Tin liên quan
Phát biểu tại họp báo, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng C66 chia sẻ: "Hậu quả vụ cháy rất nghiêm trọng và đây là vụ việc mà những người làm công tác PCCC thật sự cảm thấy đau xót về hậu quả xảy ra”.
“Vụ cháy đang được Công an TP Hà Nội, Cảnh sát PCCC Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý theo đúng trình tự pháp luật" – ông Mạnh nói.
Cục trưởng C66 Đoàn Việt Mạnh trả lời báo chí tại một hội thảo quốc tế về phòng chống cháy nổ và hỏa hoạn đô thị (ảnh: Minh Minh)
Chia sẻ thông tin với báo chí, Trung tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng C66 cho biết: “Các cơ sở kinh doanh karaoke luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, khi xảy ra sự cố thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Theo thống kê của C66 – Bộ Công an, từ đầu năm 2016 đến nay cả nước có 23 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke, gây thiệt hại 9 tỷ 52 triệu đồng, 13 người chết, 02 người bị thương. Riêng trên địa bàn Tp. Hà Nội xảy ra 06 vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke. Đặc biệt là vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke 68 Trần Thái Tông phường Dịch Vọng Hậu quận Cầu Giấy Tp Hà Nội vừa qua, gây thiệt hại nặng về người (13 người chết) về tài sản hiện đang thống kê”.
Lãnh đạo cơ quan cao nhất về phòng cháy chữa cháy cũng chia sẻ: Đặc điểm nguy hiểm cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh karaoke bắt nguồn từ chỗ các cơ sở kinh doanh karaoke thường được thiết kế rất kín để tránh tiếng ồn, mặt trước tòa nhà hầu như bị che chắn bởi các biển quảng cáo, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, gây khó khăn cho việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ và chữa cháy của cơ quan chức năng.
Trong các cơ sở này thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao xu, phông rèm…khi có cháy tốc độ cháy lan rất nhanh, tỏa nhiều khói khí độc nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.
Một nguyên nhân khác đến từ việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như: Không đảm bảo lối thoát nạn, không được trang bị phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn nên không phát hiện được đám cháy sớm, không kịp thời cứu chữa gây cháy lan và cháy lớn.
Đại đa số chủ cơ sở kinh doanh karaoke thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng… do đó đã dẫn đến những vụ cháy nổ gây hậu quả đáng tiếc.
Hiện trường tan hoang tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông sau vụ cháy chiều 1/11
Cũng tại cuộc họp báo này, Cục C66 khuyến cáo điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke: Trước khi đưa vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ đó là: Có quy định, nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cơ sở; Hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải đảm bảo an toàn PCCC; Chủ cơ sở và nhân viên phục vụ phải được tập huấn, huấn luyện về PCCC; Có phương án chữa cháy, thoát nạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp với từng khu vực sử dụng.
Đối với các cơ sở có khối tích từ 1.500m3 phải được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về PCCC.
Chủ cơ sở kinh doanh karaoke cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh ngành nghề có điều kiện, đặc biệt là quy định an toàn PCCC.
Để tự bảo vệ mình, người dân cần tự tìm hiểu, học tập để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, phổ thông về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc, nơi vui chơi giải trí
Được biết, thời gian vừa qua, trước tình cháy nổ diễn biến rất phức tạp của các cơ sở kinh doanh karaoke, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an và có các văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC cho cơ sở kinh doanh karaoke như Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 06/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke; công văn số 959/C66 ngày 24/3/2015 của Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH về việc hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở có biển quảng cáo sử dụng điện thuộc diện quản lý về PCCC.
Ngay sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã có công điện số 74 ngày 01/11/2016 chỉ đạo Công an, Cảnh sát PCCC tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện ngay các nội dung sau: tổ chức rà soát tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người nhất là các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ như: Quán karaoke, quán bar, nhà hàng, vũ trường… và gửi báo cáo phản hồi về C66 trước ngày 13/12/2016.
Minh Minh
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy