Chứng khoán Viễn Đông giải thể, Kido có ‘ôm hận’?
03/10/2016 06:57:49
ANTT.VN – Đặt niềm tin nhầm chỗ vào Chứng khoán Viễn Đông khiến tham vọng thâu tóm Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật (Vocarimex) của Kido bị chậm trễ, cùng khoản nợ xấu trăm tỷ treo lơ lửng trên đầu.

Tin liên quan

Ngày 23/8/2016, UBCKNN có Quyết định số 884/QĐ-UBCK về việc chấm dứt hoạt động kinh doanh của Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE).

Trước đó, ban lãnh đạo công ty đã quyết định cho giải thể VDSE sau 9 năm ‘vật vờ’, không thể cạnh tranh nổi các công ty chứng khoán khác. Lỗ lũy kế tính tới thời điểm 31/12/2015 là 133,9 tỷ đồng, bằng 99,19% vốn điều lệ.

Ngày 24/7/2014, UBCKNN có quyết định số 551/QĐ-UBCK và Quyết định số 698/QĐ-UBCK ngày 17/08/2015 đặt VDSE vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. 

Ngày 12/1/2016, UBCKNN ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBCK đình chỉ hoạt động của VDSE, hạn công ty này thời hạn 6 tháng để đáp ứng các điều kiện quy định về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán.

Công ty CP Chứng khoán Viễn Đông được thành lập vào đầu năm 2008 với số vốn điều lệ 135 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất là Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS – 105 tỷ đồng). 

Trong quá trình tồn tại, ngoại trừ năm 2009 chứng kiến khoản lãi vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng, tất cả những năm còn lại VDSE đều chìm trong thua lỗ, cá biệt năm 2014 lỗ tới 76,6 tỷ đồng.

Chứng khoán Viễn Đông chìm trong thua lỗ kể từ ngày thành lập

Kido có ‘ôm hận’?

Tình hình kinh doanh của VDSE ngày càng tệ đi, chứng tỏ năng lực hoạt động của công ty chứng khoán này có vấn đề, tuy nhiên một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất nước vẫn đặt niềm tin không nhỏ vào VDSE.

Nghị quyết ĐHĐCĐBT ngày 1/12/2014 của Công ty CP Kinh Đô (Nay là Công ty CP Tập đoàn Kinh Đô – HOSE: KDC) đã chấp thuận kế hoạch mua thêm cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) để nâng sở hữu trong Vocarimex từ 24% lên 51%, biến doanh nghiệp này trở thành một công ty con của KDC.

Để thực hiện kế hoạch trên, ban lãnh đạo KDC đã chi tạm ứng tổng cộng 473,8 tỷ đồng mua cổ phần của Vocarimex tính đến ngày 31/12/2015, thông qua Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (187,6 tỷ đồng), VDSE (134,7 tỷ đồng), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thinh vượng (110,1 tỷ đồng) và một số đối tác khác (41,3 tỷ đồng).

Cuối năm 2014, các cổ đông của KDC mới thông qua giao dịch trên, tuy nhiên KDC và VDSE trước đó gần 4 tháng, ngày 11/7/2014 đã cùng nhau ký hợp đồng số 1007/HĐMG-VDSE/2014 trị giá 134,7 tỷ đồng.

KDC tới cuối quý II/2016 vẫn chưa thu được khoản tạm ứng 134,7 tỷ đồng từ VDSE. Nguồn: BCTC riêng KDC bán niên 2016 soát xét

Ngay ngày hôm sau, 12/7/2014, VDSE ủy thác cho 5 cá nhân để mua cổ phần Vocarimex, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hùng (5,2 tỷ đồng), thời điểm đó đang là thành viên HĐQT Công ty CP Bamboo Capital (HOSE: BCG) – cổ đông lớn nhất của Bảo hiểm Viễn Đông (Công ty mẹ của VDSE); ông Hùng nay là ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ BCG.

Ngoài ra còn có bà Trần Thị Kiều Tiên (50 tỷ đồng), thời điểm đó là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VDSE, cùng chồng là ông Thái Tường Linh (29,3 tỷ đồng) và các cá nhân Nguyễn Như Hường (45,3 tỷ đồng); Trần Thị Mỹ Hạnh (4,8 tỷ đồng.

5 cá nhân được VDSE ủy thác mua cổ phần Vocarimex cho KDC. Nguồn: BCTC VDSE 2015 kiểm toán

Ngày 20/1/2016, UBCKNN đã có văn bản số 323/UBCK-QLKD yêu cầu VDSE tất toán các hợp đồng môi giới liên quan đến công nợ 134,7 tỷ đối với KDC. Tuy nhiên BCTC kiểm toán soát xét bán niên KDC cho thấy tính tới cuối tháng 6/2016, KDC vẫn chưa thu hồi được khoản nợ trên.

Năm 2015, lợi nhuận của KDC lên tới 5.270 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2014, chủ yếu nhờ khoản doanh thu tài chính khi nhượng lại 80% cổ phần trong Công ty CP Kinh Đô Bình Dương.

Khoản tiền tươi thu về quá lớn, cùng với việc từ bỏ mảng bánh kẹo – mảng kinh doanh lớn nhất (KDC vừa qua đã nhượng lại nốt 20% còn lại trong CTCP Mondelez Kinh Đô – trước đây là CTCP Kinh Đô Bình Dương) có thể đã tạo ra áp lực phải tìm ra lĩnh vực kinh doanh mới đối với những người đứng đầu KDC.

Áp lực ấy có chăng đã khiến những lãnh đạo của KDC đã không được sáng suốt khi chọn VDSE làm một trong những công ty môi giới chứng khoán trong thương vụ Vocarimex.

Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT KDC ông Trần Lệ Nguyên - 'đạo diễn' đứng sau một loạt thương vụ M&A đình đám của KDC vừa qua

Chưa kể đến chi phí tài chính mất đi trong gần 2 năm qua (hàng chục tỷ đồng nếu quy ra lãi suất tiền gửi ngân hàng), việc đặt nhầm niềm tin vào VDSE khiến quá trình thâu tóm Vocarimex bị chậm hơn rất nhiều so với toan tính ban đầu của KDC. Đồng thời khoản nợ gần 135 tỷ đồng đối với VDSE cũng rất khó để thu hồi, khi mà VDSE giờ không khác gì một cái ‘xác khô’, với tổng tài sản tính tới cuối năm 2015 chỉ nhỉnh hơn khoản nợ với KDC một chút, ở mức 137,5 tỷ đồng (chủ yếu là khoản ủy thác đầu tư với 5 cá nhân kể trên), trong đó tiền và tương đương tiền là 98 triệu đồng.

Ở một diễn biến khác, trong lúc vẫn đang chờ đợi cơ hội mua thêm 27% cổ phần nữa từ Vocarimex, KDC vừa chào mua công khai 12,34 triệu cp, tương đương 65% cổ phần Công ty CP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC) – một công ty liên kết mà Vocarimex nắm giữ 27% cổ phần. 

Được biết, để thực hiện giao dịch trên, KDC đã tạm ứng cho Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt gần 440 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.

Nếu thương vụ được thực hiện thành công, KDC sẽ chi phối tới 92% cổ phần TAC thông qua 65% sở hữu trực tiếp và 27% gián tiếp từ Vocarimex.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến