Thị trường chứng khoán trong nước vừa có 2 phiên tăng điểm "giải tỏa" tâm lý sau chuỗi lao dốc khốc liệt. Sự đảo chiều diễn ra khá bất ngờ sau khi VN-Index xuyên thủng mốc 900 điểm đã kích hoạt được dòng tiền bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ.
Chỉ số chính đã đảo chiều tăng ngược 31 điểm trong phiên 16/11 và tận dụng đà đi lên thêm 26 điểm trong ngày 17/11. Như vậy, VN-Index đã lấy lại hơn 57 điểm trong hai phiên hồi phục, nhưng vẫn thấp hơn 35% so với hồi đầu năm.
Vốn hóa lấy lại 9 tỷ USD
Đà tăng trên giúp giá trị vốn hóa sàn HoSE tăng thêm hơn 228.900 tỷ đồng (hơn 9,2 tỷ USD) đạt mức gần 3,87 triệu tỷ đồng. Còn so với thời điểm đầu năm, vốn hóa thị trường vẫn còn mất gần 2 triệu tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu đầu ngành có được mức tăng mạnh mẽ nhất. Chẳng hạn HPG của Hòa Phát xuất hiện 2 phiên tăng trần sau hơn một thập kỷ để giúp cổ đông hồi phục tâm lý sau chuỗi rơi khốc liệt. Giá trị vốn hóa theo đó đã lấy lại hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau 2 phiên.
Hay VIC của Vingroup cũng gây ấn tượng với phiên tăng trần gần nhất lên 64.600 đồng, nối dài chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Giá trị vốn hóa thị trường theo đó đã hồi phục hơn 44.000 tỷ đồng.
Chuyên gia cho rằng định giá thấp và tâm lý chuyển biến là yếu tố giúp thị trường đảo chiều. Ảnh: T.L.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, chia sẻ có nhiều yếu tố dẫn đến trạng thái thị trường chuyển biến tích cực 2 phiên vừa qua.
Thứ nhất là về mặt định giá, chỉ số P/E thị trường chung đã rơi vào vùng quá hấp dẫn xuống dưới 10 lần, trong khi trước đây ở khoảng 17-18 lần. Thậm chí một số cổ phiếu có P/E chỉ còn 4-5 lần trong khi doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt.
Xét về định giá P/B, nhiều cổ phiếu cũng đã về dưới giá trị sổ sách. Trong khi đó, định giá thông thường thì giá thị trường phải cao hơn giá trị sổ sách.
"Mặt bằng giá đã rơi vào vùng quá bán và giá cổ phiếu đã cực kỳ hấp dẫn, đặc biệt đối với những nhà đầu tư trung dài hạn. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp và dòng tiền thông minh đã bắt đầu giải ngân", ông Phương nói.
Bên cạnh đó, thị trường lao dốc thời gian qua còn đến từ tâm lý nhà đầu tư quan ngại về một số yếu tố như lạm phát, suy thoái kinh tế, về những tin đồn tiêu cực hay lo lắng về những hệ lụy của thị trường trái phiếu.
Giám đốc KIS Việt Nam đánh giá đây chỉ đơn thuần là "vấn đề tâm lý" bởi nền kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng tích cực, khối doanh nghiệp lớn vẫn có thể chống chịu tốt dù có những khó khăn hiện hữu.
"Giá giảm chủ yếu do tâm lý lo lắng của nhà đầu tư cùng một số tin đồn có chủ đích. Khi vấn đề đang được giải tỏa thì nhà đầu tư cũng đang tích cực quay trở lại", ông Phương nói và chỉ ra gần đây có nhiều thông tin tích cực về các giải pháp gỡ khó, xây dựng lại niềm tin trên thị trường.
Theo đó, nhà đầu tư trong nước đang bắt đầu chuyển từ trạng thái bi quan, tiêu cực, bán tháo quay sang ngưng bán, đồng thời đẩy mạnh mua vào theo lực đỡ từ khối ngoại.
Dòng tiền hưởng ứng
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang là điểm sáng lớn nhất trong bối cảnh thị trường lao dốc và hồi phục. Khối ngoại đã đẩy mạnh giải ngân từ tháng 11 và qua đó giúp đảo chiều cho dòng vốn này.
Chỉ tính riêng đầu tháng 11 đến nay, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng đột biến khoảng 9.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Nhờ đó, giá trị giao dịch ròng luỹ kế từ đầu năm chuyển trạng thái sang mua ròng gần 6.500 tỷ đồng, bởi lũy kế 10 tháng trước đó vẫn bán ròng.
Những cổ phiếu được gom mạnh mẽ nhất như STB của Sacombank với con số gần 850 tỷ đồng, KDH của Nhà Khang Điền với giá trị hơn 800 tỷ đồng, VHM của Vinhomes hơn 760 tỷ đồng hay SSI là hơn 570 tỷ đồng.
Ông Phương nhìn nhận việc khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng xuyên suốt từ đầu tháng 11 cho thấy sự tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam. Đây phần lớn là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp nên có phân tích rõ ràng trước khi giải ngân số tiền lớn.
Dù vậy, giá trị mua ròng của khối ngoại vẫn chiếm tỷ trọng chưa phải quá cao dưới mức 20% tổng giá trị toàn thị trường, do đó giao dịch của nhà đầu tư trong nước vẫn đóng vai trò quan trọng.
"Hàng trăm cổ phiếu tăng trần cho thấy lực cung bán giảm đi rất mạnh và lực cầu đổ vào nhiều. Đó là dấu hiệu cho thấy sự quay lại của cá nhân trong nước, là dòng tiền hưởng ứng theo sự khởi động của vốn ngoại", chuyên gia phân tích.
Việc chỉ số bứt phá trong 2 phiên sẽ chưa phản ánh được xu hướng rõ ràng, tuy nhiên giám đốc KIS Việt Nam vẫn nhận thấy một số yếu tố tích cực hỗ trợ đà tăng.
Vị này cho rằng đà tăng có bền vững hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào các giải pháp của cơ quan quản lý trong việc xử lý các vấn đề nóng như trái phiếu trái phiếu hay nới room tín dụng, tăng lãi suất...
Chẳng hạn, câu chuyện thanh khoản trái phiếu và đáo hạn trái phiếu vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp chật vật xử lý, trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn. Đây được xem là nút thắt khiến nhà đầu tư đang hoang mang và là biến số cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, thị trường cũng đang râm ran về các thông tin tích cực về đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét nới thêm tín dụng thời điểm cuối năm hay Chính phủ đang chỉ đạo xử lý trái phiếu, gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản.
Nếu thị trường vẫn đón nhận những thông tin tích cực hay những chỉ đạo sát sao từ cơ quan quản lý đối với các vấn đề nóng thì chứng khoán vẫn còn tăng Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam |
"Nếu thị trường vẫn đón nhận những thông tin tích cực hay những chỉ đạo sát sao từ cơ quan quản lý đối với các vấn đề nóng thì chứng khoán còn tăng", vị chuyên gia dự báo.
Ông Phương nhìn nhận không còn nhiều nhà đầu tư lướt sóng trong vùng giá thấp hiện tại, những người mua vào đa phần có tầm nhìn trung dài hạn nên sẽ ít có xu hướng bán ra trong thời gian tới. Điều này sẽ dẫn đến lượng cung cổ phiếu sẽ ít hơn và lực cầu nếu thuận lợi sẽ tiếp tục được đổ vào. Theo đó thị trường có khuynh hướng đi lên theo hình zic-zac với những phiên điều chỉnh nhẹ để chốt lời ngắn hạn.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy