Dòng sự kiện:
Chứng khoán chiều 24/8: Nội tháo chạy, ngoại gom hàng
24/08/2015 16:54:15
Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh không giúp cho bên nắm giữ cổ phiếu bình tĩnh hơn, thậm chí hoạt động bán tháo còn diễn ra mạnh hơn, khiến hàng trăm mã đồng loạt giảm sàn. Đã hơn 1 năm, cảnh tượng giảm sàn đồng loạt mới lại xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư nội tháo chạy, thì khối ngoại đã trở lại gom hàng giá rẻ.

Trong phiên giao dịch sáng nay, lực bán mạnh đã khiến các chỉ số mất hơn 5%. Một trong những nguyên nhân chính vẫn là nỗi lo rủi ro tỷ giá và thông tin Quỹ DB FTSE Vietnam ETF  đang quản lý 371,9 triệu USD, gồm 16 cổ phiếu tại HOSE, đang niêm yết tại 10 sàn giao dịch sẽ bị hủy niêm yết chứng chỉ quỹ  tại 2 sàn giao dịch là Nasdaq OMX (Stockholm) và Euronext (Paris) do thanh khoản thấp trên 2 sàn này.

Việc VN-Index mất mốc 550 điểm sau đó dường như đã kích thích lực bán giải chấp, làm thị trường càng thêm tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn rất mạnh, giúp thanh khoản trên HOSE đứng ở mức cao.

Chính lực cầu bắt đáy này, cùng với việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trở lại trên HNX giúp nhiều người đặt kỳ vọng vào phiên chiều, đà giảm của thị trường sẽ được hãm bớt, giống như phiên cuối tuần qua.

Tuy nhiên, một lần nữa kỳ vọng này lại trở thành nỗi thất vọng. Dường như sự sợ hãi đã chiến thắng khi lệnh bán luôn tục trực tung ra thị trường, đẩy cả 2 chỉ số giảm sâu hơn trong phiên chiều.

Ngoài các thông tin trên, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tâm lý khi chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc mạnh. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm 4,61%, chứng khoán Hồng Kông giảm 5,17%, đặc biệt chứng khoán Trung Quốc giảm tới 8,49%. Trong khi chứng khoán châu Âu mới mở cửa cũng đang đồng loạt giảm sâu hơn 2%.

Chính các thông tin tiêu cực trên đã góp phần đẩy chứng khoán Việt Nam giảm sâu trong phiên cuối tuần. Dù đà giảm đã được hãm bớt trong đợt ATC, nhưng kết thúc phiên, cả VN-Index và HNX-Index đều mất hơn 5%.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch đầu tuần mới, VN-Index giảm 29,37 điểm (-5,28%), xuống 526,93 điểm với 249 mã giảm trong khi chỉ có 24 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 174,56 triệu đơn vị, giá trị 3.105 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,14 triệu đơn vị, giá trị 206,79 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 4,51 điểm (-5,81%), xuống 73,09 điểm với 205 mã giảmtrong khi chỉ có 29 mã tăng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,65 triệu đơn vị, giá trị 697,56 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,3 triệu đơn vị, giá trị 60,84 tỷ đồng.

Trên cả 2 sàn có gần 200 mã giảm sàn, với dư mua sàn còn hàng triệu đơn vị. Lượng dư bán sàn lớn này tạo thêm cảm giác bất an cho nhà đầu tư trong các phiên giao dịch tiếp theo.

Trên HOSE, gần như toàn bộ nhóm thị trường đều đóng cửa ở mức sàn FLC là mã có thanh khoản tốt nhất với 12 triệu đơn vị, giảm xuống còn 6.400 đồng. FIT mới chuyển sang sàn HOSE với mong muốn “đổi vận” cũng dính sàn và thậm chí còn giảm xuống dưới tham chiếu khi đóng cửa phiên hôm nay ở mức giá 9.800 đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn cũng chung số phận khi đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh mắt mèo, chỉ có EIB bất ngờ có mức tăng 6,03%, lên 12.300 đồng ngay trong đợt ATC. Đây cũng là mức giá cao nhất của mã này trong ngày và chỉ còn cách mức trần 1 bước giá. Tương tự, VIC cũng được kéo lại mức tham chiếu như khi mở cửa phiên sáng. Đây chỉ là 2 điểm sáng hiếm hoi trong nhóm bluechip trên sàn HOSE.

Các mã lớn khác như nhóm dầu khí (GAS, PVD), ngân hàng (VCB, CTG, BID, SBT), bảo hiểm (BVH, BMI), chứng khoán (SSI, HCM, AGR, BSI), một số khác như HPG, HAG, CII, GMD, REE… đều đóng cửa ở mức sàn.

Trên HNX, trong số các mã đáng chú ý, chỉ có KVC bất ngờ tăng ảo lên trần 11.000 đồng trong đợt ATC dù trước đó đang ở mức sàn và chốt phiên, KVC cũng chỉ còn dư mua giá sàn 16.600 đơn vị, trong khi cũng bên bán cũng chỉ còn dư bán trần 100.400 đơn vị. Còn lại các mã khác như ACB, KLF, PVC, nhóm chứng khoán đều đóng cửa ở mức sàn.

SHB trở thành mã có thanh khoản lớn nhất sàn HNX, thay thế KLF của phiên sáng với 5,25 triệu đơn vị được khớp, tiếp đến là KLF với 4,82 triệu đơn vị.

Điểm tích cực với thị trường trong phiên hôm nay ngoài việc dòng tiền bắt đáy vẫn chảy mạnh, còn có sự trở lại mạnh mẽ của dòng tiền ngoại. Hôm nay, khối ngoại mua ròng hơn 15,5 triệu đơn vị trên cả 2 sàn, tổng giá trị mua ròng hơn 185 tỷ đồng.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến