Dòng sự kiện:
Chương trình hành động bảo tồn Ca trù của Bộ VH – TT – DL: Bao giờ phát huy hiệu quả?
08/08/2014 13:42:34

Cũng như những di sản khác, sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Ca trù cũng có riêng một chương trình hành động do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành. Thế nhưng, sau gần 5 năm được vinh danh, những nỗ lực bảo tồn trên thực tế dường như chỉ là tự phát của các câu lạc bộ rải rác tại 15 tỉnh có di sản Ca trù. Chứ chương trình hành động không tác động là mấy đến việc bảo tồn di sản.
 
Có thể điểm qua những nội dung cơ bản trong chương trình hành động bảo tồn Ca trù, đó là: xây dựng kế hoạch kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể hát Ca trù; Củng cố, duy trì hoạt động và thường xuyên kết nạp thành viên mới; Hàng năm tổ chức lớp học để truyền dạy và xây dựng lớp nghệ nhân kế cận; ban hành chính sách đãi ngộ, phong tặng nghệ nhân dân gian cho các cá nhân có tài năng, có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản ca trù…
 
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế chưa làm được bao nhiêu. Trung tâm của nghệ thuật hát Ca trù - Thủ đô Hà Nội luôn được những ca nương, kép đàn trong nghề quan tâm, học hỏi vì đây là nơi hội tụ sức sống, tập trung tinh hoa ngón nghề từ xa xưa. Ngoài 3 câu lạc bộ khác chỉ lưu giữ trong khuôn khổ gia đình, Hà Nội cũng là địa phương duy nhất có hai điểm biểu diễn- câu lạc bộ, giới thiệu Ca trù tại đình Kim Ngân - Hàng Bạc và ngôi nhà di sản 87 Mã Mây. Thế nhưng, tính đến thời điểm này, ngoài kỳ liên hoan cuối năm 2012 và chương trình tặng thiết bị âm thanh đến 5 câu lạc bộ Ca trù (trị giá 40 triệu đồng mỗi bộ) thì hầu như thành phố Hà Nội chưa có hoạt động cụ thể nào khác. Dẫu biết rằng có còn hơn không nhưng so với 9 mục tiêu hành động mà Bộ Văn hoá đề ra nhằm bảo tồn Ca trù ngay sau khi được vinh danh thì xem ra là quá ít ỏi. Ông Nguyễn Khắc Lợi- Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng phải thừa nhận: “Việc quan tâm này chưa đủ so với yêu cầu, sự cần thiết để chống lại mai một của loại hình này, kể cả về mặt chính sách, kinh phí, lực lượng”.

Nghệ thuật Ca trù cần được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng để bảo tồn và phát triển.

Hàng năm, Viện Âm nhạc cũng phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tổ chức mở lớp "Truyền dạy ca trù” theo từng đợt. Tuy nhiên, mỗi khóa học chỉ vẻn vẹn trên dưới 10 ngày- thời gian quá ngắn ngủi để đào tạo nên một người hát Ca trù. Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ khẳng định: “Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long truyền nghề từ 2006 đến giờ mà vẫn trong tình trạng chưa đến nơi đến chốn, vẫn thường xuyên biểu diễn, mỗi tuần 3 buổi, 4 năm trời và để nói đến mức độ tiến bộ thì vẫn phải cố gắng nhiều chứ chưa thể lên đỉnh cao ngay. Còn đây chúng ta chỉ tổ chức dạy học một vài tuần, hoặc là một tháng thì không giải quyết được cái gì”.
 
Nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ cũng khẳng định: chương trình hành động bảo tồn Ca trù đến nay vẫn mang tính lý thuyết. Chính bà cũng không biết đến chương trình này. “Tại một cuộc hội thảo do Sở Văn hóa tổ chức và yêu cầu các câu lạc bộ có bản tham luận, trong đó có tham khảo chương trình hành động. Đọc chương trình hành động đó xong thì mình mới giật mình. Lẽ ra chương trình hành động đó, sau khi Ca trù được UNESCO công nhận thì phải được đưa về các Sở, đến được các câu lạc bộ và rót được kinh phí cho câu lạc bộ hoạt động. Bởi vì truyền nghề thì chỉ có câu lạc bộ mới truyền nghề được”, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Huệ nói.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan cũng khẳng định: lợi thế của việc bảo tồn Ca trù chính là cộng đồng- những cái nôi Ca trù. Trải dài 15 tỉnh thành phố, điều đó ít nhiều nói lên sức sống của Ca trù vốn đâu chỉ riêng Hà Nội. Thế nhưng, hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt từ phía quản lý văn hóa dành cho Ca trù trong những năm qua còn rất yếu: “Các địa phương hầu như chưa có động thái nào, chương trình hành động nào quán xuyến cả. Khi nào có vụ việc thì các tỉnh mới ngó ngàng một chút thôi. Cho nên việc phát triển Ca trù do tổ chức của nhà nước, của chính quyền các địa phương thì phải nói hầu như không được quan tâm”.
 
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan dẫn chứng thêm: “Tôi đã làm việc với đôi ba đồng chí ở Sở Văn hóa thì họ nói rất muốn chi nhưng không có cơ sở để chi. Bởi vì chi tiền của nhà nước là phải chi theo ngành nào, ngạch nào, chi theo quyết định nào, thông tư nào. Hiện nay chúng ta không có thông tư, không có chỉ thị. Thành thử các tỉnh có muốn làm cũng không được. Ở đây chúng ta thiếu hẳn mặt pháp lý cho các tỉnh. Có lẽ Bộ Văn hóa phải làm việc này”.
 
Bấy lâu nay chúng ta vẫn giữ quan niệm, thậm chí đòi hỏi những người nghệ nhân phải sống được bằng nghề. Thực tế, với loại hình âm nhạc như Ca trù thì làm sao họ tự sống được bằng việc đi hát? Cũng vậy, làm sao Tuồng tự kiếm sống được, làm sao cồng chiêng Tây Nguyên tự kiếm sống được… Bởi vì có những thể loại không nhiều người nghe nữa. Và cũng có những thể loại không phải là nhạc chuyên nghiệp đi biểu diễn kiếm tiền mà là nhạc nghi lễ. Nếu không có chính sách bảo trợ cho những nghệ nhân đó thì sự mai một của di sản sẽ tiếp tục ra đi cùng với sự qua đời của những lớp nghệ nhân cao tuổi
 
Bảo Vũ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến