thể bứt lên trong phiên chiều, nhưng đó lại trở thành cái cớ để nhà đầu tư xả hàng.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán đã được khởi động, nhất là tại các bluechips, khiến VN-Index nhanh chóng lùi về mốc 675 điểm, mốc hỗ trợ được đánh giá là khá mạnh của chỉ số, bởi cầu bắt đáy vẫn xuất hiện mỗi khi VN-Index lùi về mốc này và tập trung tại các bluechips nhằm giúp chỉ số hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, dòng tiền dường như “bỏ quên” các bluechips, mà chỉ tập trung vào một số mã đầu cơ. Thiếu lực đỡ từ nhóm bluechips, nên chỉ sau ít phút giằng co nhẹ, VN-Index lại lùi sâu hơn, về gần mốc 670 điểm, khi nhà đầu tư gia tăng sức ép.

Trên sàn HNX, chiều hướng còn tiêu cực hơn bởi sức cầu trên sàn này không những không được cải thiện, mà còn yếu đi đáng kể. Do đó, HNX-Index suy giảm mạnh hơn hẳn so với HOSE.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/11, với 169 mã giảm và 70 mã tăng, VN-Index giảm 5,2 điểm (-0,77%) xuống 671,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 142,39 triệu đơn vị, giá trị 2.349,56 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 14,35 triệu đơn vị, giá trị 457,43 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thỏa thuận của 5,094 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 216,49 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các thỏa thuận đáng chú ý khác như: 4,273 triệu cổ phiếu PGI, giá trị gần 89 tỷ đồng và 1,258 triệu cổ phiếu NLG, giá trị 27,87 tỷ đồng.

Còn với 96 mã giảm (trong đó 20 mã giảm sàn) và 42 mã tăng, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-1,27%) xuống 81,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,65 triệu đơn vị, giá trị 275 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 2,13 triệu đơn vị, giá trị hơn 19 tỷ đồng, đáng chú ý có thỏa thuận của 1,074 triệu cổ phiếu TIG, giá trị 4,88 tỷ đồng.

Dưới áp lực bán mạnh, VIC cũng như các mã vốn hóa lớn khác như VNM, GAS, MWG, VCB, BVH đều quay đầu giảm điểm.

BVH giảm 2,3%, VIC giảm 1,1%, VNM giảm 0,6%… Các mã giảm điểm có thanh khoản cao là HPG với 2,08 triệu đơn vị, HSG và BID cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị. HSG giảm 2,9%, HPG giảm 2,2%.

Trong nhóm chỉ còn KDC và SBT là tăng điểm. SBT khớp 2,4 triệu đơn vị, tăng 1,2% lên 25.200 đồng/CP.

Như đã nêu ở trên, dù áp lực bán mạnh tại các mã lớn khiến thị trường chao đảo, nhưng diễn biến tại một số mã thị trường lại diễn ra rất gay cấn, tiêu biểu là FLC.

Áp lực chốt lời gia tăng mạnh sau khi mã này có mức tăng 16,4% trong 3 phiên vừa qua khiến FLC giảm giá trong suốt phiên sáng. Trong phiên chiều, áp lực chốt lời vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng lực cầu lại mạnh không kém, hấp thụ rất tốt lượng cung, giúp FLC trở thành nơi độc diễn về thanh khoản của thị trường trong phiên chiều.

Lực cầu mạnh có lúc đã giúp mã này đảo chiều tăng giá thành công, trước khi đóng cửa ở mức tham chiếu 7.020 đồng với 42,9 triệu đơn vị được sang tên (chiếm hơn 33,5% tổng khối lượng khớp toàn sàn), trong đo riêng đợt ATC đã có gần 3,2 triệu đơn vị được khớp. Đây là mức thanh khoản cao nhất của FLC trong vòng 1 năm qua. Đáng chú ý, khối ngoại bán ra hơn 4,7 triệu cổ phiếu FLC trong phiên này.

Ngoài ra, ITA cũng khớp được hơn 8,8 triệu đơn vị, HQC và VHG lần lượt là 4,84 triệu và 4,69 triệu đơn vị. Như vậy, lượng khớp của 4 mã FLC, ITA, VHG và HQC đã chiếm tới 42% lượng khớp của sàn HOSE.

Một số mã đầu cơ khác có thanh khoản cao là HAG, KBC, DLG, FIT, GTN, HAR…Trong đó, HAG vẫn giữ vững sắc xanh, khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị, còn HNG đã lùi về tham chiếu.

ROS vững vàng với sắc tím, khớp lệnh 1,76 triệu đơn vị và còn dư mua trần. Ngược lại, TCH chính thức có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp sau chuỗi tăng ấn tượng kể từ khi chào sàn 5/10.

Trên HNX, sau chuỗi giảm sàn liên tiếp, NHP cũng được bắt đáy mạnh trong phiên hôm nay và đóng cửa ở mức giá trần 5.700 đồng, dù mở cửa ở mức sàn 4.700 đồng. Tổng khối lượng khớp đạt hơn 2,23 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Các mã nhỏ khác như G20, DPS cũng giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Trong khi đó, các mã bluechips, chỉ còn PLC và NDN là tăng điểm, còn lại đa phần là giảm điểm, trong đó các mã lớn VCS, VC3, NTP, ACB, PVS, PVC, PVI… đều giảm mạnh. VCS giảm 1,5% về 129.100 đồng/CP, NTP giảm 2,5% về 78.400 đồng/CP…

Về thanh khoản, đứng sau NHP là SCR và SHB, với 2,15 triệu và 2 triệu đơn vị được khớp.

Các mã giảm sàn vẫn là BII, DST, IDJ, KSK, KVC…, trong đó BII khớp 1,145 triệu đơn vị. Tính riêng trong tháng 10, BII có 19 phiên giảm sàn liên tục, còn KVC là 15 phiên.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến