Dòng sự kiện:
Chứng khoán Mỹ đi xuống do lo ngại về diễn biến đại dịch COVID-19
17/07/2021 16:32:45
Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số đều giảm và chấm dứt đà tăng giá của ba tuần liên tiếp trước đó. Dow Jone giảm 0,5%, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 1% và 1,9%.

Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Tuần qua, mặc dù ghi nhận phiên tăng điểm kỷ lục song ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm với lo ngại về lạm phát và tình hình dịch COVID-19 trên thế giới là những yếu tố chính chi phối tâm lý nhà đầu tư.

Ngay phiên đầu tuần (12/7), ba chỉ số chính trên Phố Wall đều khép phiên ở các mức kỷ lục, cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế với chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc vượt 35.000 điểm.

Thị trường điều chỉnh trong ngày 13/7, khi các chỉ số rơi khỏi mức cao của phiên trước đó. Lo ngại gia tăng sau khi có số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ nhanh chóng lấy lại đà tăng vào phiên 14/7, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh rằng đà tăng vọt gần đây của lạm phát chỉ là tạm thời và Fed sẽ tập trung vào nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Người đứng đầu Fed cũng khẳng định chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tạo ra sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế cho đến khi phục hồi hoàn toàn.

Sang phiên tiếp theo 15/7, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) biến động trái chiều, với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng điểm còn chỉ số tổng hợp S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều đi xuống. Số liệu về tỷ lệ thất nghiệp hàng tuần của Mỹ giảm lại làm dấy lên nỗi lo về sự gia tăng lạm phát gần đây.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên vào đầu phiên 16/7 nhờ số liệu tích cực của lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới đã khiến sắc đỏ lan rộng, với ba chỉ số chính đều giảm điểm.

Bên cạnh đó, theo nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường Briefing.com (Mỹ), nhà đầu tư có xu hướng chốt lời trong khi tiếp tục chờ đợi những chỉ dấu tiếp theo để phán đoán hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, chỉ số Dow Jone giảm 0,9% xuống 34.687,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 4.327,16 điểm, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 0,8% và đóng cửa phiên ở mức 14.427,24 điểm.

Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số đều giảm và chấm dứt đà tăng giá của ba tuần liên tiếp trước đó. Dow Jone giảm 0,5%, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt là 1% và 1,9%.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng 0,6% trong tháng 6/2021, một kết quả vượt ngoài kỳ vọng bởi trước đó các nhà kinh tế dự báo số liệu này có thể giảm 0,4%.

Theo James Solloway, nhà phân tích chiến lược thị trường và giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư SEI Investments (Mỹ), người dân bắt đầu đi du lịch nhiều hơn và đến nhà hàng ăn uống, người tiêu dùng chuyển trọng tâm từ mua hàng hóa sang sử dụng dịch vụ, đồng thời chuyển sang mua hàng tại các cửa hàng thay vì mua sắm trực tuyến.

Mike Loewengart, giám đốc điều hành phụ trách chiến lược đầu tư tại E-Trade Financial, nhận định rằng tâm lý người tiêu dùng "ảm đạm" và nỗi lo lạm phát đã làm lu mờ những thông tin tích cực về doanh số bán lẻ.

Dữ liệu công bố trong tuần này cho thấy tình trạng thiếu lao động và tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã gây cản trở lớn cho những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ về hàng hóa và dịch vụ.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người đứng đầu Fed, ông Jerome Powell đã dự đoán tình trạng thiếu hụt nguồn cung và lạm phát cao sẽ giảm bớt trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo lắng rằng lạm phát kéo dài hơn, đặc biệt là khi giá nhà và ôtô đang tăng cao, điều này có thể dẫn đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát sơ bộ của Đại học Michigan cho thấy, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ giảm xuống 80,8 (điểm) vào tháng Bảy, giảm so với 85,5 hồi tháng Sáu.

Theo khảo sát của Wall Street Journal, các nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số này ở mức 86,3. Thực tế này cho thấy người tiêu dùng đang chuẩn bị sẵn tâm lý về khả năng chi phí sinh hoạt tăng 4,8% trong năm nay - mức cao nhất kể từ năm 2008.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả doanh thu quý 2 tăng trưởng tốt, nhưng giới đầu tư "bất an" về triển vọng không chắc chắn hậu COVID-19. Mặc dù nhiều người lạc quan khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại vào mùa Hè, song tình hình nửa năm sau còn nhiều nhiều yếu tố chưa rõ ràng, trong khi các ca lây nhiễm do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra đang gia tăng.

Tính đến sáng 17/7 (giờ Việt Nam), số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt mốc 190 triệu người. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Indonesia, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Làn sóng dịch mới là do biến thể Delta, chiếm 80% các ca mắc mới.

Tại cuộc họp mới đây của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã cam kết tăng cường nỗ lực sản xuất và chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 nhằm đẩy nhanh việc tiêm chủng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.

Tác giả: Mai Ly

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến