Dòng sự kiện:
Chương trình GDPT mới và những nỗi trăn trở
22/01/2018 14:40:30
Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020. Còn rất nhiều vấn đề người làm trong ngành giáo dục trăn trở trước khi áp dụng chương trình mới này.

Trăn trở chuyện thừa - thiếu giáo viên

VietnamPplus đưa tin, khảo sát thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tổng số giáo viên thừa của các cấp học so với tổng số giáo viên hiện nay là 40.264 người.

Trong đó, bậc trung học cơ sở thừa nhiều nhất. Hiện bậc học này đang có gần 311.000 giáo viên. Trong 4 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 giáo viên. Đến năm học 2023-2024, khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các địa phương trong thời gian tới cần tính toán để cân đối giáo viên ở bậc học này, thậm chí có thể dừng tuyển mới.

Bậc trung học phổ thông cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 trong tổng số 150.700 giáo viên hiện tại. Bậc học này thừa thêm 4.387 giáo viên vào năm học 2022-2023 nhưng lại thiếu khoảng 21 giáo viên vào năm học 2023-202.

HÌNH MINH HỌA

Trong khi các cấp phổ thông thừa hàng nghìn giáo viên thì bậc tiểu học lại vừa thừa vừa thiếu.

Bậc học này đang có 397.000 giáo viên. Khi triển khai chương trình mới ở lớp một, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên, thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021.

Từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, bậc học này lại thiếu giáo viên. Tổng số giáo viên thiếu là trên 5.000 giáo viên.

Về tổng thể xảy ra tình trạng dôi dư giáo viên. Tuy nhiên, xét theo từng môn ở từng cấp học, nhiều môn sẽ thiếu giáo viên với số lượng khá lớn.

Ở bậc tiểu học, hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học. Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô mỗi môn.

Ở bậc trung học phổ thông, khi triển khai chương trình giáo dục mới sẽ có thêm 2 môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật. Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm, bậc học này vẫn cần tuyển thêm khoảng 2.700 giáo viên mỗi môn.

Cần xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học

Thông tin trên báo Dân Trí, theo tính toán của Bộ GD&ĐT, cần phải đầu tư xây dựng bổ sung khoảng 57.084 phòng học (Tiểu học 30.344 phòng học, THCS 20.571 phòng học, THPT 6.169 phòng học). Cùng đó, để kiên cố hóa các phòng học, đầu tư xây dựng thay thế 96.352 phòng học (tiểu học 55.035 phòng học, THCS 18.017 phòng học, THPT 3.330 phòng học).

Phòng học bộ môn: Cần xây dựng bổ sung khoảng 24.300 phòng còn thiếu và 10.244 phòng chưa đáp ứng quy định; cấp THPT (với quy mô quy ước 1 trường THPT 24 lớp, cần 6 phòng) cần xây dựng bổ sung khoảng 3.270 phòng còn thiếu và 3.195 phòng chưa đáp ứng quy định.

Thư viện: Cần bổ sung thêm 27.849 phòng cho thư viện (Tiểu học 15.538 phòng; THCS 9.831 phòng; THPT 2.480 phòng).

Thiết bị dạy học tối thiểu: Cần bổ sung 156.075 bộ thiết bị (theo danh mục sẽ ban hành) trong đó: Tiểu học 134.328 bộ; THCS 17.099 bộ và THPT 4.648 bộ.

Phòng học bộ môn: Cần bổ sung thêm ít nhất khoảng 30.112 bộ thiết bị (THCS là 23.613 bộ, THPT là 6.499 bộ).

Trước mắt, Bộ GD&ĐT điều chỉnh Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương: Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng trường học, Điều lệ trường học, các quy định về công nhận trường chuẩn quốc gia...

Xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học và rà soát, xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất trường học giai đoạn 2021 - 2025.

Phía các địa phương, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về việc tăng cường cơ sở vật chất (CSVC) cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng CSVC, TBDH để phân loại theo 3 nhóm: Còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; hư hỏng nhưng không thể cải tạo, sửa chữa được. Từ đó tổ chức, khai thác, sử dụng sao cho hợp lý. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông. 

Chương trình mới có nhiều khác biệt so với chương trình hiện hành như chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh. Chương trình mới sẽ dạy tích hợp ở bậc tiểu học và phân hóa dần ở các bậc học cao hơn. Giáo dục cơ bản sẽ kết thúc ở bậc trung học cơ sở. Bậc trung học phổ thông là chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Tường Vy (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến