Dòng sự kiện:
Chương trình phổ thông mới: Giảm học thuộc, tăng ứng dụng
15/01/2018 15:05:21
Chương trình các môn học ở chương trình phổ thông mới có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ lấy ý kiến góp ý trong tháng 1/2018.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới cho An ninh thủ đô biết, dự thảo chương trình các môn học phổ thông mới sẽ được công bố lấy ý kiến rộng rãi trong tháng 1/2018.

Nội dung chương trình môn học mới từ lớp 1 đến lớp 12 đã được xây dựng xong và đang chờ lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Đánh giá về những điểm mới trong cách xây dựng chương trình môn học, GS Nguyễn Minh Thuyết tiết lộ nhiều điểm mới, trong đó môn Ngữ văn và Toán đều được giảm tải để tránh học thuộc, học vẹt, tăng tính sáng tạo, định hướng nghề, rèn kỹ năng ứng dụng.

Tránh sao chép trong môn Văn 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn cho biết, điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là môn Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn: đọc, viết, nói và nghe.

Theo đó, trong chương trình THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc. Để tránh hiện tượng yêu cầu học sinh học thuộc lòng văn mẫu như hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết chương trình mới bảo đảm nguyên tắc học sinh thể hiện được phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Còn GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán cho hay, điều quan trọng mà môn Toán mới hướng tới là bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. Nội dung môn Toán phải phản ánh được những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học. Đồng thời chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...).

Đáng chú ý, môn Toán mới ở từng cấp cũng dành thời gian thích đáng để thực hiện các hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh như: thực hiện các đề tài, dự án học tập, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi toán học, câu lạc bộ, diễn đàn...

Ngoài ra, môn Toán mới cũng đảm bảo tính phân hóa ở tất cả các cấp học, tăng cường dạy học theo hướng cá thể hóa người học, đáp ứng yêu cầu cần đạt chung của chương trình, đồng thời chú ý tới các đối tượng có nhu cầu đặc biệt (học sinh năng khiếu, học sinh khuyết tật...).

Đối với môn Ngữ văn, các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn đọc, viết, nói và nghe (Ảnh: Vietnamnet)

Môn Toán tinh giảm nhiều kiến thức

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình phổ thông mới cho Vietnamnet hay môn Toán ở chương trình mới là môn bắt buộc và được phân theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ học tập tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và những ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp sau này, cũng như có đủ năng lực tối thiểu để tự mình tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm, những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Môn Toán cần góp phần hình thành, phát triển các năng lực chung cũng như năng lực toán học gồm năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học, Năng lực giải quyết vấn đề toán học, Năng lực giao tiếp toán học; Năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học Toán

Nội dung chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất và có cấu trúc dựa trên sự phối hợp cả cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần).

Lịch sử được học bắt đầu qua các câu chuyện

GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình môn Lịch sử cho hay chương trình được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính, kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm hiện nay.

Ở cấp Tiểu học, chưa tập trung vào trang bị tri thức lịch sử mà mục tiêu cao nhất là giúp học sinh có được tình yêu với môn học và hình thành, phát triển ký ức lịch sử. Đây là khác biệt lớn so với chương trình hiện hành.

Ví dụ, khi dạy về thời đại Hùng Vương, có thể hướng dẫn học sinh kể chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thánh Gióng..., kết hợp với việc tìm hiểu về trống đồng, lưỡi cày đồng, mũi tên đồng…. Qua đó, học sinh nắm được cái lõi lịch sử về thời đại Hùng Vương tổ tiên ta trồng lúa, đoàn kết đánh giặc như thế nào.

Ở cấp THCS, toàn bộ Chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất. Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi.

Học sinh được trải nghiệm, hướng nghiệp từ lớp 1 

Hoạt động trải nghiệm là một chương trình độc lập trong giáo dục phổ thông mới, thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, gọi là hoạt động trải nghiệm, cấp THCS và THPT gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Nội dung chương trình ở tiểu học tập trung vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Ở THCS, chương trình tập trung vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Ở THPT, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp.

Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đầy đủ trong các nhà trường thì kết quả giáo dục trong hoạt động trải nghiệm phải được xem là một tiêu chí xếp loại học sinh, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học.

Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, bởi vậy, tùy theo cách tổ chức để huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nhà trường cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương... cho các hoạt động giáo dục này.

Linh Nhi (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến