Dòng sự kiện:
Chứng khoán đỏ lửa 3 phiên liên tiếp
12/04/2022 17:03:35
Thị trường chìm trong áp lực bán tháo ở hầu hết nhóm ngành quan trọng, gần 100 mã chứng khoán giảm sàn trong ngày đầu tuần.

Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục trải qua chuỗi giảm điểm mạnh mẽ khi áp lực bán xuất hiện dày đặc trên thị trường, trong khi lực cầu chỉ xuất hiện yếu ớt ở một vài nhóm cổ phiếu.

Kết thúc phiên 12/4, VN-Index bốc hơi 26,75 điểm (-1,8%) về 1.455,25 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng gần đây và là chuỗi 3 phiên lao dốc liên tiếp với tổng mức giảm 67,65 điểm.

Tại các sàn ở Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index mất hơn 11 điểm (-2,55%) về mốc 421 điểm. UPCoM-Index giảm 1,15 điểm (-1,15%) xuống 112,53 điểm.

Sắc đỏ phủ bóng trên toàn thị trường khi có đến 859 mã giảm giá (99 mã giảm sàn), ngược lại sắc xanh chỉ le lói với chỉ 205 mã tăng giá (đồng nghĩa cứ 4 mã giảm thì trung bình xuất hiện 1 mã tăng giá).


VN-Index tiếp tục đổ dốc trong phiên đầu tuần 12/4. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu trụ diễn biến tiêu cực là nhóm gây tác động xấu nhất lên diễn biến chung. Hôm nay VN30 mất 17,11 điểm (-1,12%) với 27/30 mã giảm giá.

Trong đó VHM lao dốc 2,8% về 73.000 đồng là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số. Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Cao su rơi 5,3% về 33.000 đồng hay HPG của Hòa Phát cũng giảm 2,8% về 45.100 đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng diễn biến rất xấu khi BID giảm 3,5% về 40.450 đồng, CTG của VietinBank mất 3,3% còn 31.00 đồng, MBB giảm 2,9% xuống 32.250 đồng, TPB rơi 5,3% về 38.050 đồng hay SHB cũng lao dốc 5% còn 19.000 đồng.

Trong khi đó nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng còn bị bán tháo mạnh hơn, hàng loạt mã bị bán quyết liệt tại mức giá sàn như DIG, DXG, QCG, CII, LDG, CTD...

Cổ phiếu ngành năng lượng cũng lao dốc không kém khi các mã PVS, PVD, PVC, PVB, PSH, PET... bị tranh nhau bán sàn. Những mã vốn hóa lớn như GAS cũng mất 1,2%, PLX giảm 2,8% hay BSR rơi 5,3%.


Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect.

Ở chiều ngược lại cổ phiếu bán lẻ lớn giúp nhà đầu tư hưởng niềm vui. MSN của Masan tăng 1,3% lên 125.400 đồng hay MWG của Thế giới Di động bất ngờ tăng 1,8% lên mức cao nhất ngày tại 152.700 đồng.

Một nhóm đáng chú ý khác là cổ phiếu thủy sản bứt phá hàng loạt. Trong đó CMX, IDI, ACL đã tăng hết biên độ. VHC của Vĩnh Hoàn tiến sát giá trần, MPC của Minh Phú tăng 3,2%...

Cổ phiếu đầu cơ vẫn tiếp tục là tâm điểm rút lui của dòng tiền. Toàn bộ mã thuộc nhóm FLC Group (FLC, ROS, HAI, AMD, ART, KLF) bị bán tháo ngày từ khi mở cửa với tổng khối lượng còn tranh bán sàn hơn 28 triệu đơn vị.

Hệ sinh thái Louis ghi nhận TGG, BII bị bán sàn và APG, SMT giảm sát giá sàn. Nhóm DNP Corp ghi nhận NVT, VC9, JVC giảm sàn. Nhóm Apec giảm khoảng 7%. HQC của Hoàng Quân hay SJF của Đầu tư Sao Thái Dương bị bán sàn.

Thanh khoản thị trường suy giảm khi tổng giá trị khớp lệnh giảm 10,7% về mức 23.416 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 270 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE, tập trung xả VPB và HPG.

Do tâm lý suy yếu từ trước đó, một số đơn vị phân tích chứng khoán đã đưa ra dự báo về diễn biến tiêu cực sẽ tiếp diễn trong trong tuần.

Đáng kể như Chứng khoán SHS dự báo chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3/2022) để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

"Trong kịch bản tích cực, nếu lực cầu trong vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm là đủ tốt thì thị trường có thể sớm hồi phục trở lại, cân nhắc gia tăng tỷ trọng nếu thị trường chỉnh về vùng hỗ trợ trên", nhóm chuyên gia phân tích.

Chứng khoán Rồng Việt cũng nêu quan điểm thận trọng khi thị trường có khả năng vẫn còn giảm và tiếp tục lùi về các đường hỗ trợ dưới. Nhịp giảm sẽ dừng lại khi VN-Index lùi về vùng 1.455-1.465 điểm.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến