Hiện tượng “cạn cung” phủ đều các chỉ số dẫn dắt
Với nhiều nhà đầu tư theo quan điểm bám theo chính sách vĩ mô, thời điểm hai tuần giao dịch cuối tháng 2/2023 đang trở nên rất quan trọng khi đóng vai trò bản lề cho chính sách từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Nếu đúng lộ trình lãi suất, Fed sẽ chạm đến mục tiêu lãi suất điều hành trên 5%/năm, tạo tín hiệu xoay chiều cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Nhưng với dữ liệu CPI được công bố mới nhất trong tháng đầu năm 2023, bài toán kỳ vọng thị trường tạo đáy và đảo chiều đang phải lùi lại, bởi CPI vẫn tăng và đang ở mức cao gấp 3 so với trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Mặc dù thông tin lạm phát chưa thể kiểm soát hoàn toàn không quá bất ngờ, nhưng phần nào khiến các vị thế đầu cơ rủi ro cao trên thị trường tài chính buộc phải kiểm soát các thế lệnh của mình.
Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản.
Với vàng, áp lực bán gia tăng khi kỳ vọng đồng USD tiếp tục tăng, đẩy kim loại quý bước vào khu vực suy yếu. Diễn biến tương tự với chỉ số chứng khoán dẫn dắt như S&P 500 và Shanghai SE Composite, cả hai đều hướng về vùng “dò đáy” sau nhịp tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1/2023.
Ngược lại, với tài sản hưởng lợi từ lãi suất như trái phiếu, thì tín hiệu phục hồi trở lại với kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Cụ thể, vận động từ lãi suất trái phiếu đã bắt đầu có tín hiệu tăng trưởng từ vùng giảm mạnh. Xét về tính chu kỳ tài sản, vận động này là cần thiết khi giúp cân bằng lại trạng thái thị trường bị phân kỳ mạnh trong thời gian qua, với đà tăng từ nhóm tài sản rủi ro là chứng khoán.
Tích lũy lành mạnh với chỉ số VN30
Sau liên tiếp hai tuần điều chỉnh giảm, thời điểm hiện tại có thể bắt đầu kỳ vọng trạng thái tích lũy lành mạnh với đồ thị kỹ thuật VN30. Đồng thời, yếu tố kích hoạt cho nhịp tăng mới sẽ đến từ mức thanh khoản trung bình gia tăng trở lại, thể hiện dòng tiền bắt đáy bắt đầu tham gia.
Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30.
Đặt trong mức kỳ vọng ngắn hạn, VN30 đã xác lập được nền đáy tại vùng hỗ trợ mạnh của Fibonacci, với nền giá xoay quanh vùng 1.038. Nhưng điểm trừ cũng xuất hiện khi chỉ số đã vỡ kênh tăng trước đó và nhịp tăng không đi cùng thanh khoản khiến cho đà tăng chớm xuất hiện không thật sự bền vững.
Dựa vào yếu tố động lượng RSI, một chỉ báo rất phù hợp trong những thời điểm thị trường dao động mạnh không xu hướng, có thể thấy “xung lực” từ dòng tiền bắt đáy chưa quá nhiều. Vùng cản kháng cự tâm lý với dòng tiền mới tham gia từ RSI cũng cho thấy điểm chặn trong ngắn hạn. Kết hợp với vùng cản phản ứng giá tại đồ thị nến, có thể kỳ vọng vùng cản tâm lý giá 1.100 từ VN30 sẽ mục tiêu cho nhịp hồi kỹ thuật trong ngắn hạn.
Khuyến nghị: Mua tích lũy khi giá kiểm chứng nền hỗ trợ
Hợp đồng VN30F2302 kết thúc để lại khá nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư trên thị trường phái sinh về một xu hướng mới sẽ được thiết lập. Nhưng khác với giai đoạn tăng của tháng 1/2023, có thể việc giao dịch sản phẩm phái sinh trong giai đoạn nửa cuối tháng 2/2023 cần sự kiên nhẫn và ưu tiên quản trị vốn chặt chẽ.
Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M.
Dựa trên đồ thị kỹ thuật từ VN30F1M, giá đang tạo ra một xu hướng tăng mang tính dài hạn, khi nền đáy trong tháng 2/2023 cao hơn thời điểm cuối năm ngoái. Đồng thời, tính ổn định từ mức chênh lệch (Basis) so với chỉ số cơ sở là điểm nhấn quan trọng để bên mua (Long) duy trì chiến lược giao dịch mang tính trung hạn mỗi khi Basis giảm, tạo cơ hội mua ở mức giá hấp dẫn hơn.
Nhìn nhận một cách đơn giản, trong nhịp tăng tháng 1/2023, Basis gần như ủng hộ cho nhà đầu tư mở lệnh mua khi tạo được xu hướng. Điều này khiến cho dòng tiền tham gia mua lên luôn phải chấp nhận trả giá cao hơn để bám theo đà tăng.
Bên cạnh đó, các chỉ báo xu hướng và động lượng bắt đầu ủng hộ nhịp tăng cho VN30F1M, sau khi thị trường điều chỉnh giảm trong nửa đầu tháng 2. Cụ thể, với xu hướng MACD, vùng Histogram chuyển xanh sau quãng thời gian lao dốc. Tín hiệu này được ủng hộ với RSI ngắn hạn tăng mạnh từ vùng quá bán. Điểm nhấn còn đến từ tín hiệu phân kỳ dương trước đó cho thấy, hợp đồng phái sinh đang chuyển từ hướng “cạn cung” sang “hút cầu”, mang lại lợi thế cho bên mua.
Kết hợp với các biên cản kỹ thuật Fibonacci, thời điểm có thể mở vị thế mua trung hạn sẽ tập trung vào khu vực 1.040. Theo đó, nhà đầu tư có thể ưu tiên chiến lược mua khi giá điều chỉnh về nền này, với kỳ vọng mục tiêu ngắn hạn vượt cản 1.065. Nhưng nếu thanh khoản vẫn hụt như tuần qua, có thể cần phải ưu tiên quản trị lệnh tại mức 1.030, thậm chí mở vị thế bán (Short) trong trường hợp VN30F1M xuyên thủng vùng hỗ trợ.
Tác giả Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy