Dòng sự kiện:
Chứng khoán sáng 12/11: Gãy mốc 600 điểm
12/11/2015 15:32:12
Dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài khiến giao dịch phiên sáng nay khá buồn tẻ. Việc thiếu nội lực để bứt phá khiến trạng thái lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu của các chỉ số vẫn tiếp diễn và nguy cơ VN-Index bị bẻ gãy ở mốc 600 điểm đang lớn dần.

Tin liên quan

Tâm lý đứng ngoài quan sát khiến thị trường tiếp tục có phiên giao dịch ngày 11/11 khá ảm đạm. Chỉ số Vn-Index chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các bluechip đã “kiệt sức” sau thời gian tăng mạnh trước đó như FPT, BVH cùng đà rơi mạnh của các mã khác như VIC, VCB, SSI, DPM… đã kéo Vn-Index đã lùi về sát mốc 600 điểm và ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp.

Bên cạnh dòng tiền nội tham gia hạn chế, khối ngoại cũng giao dịch khá thấp. Trong phiên hôm qua, nếu loại trừ yếu tố đột biến VNM với giá trị lên tới hơn 341 tỷ đồng thì giao dịch mua-bán của khối này gần như đạt thấp nhất trong năm. Điều này tiếp tục tác động tới tâm lý thị trường kéo thanh khoản suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ điều chỉnh chưa quá lớn và mốc điểm 600 vẫn là hỗ trợ cứng.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, đà giảm thị trường vẫn được duy trì với giao dịch khá cầm chừng. Kết thúc đợt 1, Vn-Index giảm 1,51 điểm (-0,25%) xuống 602,02 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,74 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 48,36 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, giao dịch không có nhiều biến động, chỉ số Vn-Index lình xình đi ngang với tâm trạng “tiến thoái lưỡng nan”. Thanh khoản thị trường cũng khá ảm đạm khi bên mua vẫn tỏ ra thận trọng với những giao dịch nhỏ giọt trong khi bên bán tiếp tục đẩy mạnh chốt lời.

Bộ ba cổ phiếu VNM, BVH và FPT đã lấy lại đà tăng và là lực đỡ chính của thị trường, tuy nhiên lực tăng chưa đủ mạnh để giúp VN-Index bật qua mốc tham chiếu trước áp lực chốt lời khá mạnh ở các mã bluechip khác như VIC, MSN, GAS, HPG…

Tưởng chừng được tiếp thêm sức mạnh từ tuyên bố của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết, FLC sẽ đón đợt sóng mới, tuy nhiên, đà tăng đã bị chặn lại trong phiên hôm qua (ngày 11/11) khi áp lực đẩy bán gia tăng mạnh. Sang phiên hôm nay, lực cầu hấp thị trong phiên sáng đã giúp FLC vượt qua mốc tham chiếu với mức tăng 4% và thanh khoản tích cực khi dẫn đầu sàn đạt 3,63 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.

Trái lại, LDG vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá. Áp lực bán tiếp tục duy trì ở mức cao khiến LDG ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với lượng dư bán sàn 1,65 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên sàn HNX, nỗ lực nâng đỡ của các mã bluechip như ACB, VND, VCG, SCR… đã giúp HNX-Index bật xanh trở lại.

Đáng chú ý, CEO sau công bố kết quả kinh doanh quý III/2015 không mấy khả quan khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 9,94 tỷ đồng đã kéo giá cổ phiếu CEO suy giảm khá mạnh ở mức 800 đồng (-5,1%) xuống 15.000 đồng/CP và khớp 0,66 triệu đơn vị.

KVC và TIG là hai cổ phiếu dẫn đầu thanh khoản trên sàn khi chuyển nhượng gần 1 triệu đơn vị và đều đang đứng giá tham chiếu.

Diễn biến đi ngang nhanh chóng bị phá vỡ khi bên bán đẩy mạnh chốt lời. Áp lực bán khiến bảng điện tử bị nhuộm đỏ, trong đó, hầu hết các trụ cột cũng xuyên qua mốc tham chiếu và rớt mạnh khiến VN-Index một lần nữa đánh mất mốc 600 điểm. Dòng tiền đã nhập cuộc sôi động hơn khi mức giá các cổ phiếu đã được đẩy xuống khá thấp.

Chốt phiên, toàn sàn HOSE có tới 131 mã giảm và chỉ 63 mã tăng, chỉ số Vn-Index giảm 5,42 điểm (-0,9%) xuống 598,11 điểm. Nhóm VN30 có 5 mã tăng, 19 mã giảm và 6 mã đứng giá, chỉ số Vn30-Index giảm 6,6 điểm (-1,08%) xuống 606,11 điểm.

Thanh khoản tăng tích cực so với phiên sáng qua với khối lượng đạt 66,72 triệu đơn vị, trị giá tương ứng 1.140,5 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,46 triệu đơn vị, trị giá 37,54 tỷ đồng.

Trong nhóm cổ phiếu bluechip, cùng với việc lùi về mốc tham chiếu của BVH, VNM cũng đã chuyển sang giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm 0,77%, cùng đà giảm của các “ông lớn” như VIC giảm 2,04%, MSN giảm 1,36%, GAS giảm 2,62% là lực hãm chính kéo thị trường suy giảm mạnh.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu “vua” ngân hàng cũng đua nhau giảm điểm như VCB giảm 1,47%, CTG và BID cùng giảm nhẹ 1 bước giá, STB sau quyết định ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó chủ tịch thường trực đã giảm khá mạnh ở mức 3,15%. Điểm sáng duy nhất trong ngành là MBB khi sắc xanh vẫn được bảo toàn với mức tăng nhẹ gần 0,7% và chuyển nhượng thành công hơn 2 triệu đơn vị.

Ở nhóm chứng khoán và dầu khí cũng đồng loạt kéo giảm khá mạnh. Cụ thể, HCM giảm 2,02%, SSI giảm 0,86%, PVD giảm 1,17%.

Trong nhóm cổ phiếu ô tô, sau thời gian nửa đầu phiên sáng tăng mạnh, HTL đã lùi về mức giá tham chiếu; các mã còn lại của nhóm là HAX, SVC, TMT vẫn duy trì trạng thái giảm mạnh.

Ở nhóm cổ phiếu cần quan tâm, với khuyến nghị bán ra của BSC, KSA đã nhanh chóng lui về nằm sàn và đóng cửa ở mức 5.000 đồng/CP với lượng khớp 0,82 triệu đơn vị, dư mua sàn 0,2 đơn vị. Trái lại, dù được BSC khuyến nghị mua vào nhưng FIT cũng không giữ được sắc xanh và quay đầu giảm nhẹ 1% với lượng khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Thanh khoản thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở những mã thị trường. Cụ thể, FLC dẫn đầu khối lượng giao dịch đạt 8,53 triệu đơn vị và đóng cửa nhích nhẹ 1 bước giá. Tiếp đó, HHS khớp gần 6 triệu đơn vị, VHG và DLG khớp 2,8 triệu đơn vị…

Tương tự, trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng kéo HNX-Index lùi về dưới mốc tham chiếu với mức giảm 0,04 điểm (-0,05%) xuống 80,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,31 triệu đơn vị, trị giá 228,17 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là tác nhân chính kéo thị trường đi xuống khi có tới 18 mã giảm và chỉ 5 mã tăng nhẹ, chỉ số HNX30-Index giảm 0,63 điểm (-0,43%) xuống 147,61 điểm.

Trong đó, hầu hết các cổ phiếu dầu khí chủ chốt đều giảm điểm gồm PVX giảm 3,33%, PVS giảm 1,44%, PVC giảm 1,55%, PVB giảm 0,3%.

Các cổ phiếu thanh khoản tốt trên sàn gồm TIG, KLF, SCR, ACM và KVC cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến