Dòng sự kiện:
Chứng khoán sáng 13/1: Hai sàn trái chiều
13/01/2016 12:55:34
Trong khi VN-Index đảo chiều giảm nhẹ do áp lực chốt lời sớm, thì HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh nhờ sự hỗ trợ của các mã dầu khí vốn hóa lớn.

Tin liên quan

Sau phiên tăng kỹ thuật hôm qua, thị trường tiếp tục duy trì được sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay khi đa phần các mã cổ phiếu lớn hay các nhóm cổ phiếu dẫn dắt có được sắc xanh. Trong đó, nhóm dầu khí thể hiện sự tích cực hơn cả.

Mặc dù giá dầu thế giới chính thức xuống dưới 30 USD/thùng, song bước vào phiên giao dịch sáng nay, hầu hết nhóm cổ phiếu này đều bật tăng. GAS và PVD cùng tăng 500 đồng, PVC tăng 400 đồng, PVT , PVSvà PVB tăng tăng nhẹ 1-2 bước giá…

Kết thúc đợt 1, VN-Index tăng 0,95 điểm (+0,17%) lên mức 565,21 điểm, tổng giá trị giao dịch đạt 3,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 39 tỷ đồng.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, trong khi một số mã lớn như VIC, MSN, STB, HPG, HSG… đã quay đầu giảm điểm, nhưng VCB, FPT, KDC, SSI, HCM… cùng với nhóm dầu khí đang nỗ lực đỡ thị trường không giảm nhanh.

Áp lực bán trên thị trường nhìn chung là không mạnh, nhưng luôn được tung ra vào mỗi nhịp hồi khiến thị trường liên tục trồi sụt.

Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu tại một số mã có tính đầu cơ cao như HAG, FLC, HHS, DLG, VHG…

Đáng chú ý, sau chuỗi tăng liên tục kể từ khi lùi xuống dưới mệnh giá vừa qua, cổ phiếu HAG bắt đầu chịu áp lực chốt lời khá mạnh nên hiện đang giảm 300 đồng xuống 11.000 đồng/CP và khớp hơn 2,3 triệu đơn vị.

Sự thận trọng cao độ của cả bên mua và bán khiến thanh khoản thị trường gần như tắc nghẽn, tổng giá trị giao dịch trên cả 2 chỉ số chỉ đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Theo đó, diễn biến giằng co mạnh quanh mốc tham chiếu tiếp tục được duy trì cho đến cuối phiên.

Kết thúc phiên sáng 13/1, VN-Index giảm 0,12 điểm (-0,02%) xuống 564,14 điểm với 93 mã tăng và 77 mã giảm. Chỉ số VN30-Index giảm 1,49 điểm (-0,26%) xuống 580,9 điểm với 12 mã tăng và 13 mã giảm.

Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 64,42 triệu đơn vị, giá trị hơn 955 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tới gần 1/4 giá trị với hơn 204 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 4,8 triệu cổ phiếu CII, giá trị 109,44 tỷ đồng và 4 triệu cổ phiếu SAM, giá trị 33,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, HNX-Index vẫn tăng 0,29 điểm (+0,38%) lên 76,94 điểm với 83 mã tăng và 68 mã giảm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,91 điểm (+0,68%) lên 135,36 điểm với 15 mã tăng và 6 mã giảm. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 16,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 183 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận là 0 đồng.

Trên HOSE, việc mất nhiều trụ đỡ khiến chỉ số sàn này liên tục trồi sụt, mà không thể vượt qua mốc tham chiếu, cho dù đà tăng của nhóm dầu khí được cải thiện.

VNM giảm 1.000 đồng về 122.000 đồng/CP. VIC và MSN cùng giảm 500 đồng. Các mã lớn khác như FPT, HSG, HPG, STB… cũng giảm nhẹ.

Đà tăng của nhóm dầu khí đã được nới rộng hơn, dù có hơi đuối trong ít phút cuối phiên. GAS tăng 600 đồng lên 35.300 đồng/CP. PXS vẫn neo cứng ở mức giá trần 10.500 đồng/CP. PVD tăng mạnh 900 đồng lên 23.400 đồng/CP và khớp tới 1,97 triệu đơn vị.

Cùng với nhóm dầu khí, một số mã lớn khác như KDC, SSI, VCB, REE, DPM… giữ được sắc nhẹ, góp phần hãm đà giảm của chỉ số. Trong đó, SSI tăng 300 đồng lên 21.000 đồng/CP và khớp 1 triệu đơn vị.

Thanh khoản ở nhóm cổ phiếu lớn trong phiên sáng nay khá yếu kém. Hoạt động giao dịch chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở một số mã có tính đầu cơ.

HAG bị chốt lời khá mạnh và giảm 200 đồng về 11.100 đồng/CP và khớp 4,2 triệu đơn vị. FLC cũng giảm 200 đồng về 7.700 đồng/CP và khớp 8,95 triệu đơn vị, dẫn đầu toàn thị trường. Còn DLG lại bất ngờ tăng kịch trần lên 6.200 đồng/CP và khớp được 3,66 triệu đơn vị.

Nhiều mã vừa và nhỏ khác đã đua nhau giảm sàn như JVC, ASP, MDG, ATA, TMS, EMC,... trong đó JVC đã giảm phiên thứ 5 liên tục.

Trên HNX, nhóm dầu khí cũng đã nới rộng đáng kể đà tăng. Các mã PVS, PVB, PLC, PVC đều tăng tốt, từ 400-600 đồng. Trong đó, PVS tăng 400 đồng lên 15.300 đồng/CP và khớp 1,14 triệu đơn vị và cũng là mã duy nhất trên sàn đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị.

Nhóm các cổ phiếu có tính đầu cơ như SCR, TIG, SHN, ITQ, VIX, KHB… đều có thanh khoản khá yếu khi sức cầu hạn chế.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến