Dòng sự kiện:
Chứng khoán: Lâu lâu… giảm mạnh
17/08/2018 10:20:43
Kết thúc phiên, trong nhóm vốn hoá lớn, chỉ còn vài cổ phiếu tăng giá như VNM tăng nhẹ từ 158.100 đồng/CP lên 158.500 đồng/CP, SAB tăng từ 210.000 đồng/CP lên 211.000 đồng/CP.

Phiên giao dịch gần nhất mà VN-Index giảm hơn 1% điểm số là vào ngày 20/7, khi đó chỉ số này mất hơn 10 điểm để từ 944 điểm xuống còn 933 điểm. Gần 1 tháng sau, VN-Index mới lại có phiên giảm tương tự khi đã mất gần 17 điểm trong ngày 15/8 để từ chỗ tăng vượt 980 điểm đầu phiên, chỉ số này chỉ còn hơn 961 điểm vào cuối phiên.

Một phiên giảm mạnh chí ít cũng khiến cho nhà đầu tư phải tính đến “đường lùi”

Bất ngờ và không bất ngờ

Phiên điều chỉnh này của VN-Index vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Trước tiên cần phải nói, không bất ngờ vì tính đến thời điểm này, VN-Index đã tăng điểm được hơn 1 tháng qua. Từ khi chạm mốc 885 điểm vào ngày 12/7, VN-Index đã phục hồi trở lại và tính đến ngày 15/8 thì chỉ số này đã tăng 100 điểm. Việc tăng điểm của VN-Index tại thời điểm này có thể xem như kỳ tích, vì nó diễn ra trong sự ngờ vực, thậm chí bi quan sau một quý II điều chỉnh rất mạnh.
Nói vậy để thấy rằng, việc VN-Index tăng mạnh thì điều chỉnh mạnh cũng không có gì bất ngờ. Điều bất ngờ nằm ở diễn biến của thị trường trong phiên ngày 15/8. Cho đến trước 14h00 ngày 15/8, VN-Index dù tăng rồi điều chỉnh nhưng đều ở mức độ chấp nhận được, một số cổ phiếu có sức bật tốt vẫn có thể “thắng” thị trường như MWG, MBB, HVN…

Diễn biến này được đánh giá là tích cực bởi sắc đỏ thậm chí bao trùm nhiều thị trường châu Á. Nhưng mọi chuyện nhanh chóng thay đổi kể từ sau đó. Lực bán được tăng trưởng trên diện rộng, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và mức độ giảm giá diễn ra bao trùm. Nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán trên diện rộng, chẳng hạn GAS từ chỗ dao động quanh mốc 100.000 đồng/CP kết thúc phiên chỉ còn 95.000 đồng/CP, tức mất giá 5% chỉ trong ít phút; PVD thậm chí giảm sàn với áp lực bán lên đến vài trăm nghìn cổ phiếu.

Không chỉ có nhóm dầu khí mà cả ngân hàng, chứng khoán, thép… cũng bị bán mạnh. Kết thúc phiên, trong nhóm vốn hoá lớn, chỉ còn vài cổ phiếu tăng giá như VNM tăng nhẹ từ 158.100 đồng/CP lên 158.500 đồng/CP, SAB tăng từ 210.000 đồng/CP lên 211.000 đồng/CP.

Sẽ còn rung lắc

Một phiên giảm mạnh tất nhiên chưa đủ thay đổi tâm lý của nhà đầu tư hay phát ra những tín hiệu tiêu cực cho thị trường, nhưng chí ít cũng khiến cho nhà đầu tư phải tính đến “đường lùi” thay vì “bán là thua, mua là thắng” như 1 tháng vừa qua. Trước ngưỡng 980 điểm, VN-Index đã chinh phục thành công ngưỡng 950 điểm và cũng được xem là một ngưỡng kháng cự mạnh, tất nhiên càng lên cao khả năng có thể trụ lại ở đỉnh sẽ càng khó hơn.

Trước tiên, cần theo dõi quy luật của thị trường trong khoảng 15 phiên gần nhất, đó là cứ khi tăng được từ khoảng 3-5 phiên thì lập tức VN-Index có một phiên điều chỉnh. Tuy nhiên mức độ điều chỉnh trong ngày 15/8 của chỉ số này là mạnh nhất.

Điều này cũng khá là dễ hiểu, bởi khi mà chỉ số thị trường tăng 100 điểm, tương đương khoảng 10%, nhiều cổ phiếu thậm chí đã tăng từ 20-30% thì áp lực chốt lời sẽ là rất lớn. Chưa bàn đến việc nhà đầu tư có khả năng lỗ bán ra để cắt lỗ, hoặc thận trọng chốt lãi thì ngay cả những người lãi lớn cũng sẽ bán rất mạnh.

Chẳng hạn: từ khi giảm xuống 20.000 đồng/CP đầu tháng 7 thì đến đầu tuần qua, đã có lúc DXG tăng lên đến hơn 28.000 đồng/CP nghĩa là suất sinh lời lên đến 40%, lãi lớn chỉ trong thời gian ngắn nên khi cần bán thì tất nhiên bên bán sẽ tất tay. Cũng trong khoảng thời gian này, HVN tăng từ 30.000 đồng/CP lên 39.000 đồng/CP, suất sinh lời 30% cho một cổ phiếu UPCoM là quá hấp dẫn.

Bên cạnh đó, trước một phiên giảm mạnh, những người có lãi cũng chọn cách bán cho chắc. Trước mắt, trong trường hợp vùng 950-960 điểm của VN-Index không bị xuyên thủng, sẽ khó có khả năng xuất hiện những phiên bán tháo, vì những ai cần bán thì đã bán được, trong khi giá rẻ trở lại 5-7% chỉ sau một phiên là sự hấp dẫn cho những người đã “lỡ tàu” những ngày qua.

Vấn đề quan trọng là thị trường cần có thêm những thông tin tích cực từ phía doanh nghiệp, chẳng hạn như chia cổ tức, kỳ vọng hoàn thành hoặc vượt kế hoạch năm. Về thông tin vĩ mô, những kỳ vọng liên quan đến việc thoái vốn, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khả quan cũng có thể trở thành đối trọng với những ẩn số thông tin liên quan đến bảo hộ thương mại, hay những diễn biến từ thị trường chứng khoán thế giới.

Theo Thời báo chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến