Dòng sự kiện:
Chứng khoán sáng 26/5: VN-Index chính thức mất mốc 610 điểm
26/05/2016 14:35:13
Sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu dầu khí chỉ giúp VN-Index cầm cự được trong nửa đầu phiên sáng, trước khi quay đầu giảm mạnh cuối phiên và chính thức mất mốc 610 điểm trước áp lực bán giá thấp gia tăng ở hàng loạt mã khác.

Tin liên quan

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã cứu VN-Index thoát được phiên giảm điểm ngày 25/5, nhưng thanh khoản thị trường vẫn chưa mấy cải thiện bởi tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng. Trong đó, giao dịch khối ngoại cũng thiếu tích cực khi lượng mua-bán trên cả hai sàn giảm mạnh.

Hầu hết giới phân tích đều nhìn nhận, thị trường đang diễn biến thiếu tích cực khi cho rằng, nếu các nhân tố mới có tính dẫn dắt dòng tiền không xuất hiện, khả năng tiếp tục giảm nhẹ và đi ngang sẽ là diễn biến chính trong thời gian tới.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay, thị trường tiếp tục trạng thái giao dịch khá cân bằng và trở lại xu hướng điều chỉnh nhẹ trở lại khi lực cầu suy yếu, dòng tiền chủ yếu vẫn đứng ngoài quan sát.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm nhẹ 0,01 điểm, tạm đứng ở mức 611,88 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 3,89 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 59,6 tỷ đồng.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, thị trường chưa thấy dấu hiệu tích cực, chỉ số VN-Index giao động quanh mốc tham chiếu và liên tục đổi sắc theo diễn biến nhóm cổ phiếu bluechip.

Thông tin giá dầu thô lần đầu tiên giao dịch trên 50 USD/thùng trong hơn 6 tháng qua là động lực chính giúp các cổ phiếu dầu khí tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, diễn biến thiếu tích cực trên toàn thị trường cũng phần nào tác động tới giá cổ phiếu họ P khi đà tăng không như mong đợi. Cụ thể, GAS chỉ tăng 0,87%, PVD tăng 1,36%.

Mặc dù trong nhóm VN30, nhiều cổ phiếu đã vượt mốc tham chiếu nhưng biên độ tăng khá hạn chế chỉ vài bước giá, chưa đủ sức giúp thị trường có sức bật mạnh.

Tâm lý đứng ngoài quan sát khiến thanh khoản thị trường suy yếu. Sau gần 1 giờ giao dịch, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ 500 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HOSE chỉ có duy nhất 2 mã nóng GTN và TSC có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu tí hon, bên cạnh PTL xác lập phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp với khối lượng dư mua trần gần 2,5 triệu đơn vị, lực cầu tăng mạnh cũng giúp OGC có được sắc tím với lượng dư mua trần khá lớn, đạt 1,52 triệu đơn vị.

Tương tự, HNX-Index hiện cũng giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu và chưa co khả năng bứt phá. Dòng tiền cũng hướng vào các cổ phiếu vừa và nhỏ như DCS, TVC, PVL, TIG...

Sau hơn 1 giờ giao dịch, thị trường đang dần hồi phục nhờ điểm tựa bluechip khởi sắc. Tuy nhiên, dòng tiền chưa dứt khoát cùng biên độ tăng chưa đủ lớn để giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào đà tăng bền vững của thị trường.

Sau gần nửa phiên sáng giao dịch giằng co, thị trường lao dốc mạnh bởi áp lực bán mạnh dần lên về cuối phiên. Bên cạnh việc thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu bluechip, sắc đỏ lan rộng bảng điện tử kéo hai chỉ số lùi sâu dưới mốc tham chiếu, rơi xuống mức giá thấp nhất của phiên. Trong đó, VN-Index chính thức chia tay mốc 610 điểm sau bao nỗ lực chinh phục và cầm cự.

Chốt phiên giao dịch sáng, toàn sàn HOSE có tới 130 mã giảm, gấp hơn 2 lần số mã tăng (64 mã), chỉ số VN-Index giảm 4,77 điểm (-0,78%) xuống 607,12 điểm. Trong nhóm VN30 cũng có tới 15 mã giảm, 11 mã tăng và 4 mã đứng giá, chỉ số Vn30-Index giảm 2,46 điểm xuống 610,28 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn chưa thấy dấu hiệu cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 67,17 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 1.162,86 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 17,73 triệu đơn vị, trị giá 264,48 tỷ đồng, đáng chú ý, HHS thỏa thuận 10,73 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, đóng góp 95,52 tỷ đồng.

Tương tự, sắc đỏ cũng ngập tràn sàn HNX với 108 mã giảm và chỉ 47 mã tăng, chỉ số HNX-Index giảm 0,53 điểm (-0,65%) xuống 80,74 điểm. Nhóm HNX30 diễn biến khá xấu khi chỉ có 3 mã tăng trong khi tới 18 mã giảm, chỉ số HNX30-Index giảm 1,02 điểm xuống 144,76 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HNX đạt 26,81 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 283,9 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,32 triệu đơn vị, trị giá 41,87 tỷ đồng. Riêng ACB thỏa thuận 1,62 triệu đơn vị, trị giá 30,19 tỷ đồng.

Lực hãm chính vẫn chủ yếu đến từ các ông lớn như VNM giảm 1,39%, VIC giảm 1,92%, MSN giảm 0,71%, BVH giảm 1,68%, GAS giảm 0,87%. Trên HNX, các mã NTP, LAS, ACB, VCG, VND, BVS… đều giảm sâu dưới mốc tham chiếu.

Giá dầu thô khởi sắc, chạm mốc 50 USD/thùng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua nhưng dưới áp lực bán trên diện rộng, diễn biến giá các cổ phiếu dầu khí cũng thiếu tích cực. Bên cạnh GAS đảo chiều giảm điểm, các mã lớn khác như PVS, PVC, PLC lùi về mốc tham chiếu, PVD và PVB hãm mạnh đà tăng, chỉ còn nhích nhẹ.

Lực bán đẩy lên cao trong khi dòng tiền tham gia vào thị trường khá hạn chế bởi tâm lý thận trọng quan sát. Thanh khoản giảm mạnh và vẫn tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu nóng quen thuộc, cụ thể, HQC dẫn đầu với khối lượng khớp 2,77 triệu đơn vị; tiếp đó, GTN khớp 2,41 triệu đơn vị, các mã HAG, TSC, KSA… khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Điểm sáng trên sàn HNX là DCS. Sau phiên tăng trần hôm qua, dù DCS bị chốt lời nhẹ và đánh mất sắc tím nhưng lực cầu hấp thụ mạnh giúp DCS vẫn duy trì nhịp tăng khá tốt. Chốt phiên, DCS tăng 5,26%, đứng ở mức giá 4.000 đồng/CP và khớp 5,31 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Theo Đầu tư chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến