Dòng sự kiện:
Chương trình sách giáo khoa mới: Giáo viên 'ngơ ngác'
18/01/2018 18:50:00
Theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện chậm nhất từ năm học 2020 - 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021 - 2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022 - 2023 với THPT.


Nội dung và thời lượng giáo dục cấp THPT theo chương trình mới.

Mặc dù thời gian chuẩn bị không còn nhiều, chương trình có nhiều điểm mới, nhiều thay đổi, tuy nhiên cho đến nay, đội ngũ giáo viên (GV) vẫn chưa được thông tin một cách đầy đủ.

Cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên THPT tại Hà Tĩnh, cho biết: “Cho đến nay, tôi chưa nhận được thông tin chính thức từ nhà trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục về nội dung, chương trình SGK mới. Chúng tôi vẫn giảng dạy theo chương trình hiện hành. Việc tập huấn, bồi dưỡng hay đào tạo theo chương trình mới cũng chưa thực hiện”.

“Rút kinh nghiệm” từ những đợt thay SGK trước, cô Thanh Hà cho biết: “Thường khi chuẩn bị thí điểm hoặc triển khai chương trình mới thì mới có chương trình tập huấn cho GV. Thời gian thường gấp gáp, chất lượng không cao, chủ yếu GV tự mày mò để làm”.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho biết, cần có thời gian để chuẩn bị cho việc thay SGK. Tuy nhiên, vị này cũng thẳng thắn chia sẻ là vẫn chưa biết lộ trình, việc làm cụ thể, mà đang trong tâm thế chờ đợi. Vì nhiệm vụ của cả ngành là phải tập trung giảng dạy theo chương trình hiện hành, muốn chuẩn bị cho chương trình mới cũng rất khó.

Thầy Nguyễn Đức Chiến, GV THPT tại Nghệ An, chia sẻ: “Tôi cũng chưa biết chương trình sách giáo khoa mới “mặt ngang mũi dọc” như thế nào. Đọc trên báo, thấy môn Văn chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc, còn lại là tự chọn. Anh em cũng chưa hình dung sẽ dạy học ra sao, thi cử, đánh giá thế nào”.

Một cán bộ quản lý giáo dục ở Thanh Hóa lo lắng: “Chương trình mới có nhiều thay đổi, như có thêm nội dung môn học, học phần tự chọn, trải nghiệm, ngoại ngữ 2... Trước đây, việc thực hiện chương trình tự chọn cho thấy không hiệu quả, gây khó khăn cho công tác quản lý, cân đối GV, kinh phí. Nếu không có những phương án cụ thể, sát thực tiễn, có thể xảy ra “vỡ trận” trong khâu quản lý”.

Thực tế, lường trước những khó khăn của việc áp dụng chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã chủ động xin lùi thời gian thực hiện, để có điều kiện chuẩn bị kỹ hơn. Dù vậy, theo các cơ sở, địa phương…, thời gian không còn xa nhưng khâu chuẩn bị vẫn chủ yếu là về mặt… tinh thần. Theo đề án chương trình phổ thông tổng thể, không có nguồn kinh phí hỗ trợ cơ sở và GV trong việc thay đổi chương trình.

Đây là điều rất đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nếu triển khai chương trình mới mà không có sự chuẩn bị chu đáo, kĩ càng về nhiều mặt.

Theo Lao Động

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến